Nghệ sĩ ưu tú Phan Lương: Lên sân khấu thì chỉ sống với vai diễn!

Năm 12 tuổi, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Phan Lương - hiện là Đoàn trưởng Đoàn múa Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam - đã chọn theo học tại Học viện Múa Việt Nam (trước là Trường Cao đẳng múa Việt Nam). Chàng trai sinh ra ở Quảng Bình này đã dành trọn tuổi trẻ của mình để học tập, tích lũy kinh nghiệm và sống với nghề múa.

Tên tuổi anh gắn liền với các vai diễn trong những vở ballet kinh điển, vở múa nổi tiếng “Kẹp hạt dẻ”, “Hồ Thiên Nga”, “Trái tim tơ lụa”, “Quan Âm Thị Kính”... Ngoài ballet, anh cũng có những đóng góp trong lĩnh vực múa đương đại, là một biên đạo thành danh ở trong và ngoài nước.

- Thưa NSƯT Phan Lương, anh có thể chia sẻ một chút về cơ duyên với nghề múa?

- Tôi sinh ra và lớn lên tại Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Năm tôi 12 tuổi, Học viện Múa Việt Nam về các tỉnh để sơ tuyển. Bố mẹ vô tình biết được thông tin và hỏi ý kiến tôi. Thực sự hồi đấy quê hương tôi còn rất nghèo khó, cơ hội để đi học ở thành phố không nhiều và cũng không dễ dàng. Tôi nghĩ đây là một cơ hội cho mình. Khi tham gia ứng tuyển, tôi đã được nhìn nhận là có năng khiếu, có tố chất. Sau khi ra Hà Nội tuyển thêm 2 vòng nữa, tôi đã được học tại Trường Cao đẳng múa Việt Nam 7 năm. Thời gian đầu với một cậu bé 12 tuổi như tôi là rất khó khăn, phải sống tự lập xa nhà. Tôi cũng nhớ nhà, nhớ quê, nhớ bố mẹ và lúc nào cũng có thể khóc được. Đó là quãng thời gian rất đáng nhớ.

- Gần 20 năm công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, vai diễn nào để lại nhiều kỷ niệm với anh hơn cả?

- Tôi may mắn được tham gia rất nhiều vai chính, thứ chính trong các vở ballet kinh điển của các biên đạo múa nổi tiếng nước ngoài và Việt Nam, nhưng vai diễn mà tôi cảm thấy sâu sắc nhất là vai “Chim Lửa” trong vở ballet cùng tên. Đầu tiên, vai “Chim Lửa” dành cho một bạn nữ diễn viên chứ không phải là nam. Nhưng trong khi luyện tập, nữ diễn viên ấy gặp vấn đề, buộc phải thay người. Chỉ trong 3 ngày, đạo diễn đã chỉ định tôi thay thế. Rất may là vở diễn ấy sau này đã được diễn rất nhiều - cả ở Thụy Điển nữa.

NSƯT Phan Lương trong tiết mục múa "Self" do anh biên đạo và biểu diễn.

- Chỉ có 3 ngày để hoàn thành một vai diễn, anh đã làm như thế nào?

- Thời điểm ấy tôi vừa kết thúc quá trình du học tại Hồng Kông (Trung Quốc). Tôi xem đó là thời kỳ đỉnh cao của mình, vừa có kỹ năng nghề nghiệp vừa có sức dẻo dai, bền bỉ của tuổi trẻ. Lúc ấy, tôi đang đảm nhận một vai quần chúng trong vở “Chim Lửa” thì đã được hai đạo diễn người nước ngoài chọn đảm nhận vai chính. Tính chất của vở diễn đã thay đổi, từ vai chính dành cho nữ chuyển sang vai chính cho nam. Trong một ngày tôi phải học hết các động tác của vai, ngày thứ hai phải ghép nhạc. Tôi cũng băn khoăn, lo lắng vì đây là một vở diễn lớn, trước đó người đảm nhận vai chính đã tập hàng tháng trời. Lúc ấy tôi cảm thấy áp lực lắm, nhưng có thể vì mình quá đam mê nên những gì đạo diễn và biên đạo tập trung hướng dẫn thì tôi nắm bắt được hết, khi nhập vai không cảm thấy quá khó khăn nữa. Tuổi trẻ là quãng thời gian vô cùng quý báu! Đang sẵn sàng sức trẻ, kinh nghiệm và kỹ năng nên khi hòa nhập với một vai diễn mới thì tôi đã đáp ứng tốt.

Với diễn viên chúng tôi, khi đã lên sân khấu thì quên hết mọi thứ, chỉ sống với vai diễn của mình thôi. Trong vở “Chim Lửa”, tôi múa đôi với NSƯT Cao Chí Thành - người được mệnh danh là Hoàng tử ballet Việt Nam. Chúng tôi không có nhiều thời gian tập cùng nhau và khi lên sân khấu đã bị quên bài một chút. Nhưng hai anh em rất hiểu nhau nên có sự phối hợp ăn ý, thay đổi phần cuối kịch bản của bài múa. Luôn làm chủ kỹ thuật, đó cũng chính là bản lĩnh của người nghệ sĩ trên sân khấu.

- Tuổi nghề của diễn viên múa không nhiều, thời gian thăng hoa cũng chỉ giới hạn. Làm thế nào để duy trì niềm say mê với nghề?

- Trước hết chúng tôi phải duy trì thể lực, duy trì tập luyện để cơ thể mình đáp ứng được vai diễn. Niềm đam mê nghề có trong con người mình, dù ít nhiều thay đổi theo thời gian nhưng nó vẫn luôn tồn tại. Nghệ thuật múa có nhiều loại hình múa ballet, múa hiện đại, múa truyền thống... Bây giờ, các nghệ sĩ múa cũng có nhiều cơ hội để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thông qua việc tìm hiểu riêng, cơ hội đi ra nước ngoài tham gia các cuộc thi, liên hoan... Thông qua đó, chúng tôi có thể làm mới mình. Tôi cũng rất tự hào là trong những năm tháng du học tại Hồng Kông, tôi luôn được chọn vào các vai chính, quan trọng trong tác phẩm ballet. Điều đó cũng một phần khẳng định tài năng của nghệ sĩ múa Việt Nam trước các bạn diễn nước ngoài.

- Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Bảo Trân

To Top