Nghệ sĩ trẻ đóng vai trò rất quan trọng trong nghệ thuật biểu diễn sân khấu hôm nay

Sáng 18/12, tại Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm với chuyên đề: 'Nghệ sĩ trẻ trong nghệ thuật biểu diễn sân khấu hôm nay'.

"Thầy đờn già, con hát trẻ"

Phát biểu khai mạc và đề dẫn tọa đàm, PGS. TS Trần Trí Trắc cho biết, nghệ thuật sân khấu không thể thiếu tài năng trẻ, không thể thiếu những ngôi sao nghệ thuật biểu diễn. Tài năng trẻ - ngôi sao rực rỡ của nghệ thuật sân khấu không giống như tài nguyên thiên nhiên ấn giấu trong lòng đất và lúc nào cần thì khai thác được ngay. Ngược lại, đó là con người cụ thể, là tài sản tinh thần có thật hiển nhiên và là vốn quí đặc biệt của quốc gia. Nhưng, dù là tài sản đặc biệt đến đâu, thì họ vẫn là con người, vẫn cần phải ăn, ngủ, hít thở…

Do đó, muốn nuôi dưỡng được tài năng trẻ của nghệ thuật biểu diễn sân khấu thì Đảng, Nhà nước cần chăm lo đến đời sống vật chất của họ đặc biệt, để đời sống tinh thần của họ được thăng hoa đặc biệt, làm nền tảng cho sự duy trì, phát triển tài năng đặc biệt của họ trên sân khấu. Không có bầu trời đầy sao sáng thì sân khấu chỉ là đêm “30 tết” mà thôi!".

PGS. TS Trần Trí Trắc phát biểu đề dẫn tọa đàm với chuyên đề: "Nghệ sĩ trẻ trong nghệ thuật biểu diễn sân khấu hôm nay"

"Hội Sân khấu chúng ta tiến hành Hội thảo về đề tài 'Nghệ sĩ trẻ trong nghệ thuật biểu diễn sân khấu hôm nay' nhằm thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật sân khấu Thủ đô phù hợp với thời kỳ đổi mới. Chúng tôi nghĩ, đây là đề tài mở, nên mong các nhà khoa học, các nghệ sĩ hãy tham gia xây dựng nhiều lời hay, ý đẹp, hữu ích, cấp thiết, thời sự để Hội thảo đạt được thành công tốt đẹp, và giúp cho nền nghệ thuật sân khấu à Nội thanh xuân, tươi trẻ, hấp dẫn mãi mãi với thời gian cùng nhân loại…" - PGS. TS Trần Trí Trắc nhấn mạnh.

Nói về vấn đề thiếu vắng nhân vật cho nghệ sĩ trẻ Hà Nội thể hiện, tác giả Nguyễn Toàn Thắng cho rằng: "Nghệ sĩ trẻ nói chung và nghệ sĩ trẻ Hà Nội nói riêng, luôn phải là trung tâm của mọi hoạt động sân khấu. Người xưa đã nói "Thầy đờn già, con hát trẻ" là vì vậy. Khán giả đến rạp xem là bởi họ hâm mộ những đào kép có sắc có thanh, chớ không mấy khi đến rạp để xem nghệ sĩ già biểu diễn từ đầu đến cuối trong một vở diễn, dù cho nghệ sĩ lão làng có xuất sắc đến đâu, tất nhiên trừ một số trường hợp ngoại lệ.

Đặc biệt, chúng tôi chưa bao giờ nghi ngờ về khả năng của các nghệ sĩ trẻ Hà Nội. Họ đầy đủ trình độ, khát khao cống hiến cho nghề. Có những nghệ sĩ, ngày thường nai lưng ra làm đủ việc để duy trì cuộc sống, thế nhưng chỉ cần có vai là họ hào hứng suốt vài tháng trời để cống hiến. Thỉnh thoảng, chúng tôi bắt gặp những nghệ sĩ mới xuất hiện nhưng đã biểu diễn với phong thái đĩnh đạc, già dặn nhưng vẫn rất hăng hái ở lứa tuổi ấy. Đang nghĩ nghệ sĩ này sẽ vụt sáng, nhưng không hiểu sao, lại chỉ dừng lại ở đấy, mà không có cơ hội để tiếp tục phát triển. Và đó là điều thực sự đáng tiếc".

"Sân khấu là vậy, luôn có một sự hấp dẫn lạ kỳ, khiến cho nhiều người đã tuyên bố từ bỏ vì vất vả quá nhưng rồi bằng một sự thần kỳ nào đó, họ lại quay trở lại. Tất nhiên, để nghệ sĩ trẻ được tỏa sáng thì còn nhiều vấn đề, nhưng nhìn từ phía kịch bản là khâu đầu tiên của một vở diễn, thì chúng tôi cho rằng còn yếu và thiếu ở khâu đó. Mà đã yếu và thiếu ở khâu đó, thì các khâu sau khó mà có thể thực hiện tốt được", tác giả Nguyễn Toàn Thắng nói thêm.

