Thổi luồng gió mới cho nghệ thuật tuồng

Trong thời gian qua, việc đổi mới nghệ thuật tuồng qua nghệ thuật biểu diễn, sân khấu thể nghiệm đã góp phần mang đến cho khán giả hướng tiếp cận mới, để thấy rằng môn nghệ thuật này không quá cổ, quá khó hiểu như người ta thường nghĩ.

Bên cạnh đó, những sản phẩm thiết kế mỹ thuật, thời trang và các sản phẩm công nghiệp văn hóa khác từ chất liệu tuồng đã gợi mở những hướng đi khác để di sản “sống” được cùng sự phát triển của xã hội.

NSND Minh Gái thử sức kết hợp ngâm thơ với nghệ thuật tuồng

Từ “Bách giai xuân ý”

Nghệ thuật tuồng được xem là “tứ trụ” của sân khấu truyền thống. Xưa kia, cha ông ta hát tuồng thường dựa trên những tuồng tích xưa bằng tiếng Hán nên phần nào đó hạn chế sự tiếp cận của người dân. Vì thế, tuồng thường gắn liền với cung đình, được mặc định với hai từ “bác học”. Với mong muốn đưa nghệ thuật tới gần hơn với công chúng, nhóm Đông Kinh cổ nhạc đã thử nghiệm việc đưa tuồng trở lại như một môn kịch hát Việt, trong đó nghệ thuật tuồng được kết hợp với những câu thơ thiền và một phần tác phẩm “Chinh phụ ngâm”, kể lại những tích xưa.

Trong buổi biểu diễn đầu xuân Giáp Thìn của nhóm Đông Kinh cổ nhạc tại không gian quen thuộc số 50 phố Đào Duy Từ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), tác phẩm “Bách giai xuân ý” đã ra mắt người xem qua phần thể hiện của NSND Minh Gái. Phần Hán ngữ của thơ thiền được dịch sang tiếng Việt, kết hợp với “Chinh phụ ngâm” - một tác phẩm được viết bằng chữ Nôm, miêu tả cảnh đẹp hồ Tây và tâm thế của người lữ khách trước non sông gấm vóc, tức cảnh sinh tình... Nếu như trước đây, tên tuổi của NSND Minh Gái “đóng đinh” với trích đoạn tuồng kinh điển “Hồ Nguyệt cô hóa cáo”, thì bây giờ chị lại thử sức với cách thức biểu diễn mới. Chị chia sẻ rằng đã dùng các làn điệu hay nhất của tuồng như ngâm, xướng, hát Nam Xuân... để phổ thơ sao cho hợp cảnh, hợp tình. “Nghệ sĩ thường diễn tuồng nhưng đây lại chỉ hát thôi, vì thế tôi phải tìm những làn điệu phù hợp làm toát lên được nội dung câu thơ. Trong cách hát và động tác luôn hài hòa, như đưa người nghe đến với nét đẹp của đất nước qua những vần thơ thiền. Một cách nhẹ nhàng hơn, người trẻ sẽ hiểu hát tuồng là thế nào” - NSND Minh Gái nói.

Anh Đàm Quang Minh, trưởng nhóm Đông Kinh cổ nhạc cho biết: “Khi chọn thơ để lồng điệu tuồng cũng cần sự nghiên cứu. Không chỉ đơn thuần là tả cảnh, tả tình mà trong đó còn có tính cách, động tác đặc trưng của nhân vật. Với nhiều hình tượng phong phú, chúng tôi có được những màn diễn mới mà qua đó ý thơ được biểu hiện bằng âm nhạc tuồng. Đây là sự may mắn khi chúng tôi xây dựng những “Chuyện nhạc”, trong đó chủ đạo là âm nhạc, tình cảm, sự kết nối các bộ môn nghệ thuật với nhau, để người nghe trải qua nhiều cung bậc, sắc thái biểu cảm của ngôn ngữ. Sự đồng cảm là điều chúng tôi tìm kiếm trong những thử nghiệm của mình”.

Đến “Cõi thinh không”

Nếu như trên sân khấu biểu diễn, tuồng được kết hợp với văn học thì với sân khấu thể nghiệm của những người trẻ, tuồng vẫn phảng phất tinh thần của người xưa gửi gắm nhưng lại được thể hiện với sự kết hợp cùng âm nhạc đương đại, với những nhóm công chúng khác nhau trong không gian khác nhau. Hà Nguyên Long tự nhận mình và bạn bè cùng trang lứa không có kết nối sâu sắc với nghệ thuật truyền thống. Thế hệ của anh đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của các sản phẩm văn hóa, tinh thần phương Tây trong bối cảnh đất nước hội nhập. Trong khi đó, các bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, ca trù... gặp nhiều khó khăn để tìm “chỗ đứng” trong lòng công chúng hôm nay.

