Nguồn gốc của hát quan họ

Hát quan họ có nhiều giọng, nhưng có ba giọng chính, nam nữ thanh niên thường dùng cùng nhau đối đáp trong những ngày hội để trao tình.

Ảnh: Tạp chí Du lịch

HÁT QUAN HỌ

Tương truyền rằng hát quan họ là một lối hát do Hiếu Trung Hầu đặt ra để mua vui lúc tuổi già.

Đây là một lối hát đối đáp giữa hai bên trai gái. Qua những câu hát các cô, các cậu khen ngợi nhau, tỏ tình với nhau. Lời hát đôi khi thật văn chương bóng bẩy, đôi khi thật thắm thiết nồng nàn.

Hát quan họ phải hát giọng đối, hai người châu miệng vào nhau cùng hát, hai giọng quyện với nhau, tiếng ngân vang, vang vút, tiếng trầm êm ái như ru!

Hát quan họ có nhiều giọng, nhưng có ba giọng chính, nam nữ thanh niên thường dùng cùng nhau đối đáp trong những ngày hội để trao tình.

Ba giọng đó là:

Giọng Sổng, dùng để dạo giọng lúc bắt đầu hát. Giọng Sổng tiếng ngân vút cao nghe đầm ấm nồng nàn. Đây là giai đoạn đôi bên trai gái dò xét ướm hỏi lòng nhau:

Hôm nay tứ hải giao tình, Tuy trong bốn bể như sinh một nhà. Số anh phải lấy vợ xa, Số em không lấy chồng nhà được đâu. Đã trót yêu nhau lấy nhau cho được, Bỏ lòng này rày ước mai ao?

Trên đây là một câu hát giọng Sổng. Lúc hát lên có những khúc đệm í a, ì á, hoặc những tiếng được láy đi láy lại để câu hát ăn với âm thanh và âm thanh ăn với giọng hát.

Những câu hát giọng Sổng, có thể dùng cho bên nam hay bên nữ cũng được, chỉ cần lúc hát lên đổi một vài chữ trong câu hát cho hợp với người hát.

Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Giọng Vặt: Sau khi đôi bên dạo giọng bằng một vài câu hát Sổng là những câu hát giọng Vặt để đôi bên gắn bó. Nếu giọng Sổng chỉ có một giọng thì giọng Vặt lại gồm rất nhiều giọng: giọng cao, giọng thấp, giọng dài, giọng ngắn, giọng buồn, giọng vui. Gọi là giọng Vặt vì những giọng hát này như vụn vặt, không đồng nhất như giọng Sổng. Có khi giọng hát bắt chước tiếng đàn với những lời đệm tình tang tang tính, có khi giọng hát bắt chước tiếng chim nghe êm ái trẻ trung, có khi lại bắt chước tiếng giun dế nghe buồn rầu ảo não.

Những câu hát giọng Vặt thường có hai câu đi đôi để đối nhau, bên nọ hát lên bên kia đáp lại, dù bên hát trước là nam hay nữ. Cũng như những câu hát giọng Sổng, mỗi câu hát đều có thể dùng được cả cho đôi bên nam nữ, chỉ cần thay đổi một đôi chữ cho hợp với người hát.

Dưới đây là mấy câu hát giọng Vặt đối nhau:

Ngồi tựa vườn đào, Thấy người thục nữ ra vào, lòng những vấn vương. Gió lạnh đêm trường, Nửa chăn để đó, nửa giường để đó chờ ai. So chữ sắc tài, Có công gắn bó ai người phụ nghĩa quên công. Nên chăng đấy vợ đây chồng.

Ngồi tựa vườn đào, Thấy người bạn ngọc ra vào lòng những vẩn vơ. Tháng đợi năm chờ, yêu nhau chớ để hững hờ với khách tài hoa. Khấn nguyện trăng già, Duyên tơ xe lại một nhà đầm ấm yên vui.

Nguyệt lặn sao dời, Bõ công gắn bó, bõ lời gắn bó giao loan. Nên chăng tình Tấn duyên Tần.

