Cần quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị VNDG của tỉnh tương xứng với tiềm năng

Quảng Ninh là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa với kho tàng di sản văn hóa, văn nghệ dân gian (VNDG) phong phú, đặc sắc và độc đáo. Những giá trị văn hóa,

VNDG đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu, phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh, song cũng đang đứng trước nhiều thách thức.

Nhân dịp đầu xuân, khi những câu chuyện luận bàn về văn hóa truyền thống luôn được nhắc đến nhiều, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ của ông Nguyễn Quang Vinh (ảnh), Chủ tịch Hội VNDG Quảng Ninh – người đã dành nhiều tâm huyết cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, VNDG ở Vùng mỏ.

Nói về kết quả công tác sưu tầm, bảo tồn các di sản văn hóa, VNDG trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến nay, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết:

Quảng Ninh là vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, nơi hội tụ và sinh tồn của 43 thành phần dân tộc anh em. Vì vậy, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã gắn bó keo sơn, đoàn kết, không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc và từng bước khẳng định những phẩm chất, tinh hoa văn hóa truyền thống của mình trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Theo thống kê, tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 1.200 di tích văn hóa, tập trung 3 thể loại: Văn hóa lịch sử, Văn hóa tâm linh và Văn hóa dân gian.

Sau hơn 20 năm thành lập và phát triển, với vai trò nòng cốt, Hội VNDG tỉnh Quảng Ninh đã có rất nhiều đóng góp quan trọng trong công tác sưu tầm, bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa, VNDG trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Hội VNDG đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp thực hiện 7 dự án, đề tài, công trình nghiên cứu có giá trị.

Cụ thể: Công trình nghiên cứu về người Dao Quảng Ninh được xuất bản thành sách “Mấy vấn đề người Dao Quảng Ninh”; công trình sưu tầm, bảo tồn di sản văn hóa dân gian làng Vân và văn hóa dân gian vùng biển tỉnh Quảng Ninh, đã được xuất bản thành sách “Văn hóa dân gian làng Vân và văn hóa dân gian vùng biển tỉnh Quảng Ninh”; công trình sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn Ca dao Vùng mỏ, đã xuất bản thành sách; Công trình sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu Văn hóa Ẩm thực vùng biển tỉnh Quảng Ninh, đã xuất bản thành sách “Văn hóa ẩm thực vùng biển tỉnh Quảng Ninh” và cuốn sách "101 món ăn dân gian Vùng biển ở Quảng Ninh"; công trình sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hát nhà tơ, hát múa cửa đình của cư dân vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh; công trình sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân gian làng chài Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long, đã xuất bản thành sách “Văn hóa dân gian của dân chài Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long”, và Đề tài “Địa danh Quảng Ninh xưa và nay” đang được triển khai thực hiện từ năm 2018 đến nay.

Cùng với đó, Hội VNDG tỉnh còn tập trung khai thác, bảo tồn, tôn vinh các nghệ nhân dân gian. Tính đến hết năm 2020, tỉnh Quảng Ninh có 64 Nghệ nhân dân gian Việt Nam, trong đó có 1 Nghệ nhân Nhân dân và 34 Nghệ nhân Ưu tú.

Hội cũng đã sưu tầm, chọn lọc xuất bản 36 tác phẩm về văn học dân gian. Ngoài công tác sưu tầm, công tác phổ biến, truyền dạy VNDG cũng được đẩy mạnh thông qua việc xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ VNDG của Hội VNDG tỉnh và 122 câu lạc bộ VNDG ở các địa phương.

- Những công trình nghiên cứu, sưu tầm của Hội VNDG có ý nghĩa như thế nào đối với công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa, VNDG của tỉnh Quảng Ninh, thưa ông?

+ Có thể khẳng định những công trình nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa, VNDG được thực hiện và hoàn thành đến thời điểm này đã thể hiện quá trình làm việc say mê, nghiêm túc của các hội viên Hội VNDG tỉnh nói riêng cũng như sự vào cuộc, phối hợp, hỗ trợ sâu sắc từ các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung.

Đặc biệt, những công trình, đề tài nghiên cứu, sưu tầm đã được in, xuất bản thành sách sẽ trở thành vốn tư liệu quý giá, ý nghĩa, thiết thực phục vụ cho quá trình nghiên cứu về văn hóa, VNDG của Quảng Ninh trong những giai đoạn tiếp theo.

Những công trình về văn hóa, VNDG được nghiên cứu, sưu tầm đều đã góp phần làm sâu sắc ý nghĩa và giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh Quảng Ninh nói riêng, làm phong phú đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam nói chung. Qua đó, không ngừng khơi dậy tinh thần bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong đông đảo tầng lớp nhân dân, góp phần trong công tác giáo dục tri thức, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.

