Chấm thi Tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1: Khuyến khích cho điểm cao những bài làm sáng tạo

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, người chấm bài là giáo viên đang dạy Ngữ văn THPT nên hơn ai hết sẽ ghi nhận những phần bài làm thí sinh hiểu đúng, vận dụng đúng yêu cầu của đề thi; đưa ra câu trả lời đúng hoặc tương đương với đáp án để đánh giá đúng kết quả bài làm của thí sinh.

Ngày 13/7, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo thi quốc gia kỳ thi Tốt nghiệp THPT, dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra công tác chấm thi tại các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ.

Cần đảm bảo quyền lợi của thí sinh

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị Hội đồng thi tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành công tác chấm thi, đảm bảo an toàn về dịch và chất lượng tốt nhất. Những tình huống phát sinh trong quá trình chấm, khi xử lý, phải ưu tiên đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Việc chọn người vừa có năng lực chuyên môn, vừa ngay ngắn, trách nhiệm để tham gia chấm thi là đặc biệt quan trọng. "Từng thành viên làm tốt nhiệm vụ của mình thì hoạt động của cả Hội đồng sẽ hiệu quả, chất lượng", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trò chuyện với giáo viên chấm thi môn ngữ văn tại Yên Bái. (Ảnh: Quỳnh Trang)

Các quy định trong chấm thi tự luận như: một bài thi phải được chấm bởi 2 cán bộ chấm độc lập, có thống nhất điểm, chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi; chấm trắc nghiệm theo quy trình 4 bước… được Thứ trưởng yêu cầu thực hiện đúng. Trong đó, công tác chấm tự luận phải chắc chắn, đều tay; cán bộ chấm cần nắm rõ đáp án và hướng dẫn chấm để cho điểm những bài làm sáng tạo, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Việc chấm bài trắc nghiệm phải đảm bảo an toàn, chặt chẽ trong từng công đoạn. Hoạt động thanh tra, kiểm tra cần tăng cường triển khai, trên tinh thần hỗ trợ, tư vấn kịp thời, giúp công tác chấm thi đạt hiệu quả, chất lượng, nghiêm túc, đúng quy chế.

Ông Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT, nhấn mạnh yêu cầu khâu chấm kiểm tra phải bảo đảm theo tiến độ chấm để nếu có hiện tượng bất thường thì phát hiện và chỉnh sửa ngay, đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc mất điểm.

Với chấm thi trắc nghiệm, ông Hồng lưu ý: “Bước duy nhất có thể can thiệp vào chấm thi trắc nghiệm là sửa lỗi thông tin trong phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh vì đây là khâu phải can thiệp bằng tay. Do vậy, cần giám sát thật chặt khâu sửa lỗi để tránh tuyệt đối những vi phạm trong chấm thi trắc nghiệm”.

Môn Ngữ văn: Cán bộ chấm thi không dựa vào đáp án

Ông Bùi Văn Xuân, Trưởng môn chấm tự luận hội đồng thi tỉnh Yên Bái, cho biết: “Yên Bái có hơn 8.000 bài thi môn Ngữ văn, huy động 80 giám khảo, trung bình mỗi giám khảo chấm khoảng 200 bài thi (2 vòng). Dự kiến ngày 20 - 22/7 Yên Bái sẽ hoàn thành việc chấm thi môn Ngữ văn”.

Ngày 12/7, Yên Bái bắt đầu chấm thi môn ngữ văn, ông Xuân thông tin: “Ban chấm thi tự luận dành tới khoảng 3 tiếng rưỡi để chấm chung 10 bài thi trước khi chấm chính thức, qua đó thống nhất cách hiểu, cách vận dụng hướng dẫn chấm, đáp án, biểu điểm mà Bộ GD&ĐT ban hành”.

Việc chấm chung 10 bài cũng đã có phát sinh những tình huống cần thảo luận kỹ. “Trên thực tế với môn văn, học sinh thậm chí có thể viết hay hơn đáp án, không giống hoàn toàn với đáp án nên giáo viên chấm thi phải ghi nhận và có đánh giá xác đáng với những bài làm như vậy”, ông Xuân nói.

Thí sinh dự thi Tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh họa từ Internet)

Trước các ý kiến tỏ ra lo ngại rằng đáp án môn văn quá “đóng”, có thể gây thiệt thòi cho học sinh có tính sáng tạo, có suy nghĩ riêng, ông Xuân khẳng định: “Giám khảo chấm thi dựa vào hướng dẫn chấm mà Bộ GD&ĐT ban hành chứ không dựa vào đáp án. Đáp án ngắn gọn, nếu đọc đáp án thì cảm giác bị đóng nhưng hướng dẫn chấm thì lại rất mở, cho phép cán bộ chấm thi có thể vận dụng tối đa để đảm bảo quyền lợi cho học sinh”.

Tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Phú Thọ, các cán bộ chấm thi tự luận cũng cho biết, công tác chấm bài khá thuận lợi nhờ hướng dẫn chấm vừa rõ ràng, vừa có tính mở. Những sáng tạo trong bài làm của thí sinh được đánh giá linh hoạt. Hội đồng quán triệt kỹ lưỡng tinh thần đảm bảo cao nhất quyền lợi cho thí sinh trong công tác chấm thi.

Linh Linh (tổng hợp)

Theo nhiều nguồn tin

To Top