Di sản thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trường tồn cùng lịch sử

Thơ ca thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được các nhà nghiên cứu văn học đánh giá là đỉnh cao của thơ ca cách mạng xét trên cả hai phương diện đội ngũ và chất lượng sáng tác.

Một thế hệ tay súng và tay bút, nhà thơ và chiến sĩ hiến dâng cho đời những vần thơ bất tử, cổ vũ động viên quân và dân ta đến ngày toàn thắng. Nhân dịp kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca chống Mỹ cứu nước: Đại tá, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu.

Phóng viên (PV): Tập thơ đầu tay “Thơ người ra trận” (in chung với nhà thơ Vương Trọng) xuất bản năm 1972 khi ông 24 tuổi. Lúc đang trẻ tuổi lại đang thời chiến tranh mà được in thơ thành sách chắc là không dễ. Ông có thể kể lại quá trình ra đời của tập thơ này?

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Hồi đó tôi là lính bộ binh chiến đấu nơi chiến trường Lào. Tôi mới tập viết, mới có một số bài thơ in báo, gửi thơ về Nhà xuất bản Quân đội nhân dân là gửi hú họa chứ chắc gì thơ mình đã được in sách. Vậy mà chừng 6 tháng sau, vào một buổi chiều ở cánh rừng Lào, đồng chí quân bưu đưa đến cho tôi một gói bưu phẩm nhỏ. Liếc qua mấy dòng ở gói bưu phẩm, tôi sung sướng đến ngột thở. Tôi vội vàng bóc lớp phong bì bằng giấy xi măng và nhận ra mấy cuốn “Thơ người ra trận”. Thế là thơ tôi đã được in thành sách. Mọi chuyện xảy ra cứ như một giấc mơ vậy.

Nhà thơ, Đại tá Nguyễn Đức Mậu (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp tại Ngày thơ Việt Nam. Ảnh: VIỆT CHIẾN.

Hồi đó tôi còn trẻ, lại mới bước vào nghề văn nên tính tình còn bồng bột, hồn nhiên lắm. Tôi giở tập thơ ra, vừa đọc cho bè bạn trong đơn vị nghe, đọc đến thuộc lòng mà vẫn thấy sướng tai, sướng mắt. Cái tin tôi được in tập thơ đã lan rộng ra cả sư đoàn, mặt trận. Sau này, cứ mỗi lần đi xuống đơn vị, anh em chiến sĩ thường yêu cầu tôi đọc những bài thơ mới viết. Tôi đọc thật hào hứng sôi nổi. Rồi tôi chép thơ mình gửi cho tờ tin Sư đoàn 312 và Báo Chiến sĩ Tây Bắc. Hồi đó bản tin có khi dành hẳn một trang thơ. Nhuận bút mỗi bài thơ được trả bằng một gói lương khô 702 (lương khô cao cấp) hoặc một gói thuốc lá Tam Đảo.

PV: Vậy có thể hình dung, thời điểm chiến tranh bao cấp, cứ làm thơ hay sẽ được in chứ không cần phải “tác động” hay cơ chế bỏ tiền tự in thơ tràn lan như hiện nay?

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Các bài thơ đều gửi qua đường quân bưu, không có liên hệ nào giữa tác giả và nhà xuất bản như bây giờ. Mấy tháng sau khi tập thơ đầu được in, tôi mới có dịp ở chiến trường ra Hà Nội, tới Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, hỏi thăm mới biết người biên tập “Thơ người ra trận” là nhà thơ Minh Giang. Vai trò “bà đỡ” của biên tập viên thời nào cũng quan trọng nhưng ở thời điểm chiến tranh khốc liệt và nhất là tập thơ đầu tay của một nhà thơ trẻ thì biên tập viên phải có hiểu biết về thơ ca, có sự vô tư, trong sáng.

Tập “Thơ người ra trận” được in với số lượng 17 nghìn cuốn (mấy năm sau tập “Áo trận” của tôi in tới 25 nghìn cuốn). Hồi đó, hầu hết các tập thơ đều in ra với số lượng lớn mới đáp ứng được mọi tầng lớp độc giả yêu thơ. Hiếm thấy giai đoạn nào, người làm thơ lại có được số lượng độc giả tuyệt vời đến thế. Được người đọc cổ vũ, cảm thông, người làm thơ được tiếp thêm sức mạnh, chất men say trong sáng tác. Phải chăng đó là cái may mắn lớn của lớp nhà thơ chống Mỹ thời bấy giờ? Tập “Thơ người ra trận” như một cái mốc quan trọng, thúc đẩy tôi cầm bút viết tiếp. Nó như một mạch nước đầu nguồn, khơi dậy những dòng chảy còn ngủ quên, những tiềm ẩn phôi thai trong lòng đất. Nó là đốm lửa, là hành trang nhỏ nhoi giúp tôi đi tới những chặng đường cam go, vất vả sau này.

Tôi nhớ những đêm ở trong hang đá rừng Lào, tới buổi “Tiếng thơ”, mọi người xúm quanh chiếc radio nghe giọng ngâm thơ của các nghệ sĩ Châu Loan, Trần Thị Tuyết, Linh Nhâm, Kim Cúc. Những tập thơ từ miền Bắc chuyển vào chiến trường, các chiến sĩ chuyền tay nhau đọc đến thuộc và còn chép vào sổ tay. Ở Trung đoàn 165, Trung đoàn trưởng Nguyễn Chuông cũng là người thích thơ văn. Đôi lúc cao hứng lên ông còn chép vào sổ tay những dòng thơ ông tự nghĩ ra. Biết tôi làm thơ, ông rất trân trọng. Thi thoảng, những lúc đơn vị thắng lớn, tâm tư thanh thản vui vẻ, ông thường gọi tôi đến để nói chuyện thơ văn. Ông đọc rất kỹ tập thơ tôi viết, nói thẳng những bài, những câu ông thấy hay hoặc dở và động viên tôi cố gắng viết, tự vượt lên mình.

