Đảm bảo mức chi trả nhuận bút, thù lao phù hợp cho tác phẩm Văn học nghệ thuật

Chiều 14/6, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong đã chủ trì buổi làm việc với các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập về việc triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 21/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Ngày 14/2/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 21/2015/NĐ-CP. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong phát biểu tại buổi làm việc.

Nghị định ra đời đã góp phần xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chính sách thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT thuật trong thời kỳ mới.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định là việc làm cần thiết, nhằm đảm bảo sự đồng bộ, phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung các nội dung cho Nghị định giúp đáp ứng sự thay đổi, phát triển trong thực tiễn của hoạt động sáng tạo VHNT những năm vừa qua; tạo sự bao quát đầy đủ các thể loại, hình thức tác phẩm, các chức danh sáng tạo, khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động sáng tạo.

Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, công tác sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP là công việc khó, có tính kỹ thuật cao do Nghị định có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng rộng. Đây cũng là lĩnh vực có tính đặc thù, khó đong đếm.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Trần Hoàng phát biểu.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho rằng, việc triển khai thực hiện Nghị định trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trong việc xây dựng dự toán và thanh, quyết toán kinh phí chi trả nhuận bút, thù lao hàng năm; góp phần thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động sáng tạo và phổ biến các giá trị VHNT và khoa học, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và nhu cầu hưởng thụ của công chúng.

Ông Trần Hoàng cũng cho biết, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, qua thời gian, Nghị định cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi, bổ sung kịp thời. Trong đó, Nghị định chưa bao quát được đầy đủ các thể loại, hình thức tác phẩm, nhất là thể loại, hình thức mới xuất hiện. Từ đó, tạo nên khó khăn khi vận dụng chi trả nhuận bút, thù lao đối với các thành phần tham gia sáng tạo các thể loại, hình thức tác phẩm này.

Ngoài ra, chế độ nhuận bút, thù lao cho tác giả, bồi dưỡng cho văn nghệ sĩ, người làm nghệ thuật còn thấp, chưa đánh giá đúng mức, chưa tương xứng với tài năng, công sức của người nghệ sĩ sáng tạo. Do đó, chưa thực sự động viên, khích lệ, tạo động lực cao cho các nghệ sĩ sáng tác và tổ chức, cá nhân đầu tư sáng tạo tác phẩm và chương trình nghệ thuật chất lượng.

Tại buổi làm việc, các thành viên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã đóng góp ý kiến nhằm xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định.

Toàn cảnh buổi làm việc

Để Nghị định sau khi được sửa đổi, bổ sung, ban hành có tính khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn, Thứ trưởng Hồ An Phong yêu cầu các thành viên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập có sự nghiên cứu kỹ trong quá trình xây dựng Nghị định; chủ động xin ý kiến góp ý của các bên liên quan, địa phương. Nội dung sửa đổi, bổ sung phải đi sâu, đi sát với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi.

Một trong những nội dung Thứ trưởng Hồ An Phong đặc biệt quan tâm là mức chi trả nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác. Thứ trưởng khẳng định, mức chi trả cần được nghiên cứu, có cách thức tính toán phù hợp để vừa khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ, người sáng tạo nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng tốt phục vụ công chúng, nhưng vẫn đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước.

Xuân Anh

To Top