Đồng thời, những công trình nghiên cứu này còn phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tổ quốc trong tình hình mới, phục vụ phát triển kinh tế, du lịch... đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ và bền vững của địa phương, đất nước.

Loại hình VNDG “Hát Then - đàn Tính” của người Tày ở huyện Bình Liêu được bảo tồn và phát huy ngày càng hiệu quả trong đời sống văn hóa cộng đồng. Ảnh: Phạm Học

- Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ông, những vấn đề đang đặt ra đối với công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa, VNDG của Quảng Ninh hiện nay là gì?

+ Việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, VNDG của tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Vì vậy, cần phải tiếp tục có những cơ chế, chính sách thật sự thỏa đáng cho công tác này.

Cùng với đó, lực lượng tham gia nghiên cứu văn hóa, VNDG nhất là các nhà nghiên cứu trẻ, được đào tạo bài bản cũng đang thiếu hụt, vì vậy cần có sự bổ sung cũng như cần mở rộng thêm đến nhiều đối tượng khác như: Cán bộ văn hóa, nghệ nhân… ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Một thách thức lớn đang đặt ra đó chính là xu thế hội nhập quốc tế. Đối với lĩnh vực văn hóa, hội nhập quốc tế đã và đang mở ra nhiều cơ hội để chúng ta phát huy giá trị văn hóa dân tộc và mở rộng tiếp thu văn hóa nhân loại. Song hiện nay một bộ phận người dân, có biểu hiện coi nhẹ hoặc thờ ơ với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, do đó đặt ra yêu cầu cao hơn đối với công tác giáo dục.

- Vậy những giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới là gì, thưa ông?

+ Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, VNDG trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tôi nghĩ rằng cần tiếp tục thực hiện tốt công tác sưu tầm, kiểm kê, biên tập và xuất bản một số tác phẩm tiêu biểu của loại hình VNDG tại địa phương. Nâng cao vai trò quản lý của nhà nước, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ di sản văn hóa nói chung và VNDG nói riêng. Đặc biệt là việc bảo tồn các loại hình VNDG ngay chính trong đời sống của cộng đồng thông qua việc phổ biến, truyền dạy một cách bài bản, rộng rãi, thường xuyên từ cơ sở.

Bên cạnh đó, cần có chính sách, chế độ thỏa đáng cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, tạo điều kiện hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho Hội VNDG tỉnh trong thực hiện công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, VNDG.

Tỉnh cũng như các địa phương cần tiếp tục duy trì tổ chức các hoạt động, chương trình như ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, liên hoan ca múa nhạc dân gian, triển lãm văn hóa các dân tộc. Quan tâm hơn nữa hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở địa phương, nhất là đội ngũ làm công tác văn hóa; đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, giao lưu, hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc nói chung, VNDG nói riêng.

Hội VNDG tỉnh tham gia phục dựng lễ hội Đại phan tại xã Thống Nhất (TP Hạ Long). Ảnh: Phạm Học

- Trong thời gian tới, Hội VNDG tỉnh sẽ cụ thể hóa những định hướng này bằng những kế hoạch gì?

+ Hội VNDG tỉnh sẽ tập trung tham gia thực hiện Bộ sách Văn hiến Quảng Ninh về Tuyển tập văn hóa, văn học và VNDG các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, bao gồm: Giới thiệu đất và người Quảng Ninh; Tổng quan văn hóa và văn hóa dân gian Quảng Ninh; Giới thiệu về phong tục, tập quán người Quảng Ninh; Trò chơi dân gian của người Quảng Ninh; Tục ngữ, ca dao, dân ca các dân tộc Quảng Ninh; Văn hóa công nhân Vùng mỏ Quảng Ninh; Truyện kể dân gian ở Quảng Ninh; Nghệ thuật trình diễn văn nghệ dân gian; Văn hóa ẩm thực ở Quảng Ninh và vùng biển tỉnh Quảng Ninh; Lễ hội dân gian ở Quảng Ninh.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện sưu tầm, nghiên cứu, biên tập, in, xuất bản sách giới thiệu không gian Văn hóa hát đối, hát giao duyên các dân tộc tỉnh Quảng Ninh; đề xuất phối hợp với Sở Du lịch lập dự án “Văn hóa văn nghệ dân gian phục vụ phát triển du lịch ở tỉnh Quảng Ninh”; hoàn thành đề tài khoa học về “Địa danh Quảng Ninh xưa và nay”...

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này! Chúc ông một năm mới an lành, nhiều sức khỏe để có thể tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, VNDG tỉnh Quảng Ninh!

Nguyễn Dung (Thực hiện)

To Top