PV: Nhờ có tài năng thơ ca, ông đã được cấp trên điều chuyển làm công tác tuyên huấn ở đơn vị, rồi về công tác Tạp chí Văn nghệ quân đội, rồi cử đi học khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du. Ông đánh giá thế nào về sự quan tâm của quân đội đối với văn học thời điểm đó?

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Văn học được xem là một binh chủng đặc biệt trong chiến tranh, nhà văn cũng là chiến sĩ. Sự quan tâm của quân đội với văn học rất lớn, không chỉ với cá nhân tôi mà còn nhiều anh, chị em khác; góp phần xây dựng đội ngũ nhà văn hùng hậu phục vụ cho quân đội, cho đất nước. Thời chống Mỹ, cứu nước, đội ngũ nhà văn đi qua trận mạc đầy ắp chất liệu, chỉ cần khơi đúng mạch, sẽ có tác phẩm giá trị ra đời.

Trước khi vào quân đội, tôi đã làm thơ và khi thấy tôi có năng khiếu thơ ca thì cấp trên điều chuyển tôi đến những cơ quan chuyên môn, cử đi đào tạo học tập. Điều đó cho thấy con mắt tinh đời của những người làm tổ chức, sự ưu ái đào tạo nguồn nhà văn; để lại kinh nghiệm quý đến ngày nay. Ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân... hiện nay cũng có nhiều nhà văn trưởng thành từ cơ sở, được phát hiện, được đào tạo, điều về các cơ quan văn hóa-nghệ thuật để phát huy tài năng.

PV: Nhìn lại thơ ca thời kháng chiến chống Mỹ, theo ông đâu là những đặc điểm nổi bật nhất của thơ ca giai đoạn này?

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Thế hệ nhà thơ kháng chiến chống Mỹ là một thế hệ mới mẻ, khác với thời kháng chiến chống Pháp. Thế hệ này được trang bị đầy đủ về kiến thức cộng hưởng của không khí thời đại nên có nhiều nhà thơ nổi tiếng. Theo tôi nghĩ, những nhà thơ thời kỳ này là có bản sắc độc đáo. So với Thơ Mới, họ bỏ qua cái tôi ủy mị, hòa nhập được với cộng đồng, là tiếng nói của thời đại. So với thơ chống Pháp, thơ ca thời chống Mỹ tiến lên một bước, vẫn tiếp thu thành tựu nghệ thuật Thơ Mới song bỏ qua được cái tôi cá nhân của Thơ Mới. Tâm hồn Thơ Mới thường là chán ngán thời cuộc, than khóc, nói về cái tôi nhiều hơn; thơ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói về cái chung nhiều hơn. Mỗi nhà thơ chống Mỹ tuy có chung lý tưởng cách mạng nhưng giọng điệu, thi pháp không giống nhau. Về hình thức thì nó bung phá hơn và hợp với thời đại. Như thơ Phạm Tiến Duật dù mang phong cách văn xuôi nhiều như thế nhưng có sự độc đáo riêng, hấp dẫn được những thanh niên thời đại chống Mỹ. Đó là những giá trị mà tôi tin thơ ca kháng chiến chống Mỹ trường tồn cùng lịch sử.

PV: Mặc dù các cơ quan chức năng hiện nay vẫn quan tâm đầu tư cho nhà văn sáng tác về lực lượng vũ trang cách mạng, tuy nhiên thành tựu không được như trước đây. Theo ông, đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Tôi nghĩ chúng ta phải hy vọng về những tác phẩm văn học về chiến tranh, cách mạng. Cần phải luôn hy vọng, phải chờ đợi thời gian để có những tài năng xứng đáng ra đời. Cũng cần lưu ý thời đại thay đổi, tác phẩm văn học viết về chiến tranh đúng là được đọc ít hơn, không còn có tác phẩm văn học nào in một đến hai vạn bản như trước. Văn hóa đọc bây giờ tôi thấy hời hợt, vội vã. Người ta sống vội, gấp gáp, làm cho văn hóa đọc không lắng đọng. Tôi đã chấm một số cuộc thi thơ ca, trong đó có nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng, thực lòng mà nói chất lượng tác phẩm vừa phải. Điều này thôi thúc chúng ta cần nỗ lực hơn trong việc "giữ lửa", nuôi dưỡng, phát triển đề tài văn học quan trọng này.

PV: Ông có hiến kế gì để văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng hiện nay phát triển sâu rộng hơn, chất lượng hơn?

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Tôi nghĩ chúng ta cần tiếp tục phải hành động cụ thể, thiết thực để tiếp tục phong trào sáng tác về đề tài chiến tranh, cách mạng phát triển thông qua các cuộc vận động, cuộc thi, trại sáng tác, lớp bồi dưỡng, hỗ trợ xuất bản... Quân đội từ trước đến nay rất quan tâm mảng đề tài này nhưng tôi cho rằng cần huy động thêm nguồn lực xã hội. Nguồn lực ở đây không chỉ là chuyện kinh phí mà còn sáng kiến, cách làm mới mẻ hơn. Đồng thời, cần khuyến khích tất cả các cây bút yêu thích về mảng đề tài này, nhất là nhà văn trẻ thử sức mình với thử nghiệm văn chương. Cái mới khi hợp với thời đại được chấp nhận, người đọc không từ chối cái mới. Có người đọc sẽ cộng hưởng cho người viết tiếp tục sáng tạo. Như thế tôi tin sớm muộn sẽ có tác phẩm hay ra đời.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)

To Top