Đến với bài thơ hay: Xóm Trại

Đây là bài thơ nặng chút hoài niệm - hoài niệm về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ấy thuở xưa làng chưa ra làng, xóm chưa ra xóm, dân làng chủ yếu cày thuê cuốc mướn, gia đình anh cũng như tôi không ngoại lệ - làng Trại là vậy. Cho nên toàn bài thơ gợi lên một chút nào đó man mác buồn vui lẫn lộn.

Tiết đã sang đông cải trổ ngồng

Ai về xóm Trại với tôi không

Bãi bồi cỏ dại hoa chen lá

Sóng vỗ đôi bờ cát bến sông

Chị gái hàng cơm sớm có chồng

Anh cày ruộng trại đã lên ông

Thuyền ai ghé bến thời thơ ấu

Có chở khách về xóm trại không

Gó lạnh chiều càng buốt giá đông

Thương bông hoa dại nở trên đồng

Hoàng hôn xuống núi chim tìm tổ

Xóm Trại tôi về nhớ mêng mông

Đây là bài thơ hay trong số những bài thơ anh đã gởi cho tôi, với văn chương, tôi là người ngoại đạo, nhưng thấy bài thơ có nhiều cảm xúc phù hợp với lòng mình – là người bạn vong niên, đồng làng, đồng khóa, dĩ nhiên sẽ có nhiều kỷ niệm với nhau một thời chăn trâu cắt cỏ, vì vậy có đôi lời đàm đạo cùng thi hữu cho vui.

Lẽ thường, nhiều thi hữu bình thơ hay nói về niêm, luật, nào là cặp đối này hay, cặp đối kia dở, theo tôi đã nói bài thơ hay thì chẳng cần bàn gì đến niêm, luật nữa vì đó là cái tối thiểu, việc đó dành cho giáo trình giảng dạy văn học, bình thơ chỉ cần nêu lên được tác giả đã cho ta cảm nhận về điều gì tinh túy nhất, và với phương pháp tu từ nào để người đọc thấu đáo, mặn mà với tác phẩm, bởi lẽ đó trong bài viết này tôi không bàn gì về niêm luật, chỉ gợi cho bạn đọc điều tác giả viết về cái gì và viết như thế nào.

Đây là bài thơ nặng chút hoài niệm - hoài niệm về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ấy thuở xưa làng chưa ra làng, xóm chưa ra xóm, dân làng chủ yếu cày thuê cuốc mướn, gia đình anh cũng như tôi không ngoại lệ - làng Trại là vậy. Cho nên toàn bài thơ gợi lên một chút nào đó man mác buồn vui lẫn lộn.

Mở đầu bài thơ tác giả gợi cho ta một hoàn cảnh chẳng mấy ngọt ngào:

"Tiết đã sang đông cải trổ ngồng"

Câu thơ chẳng có gì đặc biệt nhưng tứ thơ thật là sâu sắc bởi lẽ mời bạn về xóm Trại vào lúc mới sang đông, cái rét tê dại, "cải đã trỗ ngồng", cùng với đó là "Bãi bồi cỏ dại hoa chen lá /Sóng vỗ đôi bờ cát bến sông", tác giả không đưa ta đến cái nồng ấm, êm ả để ta được nếm trải chút buốt lạnh, hoang sơ của một thời hàn vi mà xóm Trại đã đi qua, để bạn lòng của mình cùng hiểu và chiêm nghiễm những ký ức thấm sâu trong lòng tác giả:

“Ai về xóm Trại với tôi không"

Ở đây ta bắt gặp được câu thơ với từ "Ai" thật đắt giá. Thực ra có nhiều cách viết: Anh về… Chị về… Bạn về… nhưng tác giả lại dùng từ "Ai về". Đó là một dụng ý rất hay, tác giả không khẳng định một con người cụ thể mà lấp lẩng bâng quơ như vậy để người đọc đều thấy mình trong đó…ắt đó cũng là cách sống lãng tử, nặng tình, lắm bạn của anh . Tuy nhiên tôi thầm nghĩ tác giả có cái “Ai" cụ thể của một thời mà không tiện nói ra.

Đúng như tôi dự đoán,ở khổ thơ 2 anh viết:

"Thuyền ai ghé bến thời thơ ấu

Có chở khách về xóm trại không"

Trong các thể loại của văn học "thuyền" và "bến" là những hình ảnh ẩn dụ cho người con trai con gái ở độ tuổi trăng tròn - tuổi của tình yêu.

"Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền"

(Thơ Đằng Giao)

"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay"

(Thơ Hàn Mạc Tử)

Tác giả dùng từ "thuyền ai" lại một lần nữa muốn gửi gắm một điều thầm kín, một hoài niệm sâu xa của thời

"Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên"

Viết đến đây tôi chợt nhớ bài thơ "Có một giấc mơ" anh đã viết:

"Sân trường vẳng hẳn tiếng ve

Thu sang, cúc nở vàng hoe lối chờ"

Tôi thốt lên trời cho anh cụm từ “vàng hoe lối chờ" quá là tuyệt bút, nhưng bây giờ tôi mới ngẫm ra câu thơ hay đó bắt nguồn từ cái tâm sâu sắc, cái nghĩa thủy chung của người cầm bút.

Với mạch rung cảm giàu chất suy tư anh đưa bạn đọc đến khổ thơ thứ 3. Ở đây anh càng trăn trở hơn với xóm Trại. Tuy xóm Trại đã có tên làng, đã nhiều đổi khác trên con đường xây dựng nông thôn mới…nhưng những hoài niệm của anh vẫn níu kéo mạch thơ anh gợi về kỷ niệm thời thơ ấu

“Gió lạnh chiều càng buốt giá đông

Thương bông hoa dại nở trên đồng

Hoàng hôn xuống núi chim tìm tổ

Xóm Trại tôi về nhớ mêng mông"

Hai câu kết là cách viết rất chắc tay của tác giả. Đó là sự liên tưởng giữa đàn chim và tác giả. Đàn chim có bay cùng trời cuối đất thì hết ngày cũng phải quay về tìm tổ, con người cũng vậy, dẫu đi bốn phương trời, với bao điều nếm trải, thì cuối cùng vẫn trở về nơi chôn rau cắt rốn, đúng như anh đã viết trong bài thơ "Hồn quê" rằng: “Lắm lối ta đi một chốn về”. Câu kết cho một bài thơ rất có hậu.

Là người lính nửa đời cầm súng, nay về nơi quê hương, nơi có chùm khế ngọt, nơi có vành nón lá nghiêng che, có tiếng mẹ ru, có con cò lả, có hạt mưa ngâu, sim chín trên đồi, có nhiều cay đắng, có lắm ngọt bùi đã chắt lọc, lắng đọng lại thành bài thơ Xóm Trại- một thi phẩm để đời của anh.

Tôi mượn câu thơ của Khương Hữu Dụng “Cuộc đời đâu phải phù sinh/ Trăm năm nhân nghĩa ân tình mình ơi” để khẳng định điều xuyên suốt của bài thơ mà tác giả muốn trãi lòng, gửi gắm những hoài niệm về nơi chôn rau cắt rốn đó là chất nhân văn của một người từng trải.

Bước sang năm mới Giáp Thìn chúc anh và gia đình dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, có thi phẩm hay nhiều hơn nữa.

Ba mươi tết / Giáp Thìn – 2024 – BNB

______________________________________________

Xóm Trại nay là xóm Tân Dừa, xã Hương Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh

Bùi Ngọc Bích

To Top