Dự án “Sơn Hậu” của Hà Nguyên Long gây tiếng vang, thu hút sự quan tâm của công chúng yêu nghệ thuật được lấy cảm hứng từ vở tuồng cùng tên. Thay vì diễn trên sân khấu, anh đã chọn trình diễn tác phẩm này tại sân chơi khu tập thể Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội). Hà Nguyên Long mong muốn hoạt động này có thể khơi gợi ký ức tập thể của người dân, từ các thế hệ trước cho đến các em nhỏ; khán giả như những nhân chứng sống được kết nối với nhau. Thông qua tác phẩm này, điều thú vị mà anh muốn dành cho khán giả là một góc nhìn mới về nghệ thuật tuồng. Anh cho rằng: Truyền thống không đứng yên mà là sự tích hợp không có điểm dừng trong không gian, thời gian, có khả năng phát triển từ quá khứ đến tương lai.

“Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về nghệ thuật diễn xuất, vũ đạo, hóa trang, phục trang, cách kể chuyện, âm nhạc... của nghệ thuật tuồng, tôi đã kết hợp chúng với các yếu tố nghệ thuật khác như nhạc điện tử, hiphop. Nghệ thuật tuồng được đặt trong không gian cởi mở, đa thế hệ cũng như kết hợp với các yếu tố nghệ thuật đương đại sẽ tạo ra nhiều cách thức tiếp cận khác nhau dành cho nhiều nhóm khán giả” - đạo diễn Hà Nguyên Long nói.

Việc thử nghiệm nào cũng có những rủi ro, thậm chí nếu không cẩn thận sẽ gây phản cảm, “làm hại” đến di sản. Hà Nguyên Long chia sẻ rằng ban đầu, anh cảm thấy mình khá liều lĩnh. Tuy nhiên, khi nhìn nhận nghệ thuật truyền thống là một ngôn ngữ giao tiếp thì sẽ dễ dàng kết hợp tuồng với các bộ môn khác. Cũng là nhạc điện tử nhưng anh và các đồng nghiệp đã sử dụng tiết tấu, âm điệu gần với cách chơi của âm nhạc truyền thống, với trống, nhị, kèn. Hà Nguyên Long hy vọng rằng, vở diễn “Sơn Hậu” sẽ là khởi đầu và có thể đi xa hơn với những phiên bản khác.

Không để khán giả chờ đợi, một lần nữa nghệ thuật tuồng được làm mới qua dự án “Cõi thinh không” - trình diễn trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Văn hóa sáng tạo tại không gian của Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trong vở diễn, hai nhân vật Khương Linh Tá và Tạ Ôn Đình đối thoại với nhau nhưng cách bố trí không gian, ánh sáng đầy dụng ý, cùng với chuyển động múa đương đại của các nhân vật đã tạo ra sự tương tác với khán giả. “Không gian tại Hội quán Quảng Đông ít nhiều mang tính tâm linh, làm chúng tôi nảy sinh cảm quan nghệ thuật mới, giúp khán giả có được cảm giác hòa hợp” - đạo diễn Hà Nguyên Long nói. Hướng đến đối tượng khán giả trẻ, anh và các đồng nghiệp không giới hạn suy nghĩ của mình, mạnh dạn đưa ra những ý tưởng mới và tạo ra nhiều “cánh cửa” tiếp cận truyền thống.

Không chỉ dừng lại trên sân khấu biểu diễn, chất liệu của tuồng cũng được các nghệ sĩ gửi gắm vào thời trang, thực hành mỹ thuật công cộng. Những chiếc áo phông in hình mặt nạ tuồng gợi cảm hứng để các bạn trẻ tìm hiểu kỹ hơn về các tích tuồng; những không gian công cộng như phố Phùng Hưng, Phúc Tân, ngõ Cấm Chỉ... có những câu chuyện về các nhân vật tuồng gợi kỷ niệm về nơi chốn. Vẻ đẹp của nghệ thuật tuồng, từ những bài học đạo đức cho đến các yếu tố như phục trang, nhân vật, diễn xuất... đều tạo ra nguồn cảm hứng thúc đẩy ngôn ngữ nghệ thuật, ứng dụng và nâng tầm nghệ thuật đương đại, tạo ra sự khác biệt trong phong cách của các nghệ sĩ.

Sự sang trọng, tinh tế và sâu sắc có lẽ là chìa khóa để bước vào “không gian” của nghệ thuật tuồng. Bản sắc làm nên sự khác biệt, cũng bao gồm những tìm tòi, sáng tạo và mang đến cho hiện tại những cách tiếp cận mới, bởi truyền thống cũng thuộc về tương lai.

To Top