Đối diện thập kỷ mới: Một đôi cánh đẹp đẽ của phát triển

Trong mấy thập niên vừa qua, đất nước đã ghi nhiều dấu ấn phát triển vượt bậc và ấn tượng. Đây là thành quả của bao nhiêu trăn trở để vượt thoát ra khỏi tư duy cũ, là một công cuộc phát huy, làm thức dậy những tiềm lực và tài nguyên để hiện thực hóa những khát vọng và giấc mơ thịnh vượng được hun đúc từ bao đời nay của nhân dân ta.

Trên chặng đường sắp tới, từ nền tảng và những chuẩn bị này, chúng ta sẽ còn làm nên nhiều điều kỳ diệu nữa. Nhiều nhà chính trị, nhà văn, nhà báo quốc tế đến với đất nước ta, đã nói về những điều kỳ diệu mà họ được chứng kiến tại Việt Nam thời gian đã qua. Chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề đang phải đối mặt, nhiều cung cách phải thay đổi, nhưng con đường phát triển đã hình thành để tiếp tục tiến tới những mục tiêu đã được xác lập. Trong bối cảnh toàn cầu có thêm nhiều những biến động và thay đổi dữ dội, nhiều nguy cơ mới xuất hiện, thì thế giới sẽ càng dành cho chúng ta nhiều thán phục hơn.

Văn học Việt Nam, các nhà văn Việt Nam giai đoạn vừa qua dường như chưa nhập được nhiều vào hiện thực đất nước để nâng đôi cánh sáng tạo của mình bay lên cao hơn. Văn học Việt Nam cần phải tạo nên nhiều hơn những tác phẩm có tinh thần sáng tạo và nhân văn, có ấn tượng mạnh mẽ hơn, làm lay động trái tim con người hơn, để đóng góp vào việc hình thành những giá trị văn hóa mới mang đậm bản sắc Việt Nam để cùng đồng hành với công cuộc phát triển của đất nước và dân tộc.

Người Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, đã có những niềm tự hào mới về những thành quả của kinh tế, của công nghệ, của y tế, giáo dục, cũng như trong lĩnh vực thể thao và cần có thêm những niềm tự hào về những tác phẩm văn chương của thời kỳ mới hấp dẫn hơn, nhân văn hơn, vì con người hơn trong dòng chảy hội nhập toàn cầu mạnh mẽ.

Văn học thăng hoa từ hiện thực qua vầng trán của những tài năng và tình yêu lớn. Là một quốc gia gánh chịu nhiều thử thách và đau thương liên tục qua mấy cuộc chiến tranh liên tiếp, phải gượng dậy từ nhiều vấn đề ngổn ngang thời hậu chiến để tìm cách đi lên. Đây chính là một hiện thực rất lớn, mời gọi những tài năng văn chương đắm mình vào nghiền ngẫm, rung động và suy tư để viết nên những tác phẩm văn chương lớn.

Người Việt Nam đã có những chiếc ô tô mang nhãn hiệu của mình lăn bánh ở các con đường trên thế giới. Người Việt Nam đã có những khu du lịch đẳng cấp sang trọng được xếp hạng cho giới thượng lưu nước ngoài tìm đến. Người Việt Nam cống hiến cho thế giới một giải thưởng vì phát triển và nhân văn tầm cỡ. Người Việt Nam đã là một hình mẫu ấn tượng đối đầu và chiến thắng đại dịch đang hoành hành trên phạm vi toàn cầu…

Người Việt Nam vẫn chờ mong những tác phẩm văn học ưu tú để nói lên tâm hồn và suy tư của mình với dân tộc mình và hòa vào đa giọng điệu nhân văn quyến rũ của nhân loại đang tiếp tục hành trình vượt qua những thách thức lớn.

Các nhà văn phải đồng hành tâm huyết và hết mình với công cuộc phát triển, cổ vũ cho phát triển, là người bạn chí thiết, am hiểu và tin cậy của giới doanh nhân và những con người đang lao động để cùng sáng tạo nên những thành công mới. Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của công cuộc phát triển kinh tế và xã hội. Văn học là một động lực quan trọng cho phát triển văn hóa mới. Kinh tế tạo dựng những thành quả mới. Văn hóa kiến tạo những giá trị tinh thần mới. Đây là đôi cánh đẹp đẽ và mạnh mẽ của phát triển bền vững.

Chúng ta đã có những bài học về mối quan hệ đẹp đẽ này từ cách đây hơn 100 năm. Đầu thế kỷ XX, khi những doanh gia của Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào hoạt động công thương trên đất nước của mình, họ phải cạnh tranh và đối đầu gay gắt với sự kìm hãm của các công ty do người nước ngoài và Hoa kiều lập ra, được chính phủ bảo hộ o bế. Vũ khí cuối cùng để chiến đấu trong cuộc cạnh tranh của các doanh gia Việt nhằm chiếm được thị trường và thị phần để tồn tại và phát triển, chính là lòng yêu nước Việt của người Việt Nam, là bản sắc văn hóa Việt Nam. Người đồng minh tin cậy của các doanh gia ấy chính là giới trí thức tinh hoa, là các nhà văn và nghệ sỹ nổi tiếng trong thời kỳ ấy. Họ đã hết lòng, thông qua nhiều cách thức và diễn đàn, cổ vũ nhiệt thành cho cách doanh gia Việt.

Từ đây, đã có rất nhiều doanh gia Việt thành công lớn trên thương trường, không những làm chủ thị trường trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới. Họ trở thành những nhà tư sản dân tộc. Ông Bạch Thái Bưởi thành “Vua tàu thủy đất Bắc”, cạnh tranh thắng lợi với những đội tàu sông, tàu biển của người Pháp và Hoa kiều. Ông Trương Văn Bền ở phía Nam đã làm nên tên tuổi lừng lẫy của sản phẩm “Xà bông Cô Ba”, cạnh tranh thắng lợi với các loại xà phòng của Pháp nhập vào nước ta và cả xứ Đông Dương. Ông Nguyễn Sơn Hà trở thành “Ông tổ của ngành sơn Việt”. Ông Trịnh Văn Bô là nhà buôn tơ lụa lớn nhất ở Hà Nội thời đó. Rồi thêm các nhà tư sản khác như Ngô Tử Hạ, Đỗ Đình Thiện ở phía Bắc và “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” ở Nam bộ.

Các nhà tư sản yêu nước này, sau khi thành công, tạo nên sản nghiệp lớn, đều trở thành những Mạnh Thường Quân, làm bà đỡ, cho ra đời những nhà xuất bản, các tờ báo và tạp chí, tận hiến tiền của để tài trợ cho việc sáng tạo, tạo điều kiện phổ biến và lan tỏa các tác phẩm văn học nghệ thuật nhằm nâng cao dân trí và bồi đắp văn hóa Việt.

Bây giờ, lại là một cơ hội mới và động lực mới, khi những chủ nhân sáng tạo văn hóa và kinh tế đồng hành cùng với nhau trong một bối cảnh mới là đất nước Việt Nam độc lập, tự do, hội nhập, có vai trò quan trọng và chủ động trong các hoạt động cùng các quốc gia trong khu vực cũng như toàn cầu. Tôi tin là họ sẽ cùng tận hiến để đồng hành và đóng góp lớn vào công cuộc phát triển đất nước, hiện thực hóa giấc mơ thịnh vượng ngàn đời nay của dân tộc ta.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

To Top