Khởi sắc mảng đề tài văn học các dân tộc thiểu số

Vài năm trở lại đây, mảng đề tài văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam đã có những tín hiệu khởi sắc. Bên cạnh những hoạt động sôi nổi thông qua hội thảo, trại sáng tác, đợt thực tế… chất lượng tác phẩm và giải thưởng văn học cũng được nâng cao. Ðặc biệt là sự xuất hiện của những cây bút trẻ là người dân tộc thiểu số với những tác phẩm khai thác về văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của địa phương mình.

Các tác giả đoạt giải B năm 2020 của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ảnh: Trần Hoàng

Vài năm trở lại đây, mảng đề tài văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam đã có những tín hiệu khởi sắc. Bên cạnh những hoạt động sôi nổi thông qua hội thảo, trại sáng tác, đợt thực tế… chất lượng tác phẩm và giải thưởng văn học cũng được nâng cao. Ðặc biệt là sự xuất hiện của những cây bút trẻ là người dân tộc thiểu số với những tác phẩm khai thác về văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của địa phương mình.

Sau Ðại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 2014 - 2019), Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã tập trung vào các hoạt động cụ thể gắn liền với vùng miền, đồng bào các dân tộc bằng nhiều hình thức, như: hội thảo, trại sáng tác, đi thực tế điền dã, phát động các cuộc thi và đợt sáng tác theo chủ đề. Tính đến nay, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam có khoảng 1.550 hội viên, 40 tổ chức cơ sở Hội và Chi hội của 40 tỉnh, thành phố trong cả nước, thuộc các chuyên ngành: Văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, lý luận phê bình, văn nghệ dân gian. Có 35 dân tộc trong tổng số 54 dân tộc có hội viên và chuyên ngành văn học chiếm số lượng hội viên đông đảo.

Khu vực miền núi phía bắc với các Chi hội ở: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang… có hoạt động văn học khá nổi bật, nhiều nỗ lực trong hoạt động, hội viên tích cực công bố nhiều tác phẩm mang dấu ấn vùng miền với giá trị văn hóa, truyền thống. Những năm gần đây, một số cây bút trẻ là người dân tộc thiểu số được đánh giá cao về chất lượng tác phẩm, như: Hoàng Chiến Thắng, Lý Hữu Lương, Triệu Hoàng Giang, Nguyễn Toan, Phùng Hương Ly, Nguyễn Luân, Lý A Kiều… Một trong những điều kiện góp phần thúc đẩy, tạo động lực cho đội ngũ tác giả thuộc thế hệ 8x, 9x nêu trên chính là các địa phương đã chú trọng tổ chức được các lớp bồi dưỡng, hình thành những Câu lạc bộ văn học nghệ thuật các dân tộc, tổ chức nhiều cuộc thi, hoạt động giao lưu văn học và văn hóa. Bên cạnh đó, các địa phương còn liên kết với trường dân tộc nội trú của tỉnh để sớm phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ trẻ, hỗ trợ khâu in ấn, giới thiệu tác phẩm mới trên nội san, tạp chí, báo chí của địa phương và trung ương. Văn học các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ ngoài kế thừa thành quả của đội ngũ văn nghệ sĩ thời kỳ kháng chiến cũng đang xuất hiện một thế hệ văn nghệ sĩ trẻ là con em các dân tộc thiểu số, hoạt động sôi nổi trong các tổ chức cơ sở Hội. Nổi bật trong số đó có thể kể tới văn học vùng dân tộc Chăm. Dân tộc Chăm có khoảng 180 nghìn người, riêng tỉnh Ninh Thuận khoảng 60 nghìn người, tỉnh Bình Thuận khoảng 30 nghìn người. Từ nền văn hóa nghệ thuật lâu đời, phong phú, có chữ viết riêng, đội ngũ sáng tác văn học tuy chưa đông đảo nhưng có những gương mặt tiêu biểu. Ngoài sáng tác bằng tiếng phổ thông, các tác giả còn sáng tác bằng tiếng Chăm, tác phẩm tạo dấu ấn với cộng đồng. Trong đội ngũ sáng tác, có thể kể những cái tên nổi bật như: Inrasara, Trà Vigia, Jalau Anưk, Ðồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Kiều Maily...

Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” giai đoạn I (2015 - 2020). Trong hai năm 2018 và 2019, đề án đã xuất bản gần 600 đầu sách với nhiều thể loại: văn, thơ, nghiên cứu sưu tầm… của đa phần tác giả là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, còn nhiều sách ảnh, sách nhạc… có nội dung phong phú, phản ánh đời sống của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa. Giải thưởng Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số năm 2020 đã tôn vinh 50 tác phẩm, gồm: chín giải B, 15 giải C, 25 giải Khuyến khích, một tặng thưởng. Trong chín giải B, có những tác phẩm văn học nghệ thuật ấn tượng của các tác giả người dân tộc thiểu số, như: tản văn “Chín bậc thang nhà người” của Phạm Tú Anh; ca khúc “Tình núi” của Krajan K’dick và “Nhớ” của Linh Nga Niê Kdam…

Theo đánh giá từ các chuyên gia, các tác phẩm văn học nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung về đề tài dân tộc thiểu số đã góp phần đáng kể trong công tác bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa các dân tộc Việt Nam. Các tác giả là người dân tộc thiểu số có nhiều thuận lợi khi phát huy được vốn ngôn ngữ, văn hóa địa phương. Trong giai đoạn hiện nay, lực lượng tác giả người dân tộc thiểu số đang ngày càng có ý thức quan tâm hơn đến việc sáng tác, quảng bá và hội nhập. Bên cạnh tác phẩm văn học, còn xuất hiện nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch tác phẩm của các dân tộc: Mường, Thái, Mông, Tày, Nùng, Ê Ðê, Chăm… Bản sắc văn hóa dân tộc trong văn học và văn hóa nghệ thuật đang có sức ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, hoạt động khác của xã hội. Bên cạnh những điểm khởi sắc, văn học các dân tộc thiểu số còn tồn tại những hạn chế cụ thể như chưa có sự phát triển đồng đều, chưa xuất hiện thành tựu lớn, nhiều dân tộc thiểu số chưa có văn nghệ sĩ, một số địa phương chưa quan tâm sâu sát tới lực lượng người viết trẻ. Ðể tiếp tục thúc đẩy văn học ở từng vùng miền, địa phương, cần có thêm những giải pháp mang tính đặc thù áp dụng trong công tác đào tạo, phát hiện và bồi dưỡng lực lượng sáng tác đồng thời tạo thêm nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các vùng miền, không ngừng nâng cao chất lượng tác phẩm và giải thưởng văn học.

MAI LỮ

To Top