Nghệ sĩ trẻ đóng vai trò quan trọng trên sân khấu hiện nay

Đánh giá về vai trò của nghệ sĩ trẻ trong nghệ thuật biểu diễn, TS Cao Ngọc cho rằng, nghệ thuật biểu diễn nói chung, sân khấu nói riêng có rất nhiều đặc thù mà một trong những đặc thù quan trọng nhất là: vở diễn - sản phẩm nghệ thuật đích thực được tạo ra - có tính duy nhất: chỉ trong buổi diễn đó, trong không gian và thời gian đó, không lặp lại.

Người nghệ sĩ biểu diễn sẽ có những sáng tạo, những thăng hoa… đúng ở giây phút trên sàn diễn, ngay lập tức… Vì vậy, sân khấu biểu diễn không cho phép sai lầm, không cho phép sự lơ là bất kỳ phút giây nào người diễn viên hiện diện trên sàn diễn. Người diễn viên vừa là tác giả (của nhân vật mình thủ vai) vừa là sản phẩm sáng tạo (nhân vật)… Vì vậy, có thể khẳng định, nếu không còn diễn viên thì sân khấu cũng không tồn tại. Người diễn viên có vai trò vô cùng to lớn với nghệ thuật biểu diễn, trong đó có sân khấu.

Ban chủ tọa điều hành tọa đàm.

Đặc biệt, người diễn viên càng có kiến thức, càng có kinh nghiệm, sẽ mau chóng tìm được cách giải quyết hợp lý, đúng hoàn cảnh kịch, giữ được vai (không bị thoát vai) cũng như không đi lệch đường dây phát triển của kịch bản. Nhưng ở mức độ nào đó, sân khấu là sân chơi của tuổi thanh xuân, của sức sống tươi trẻ.

"Nghệ nhân xưa truyền tụng câu nhắc nhở “thầy già, con hát trẻ”. Chính người trẻ mới làm nên cái mới, sức thanh xuân bất hủ cho sân khấu. Không gì chán hơn khi nhân vật ở độ tuổi đôi mươi mà diễn viên cứ tầm U60 vào vai theo kiểu cưa sừng làm nghé… Nói gọn lại, sân khấu muốn tồn tại và phát triển, vai trò của các nghệ sĩ trẻ là rất quan trọng" - TS. Cao Ngọc nhấn mạnh.

Trình bày tham luận tại tọa đàm, tác giả Phạm Ngọc Dương cho biết: "Cá nhân tôi cảm thấy hào hứng và tâm đắc. Vai trò của nghệ sĩ nói chung là một vấn đề rộng lớn, bởi vai trò này đang mang trong mình một xứ mệnh lịch sử, nhiệm vụ của quốc gia dân tộc, đó là; bảo tồn, gìn giữ và phát triển những nét tinh hoa của nghệ thuật sân khấu Thủ Đô nói riêng và của cả nước nói chung.

Nhưng chúng ta được về vấn đề nghệ sĩ trẻ trong nghệ thuật biểu diễn hôm nay là một sự đột phá, một cách nhìn bao dung, cởi mở đối với những nghệ sĩ trẻ. Bấy lâu nay những nghệ sĩ trẻ thường ít được quan tâm vì bị cho là còn non nớt, chưa thể giao những nhiệm vụ quan trọng, quả là những thiệt thòi lớn".

TS Cao Ngọc cho rằng, nghệ thuật biểu diễn nói chung, sân khấu nói riêng có rất nhiều đặc thù mà một trong những đặc thù quan trọng nhất là: vở diễn- sản phẩm nghệ thuật đích thực được tạo ra- có tính duy nhất: chỉ trong buổi diễn đó, trong không gian và thời gian đó, không lặp lại.

"Đối với một diễn viên mới vào nghề để có được một vai diễn chính, ít nhất cũng phải trải qua 2-3 năm ngồi quan sát và học hỏi, muốn học được nghề cũng phải khăn gói quả mướp, tiền đóng, gạo góp rồi hầu thầy, cũng chỉ mong học được một vai diễn, có những nghệ nhân khi truyền thụ vai diễn cho học trò, một tuần chỉ dạy một động tác hay chỉ là 1 đoạn xuất hình nhân vật. Cái gì cũng có hai mặt của nó. Các học trò sau khi hoàn thành khóa học đều trở thành những diễn viên có nghề đó là điều rất đáng trân trọng nhưng phải mất đến 4 năm mới học được 2 vai diễn, cứ như vậy mà nhân lên thì nghoảnh lại xuân còn đâu", tác giả Phạm Ngọc Dương cho biết thêm.

Xuyên suốt buổi tọa đàm, các đại biểu đã trình bày tham luận để đưa ra hướng phát triển cho nghệ sĩ trẻ trong nghệ thuật biểu diễn sân khấu. Bởi nghệ sĩ trẻ mang trong mình một xứ mệnh lịch sử đó là, gìn giữ, bảo tồn và phát triển nền sân khấu nước nhà.

Bài và ảnh: Trung Nguyễn

To Top