Hai câu hát Vặt trên là hai câu hát bao giờ cũng được trai gái quan họ hát tới, có đôi khi thay đổi một vài khúc. Cũng có khi thay vì câu hát tả tình trên, trai gái quan họ, cũng theo giọng hai câu trên, hát với nhau những câu tả cảnh:

Ngồi tựa mạn thuyền, Trăng in mặt nước, càng nhìn non nước càng xinh. Phong cảnh hữu tình, Thơ ngâm ngoài lái, rượu bình giải trí trong khoang. Tay lựa cung đàn, Tiếng cao réo rắt, tiếng trầm năn nỉ thiết tha. Tai nghe văng vẳng đường xa.

Dưới đây xin thêm hai câu hát giọng Vặt khác đối nhau:

Con chim bồ câu, Nó liệng thấp nó lại liệng cao, Liệng qua cửa phủ, liệng vào trong dinh Ngọn đèn khơi ngọn tam tinh Khơi lên cho tỏ ta nhìn mặt nhau Nhìn người chẳng dám nhìn lâu, Nhìn qua thấy mặt chịu sầu thiết tha! Nào lời tôi dặn hôm qua? Có nhớ những lời tôi dặn hôm qua.

Con chim bồ câu, Nó liệng thấp nó lại liệng cao, Liệng qua cửa phủ liệng vào trong kho.

Ngọn đèn chịu gió phất phơ Nào lời tôi hẹn bây giờ là đâu? Khơi đèn nhìn mặt thêm sầu, Khơi đèn nhìn mặt thêm đau tấc lòng! Phụ tình ao ước chờ mong Trách ai đã phụ tình ao ước chờ mong!

Như trên đã nói câu hát giọng Vặt rất nhiều. Có cả giọng ngâm thơ. Những bài thơ thường do các cụ có văn học đặt sẵn cho.

Xin chép ra đây một bài làm thí dụ. Cũng như nhiều câu hát quan họ khác, bài thơ dùng để hát cũng chỉ nói đến tình yêu của trai gái:

Biết chăng, chẳng biết hỡi tri âm, Vấn vít con tơ vận ruột tằm. Khắc khoải sầu tuôn lòng tựa bể, Bồi hồi dạ nhớ tháng như năm. Chăn loan bên đắp bên chờ đợi, Chiếu nguyệt nửa nằm nửa biếng thăm. Một khúc tình thư đưa nhạn gửi,

Thấu tình chăng hỡi bạn tri âm.

Giọng Bỉ: Trai gái quan họ dạo giọng bằng giọng Sổng, gắn bó với nhau bằng giọng Vặt, và để chia tay nhau họ dùng giọng Bỉ, có người gọi là giọng Vỉ.

Giọng Bỉ ngân dài, nói lên được sự chua xót của phân ly, sự luyến tiếc của ngày mau tàn.

Thường những câu hát giọng Bỉ, cũng như phần lớn các câu hát khác của quan họ, đều là những câu lục bát, hoặc song thất lục bát. Có câu lấy ở Kiều ra, có câu là những câu ca dao rất phổ biến.

Bây giờ giáp mặt đinh ninh, Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?

Hay là người đã nghe ai, Thả chông đường nghĩa ráp gai nối tình?

Nội dung câu hát thường là lời căn dặn nhau, bảo nhau giữ lấy những lời hẹn ước, đừng vì khuất mặt xa lời mà quên nhau.

Tuy ba giọng hát là ba thời kỳ của buổi hát: gặp gỡ, gắn bó và giã từ, nhưng nhiều khi hát sang giọng Bỉ rồi, có những đám quan họ lại trở lại hát giọng Vặt như cố níu lấy sự lưu luyến của trai gái đang tuổi yêu đương.

Giọng Vặt một đôi câu, rồi vì ngày hội đã tàn, đêm đã xuống, họ lại chuyển sang giọng Bỉ để từ biệt và hẹn hò nhau đến một đám hội khác trong vùng vào một ngày mai sắp tới.

Toan Ánh/ NXB Trẻ

To Top