Những trang sách thấm đẫm tình mẹ

Tình mẫu tử là thiêng liêng với sự hy sinh vô điều kiện của mẹ. Ở đó, mỗi nhà văn tìm được cho mình hướng đi riêng để trải lòng với con chữ.

Sự gắn kết giữa mẹ và con là nguồn yêu thương vĩ đại nhất mà tạo hóa ban tặng. Dù con có lớn khôn bao nhiêu, mẹ vẫn hướng theo đến suốt cuộc đời.

Đây cũng là lý do khiến nhiều nhà văn trên thế giới tốn không ít giấy mực với đề tài này. Những trang văn ấy, với sự đa dạng về thể loại và cách khai thác, mang giá trị đúng như những gì mà tình mẫu tử chứa đựng: Sự bất diệt.

Yêu dấu - Toni Morrison

Năm 1993, giải thưởng Nobel Văn học được trao cho người phụ nữ da đen đầu tiên - tác giả đình đám Toni Morrison. Yêu dấu là một trong những tác phẩm để đời của bà.

Sách Yêu dấu của tác giả Toni Morrison. Ảnh: Nhã Nam.

The New York Times đã bình chọn đây là “tiểu thuyết Mỹ xuất sắc trong 25 năm qua”, và được chuyển thể thành bộ phim cùng tên. Thông qua sự phơi bày tàn bạo của chế độ nô lệ, cuốn sách còn thể hiện tình mẫu tử theo cách mà người đọc không thể ngờ tới.

Chuyện kể về Seth - phụ nữ bất hạnh phải làm nô lệ tình dục suốt nhiều năm ròng, bà thường xuyên bị những người đàn ông da đen quấy nhiễu. Những đứa trẻ ra đời trong sự cưỡng ép đó đều có chung một kết cục là bị bán làm nô lệ từ khi còn rất nhỏ.

Nhận thức được điều đó, lòng thương con sâu sắc bùng lên mãnh liệt như ngọn đuốc giữa vùng tăm tối, khiến bà hại con gái vừa mới biết bò của mình. Seth cho rằng thà bé chết đi để sớm đầu thai ở thế giới bên kia còn hạnh phúc hơn việc sống ở kiếp này mà chịu cảnh nô lệ tình dục suốt đời như bà.

Đứa bé ấy thậm chí còn chưa được đặt tên, trên bia mộ chỉ đề chữ “Yêu Dấu”. Giết con có lẽ là hành động không thể chấp nhận với những ai đang làm mẹ. Nó ám ảnh bà, và bóp nghẹt đến trái tim của người đọc.

Thế nhưng, trên cả nỗi niềm đau đớn ấy, Yêu dấu với những câu văn rắm rối, khó đọc, vẫn dẫn dắt độc giả nhìn thấu tình thương mãnh liệt, khó gọi tên từ người mẹ. Vì lẽ đó, bà không tìm được sự an yên trong tâm hồn, cũng không thể sống yên bình như bao người phụ nữ khác.

Xin đừng làm mẹ khóc - First News tổng hợp

Khác với Yêu dấu, Xin đừng làm mẹ khóc là tuyển chọn những câu chuyện hay của Hạt giống tâm hồn.

Đó là những câu chuyện giản dị, nhưng chứa đựng đầy ý nghĩa sâu sắc về lòng mẹ. Ngay tiêu đề sách đã gợi lên sự xúc động cho người đọc.

Xin đừng làm mẹ khóc là tuyển chọn những câu chuyện hay nhất của Hạt giống tâm hồn. Ảnh: Tú Anh.

Cuốn sách đưa độc giả tìm về miền ký ức thân thương gắn bó bên mẹ, đồng thời gợi nhắc chúng ta những lỗi lầm không đáng có, để từ đó nhận ra bài học sâu sắc mang tên “sự hy sinh của mẹ”.

Với lối viết dung dị, câu văn đong đầy xúc cảm, nhóm người viết tạo nên sự lôi cuốn không ngừng trong từng câu chuyện được kể. Người đọc nhận ra đâu đó trong từng trang viết là câu chuyện của chính mình.

Mỗi biến cố trong sách cũng là biến cố có thể xảy ra trong cuộc đời mỗi người làm con, nhưng nhờ đó mà chúng ta trưởng thành hơn, biết nhìn nhận và sống chậm lại, để chiêm nghiệm những hồi ức đẹp đẽ nhất về mẹ.

Tiêu đề của cuốn sách cũng là thông điệp chính mà người viết gửi gắm. Không chỉ mang lại nhiều bài học quý giá, Xin đừng làm mẹ khóc còn thành công khi lấy đi những giọt nước mắt ở sâu tận nơi trái tim người đọc.

Làm thế nào để nuôi dạy con thành công - Esther Wojcicki

Mỗi người có một hoàn cảnh sống khác nhau. Hoàn cảnh ấy nếu không tàn bạo, khốc liệt; không bình yên hay pha chút lầm lỗi; thì có thể là một “cuộc sống như mơ”. Ba con gái của Esther Wojcicki được nuôi dạy thành công trong hoàn cảnh ấy.

Làm thế nào để nuôi dạy con thành công chứa đựng tình cảm bao la của một người mẹ Do Thái gốc Nga. Thuở tấm bé, tác giả không nhận được tình yêu từ người cha, nhưng bù lại mẹ vẫn là người thương cô. Chính điều này giúp Wojcicki nhận ra rằng, tình mẹ là chất xúc tác diệu kỳ nhất xoa dịu mọi nỗi đau nơi tâm hồn con người.

Làm thế nào để nuôi dạy con thành công của tác giả Esther Wojcicki. Ảnh: Hương Nhài.

Trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, cô ý thức được việc phải dành thật nhiều tình cảm cho những đứa con. Thứ tình cảm ấy phải vừa là sự bù đắp những thiếu hụt mà tuổi thơ cô phải gánh chịu, vừa là sự hy sinh trời bể mà thật tâm cô muốn trao đến con.

Mong muốn nuôi dạy con thành công được đúc kết trong cuốn sách. Với sự tin tưởng, tôn trọng, sẻ chia vô điều kiện, cô hoàn toàn tìm được lời giải cho bài toán khó mang tên “Làm thế nào để nuôi dạy con thành công”.

Cuốn sách, trên cả gợi mở định hướng cho những ai đang làm mẹ có được phương pháp dạy con tốt nhất, còn nhắn nhủ tới người đọc, rằng yêu con, mong con hạnh phúc sẽ luôn là chiếc chìa khóa vạn năng của tình mẫu tử.

Huế Trần

To Top