Đọc sách là bệ phóng giúp vĩ nhân vươn xa trong sự nghiệp

Bà Lee Ha-Young, tác giả cuốn 'Thư viện của những thần tượng', cho rằng các nghệ sĩ luôn khao khát học hỏi lẫn nhau, từ thế giới tri thức nằm trong sách vở.

Tác giả Lee Ha-Young. Ảnh: NVCC.

Mỗi dịp tháng tư về, người yêu sách trên toàn thế giới lại nhớ về Ngày Sách và Bản quyền Thế giới (23/4). Góp mặt thêm vào danh sách những tác phẩm tri ân văn chương và sách vở, tác giả Lee Ha-Young cũng đã viết cuốn Thư viện của những thần tượng.

Theo tác giả, cuốn sách ra mắt bạn đọc Việt Nam vào dịp này còn có ý nghĩa hơn cả, vì chúng ta đang trong tháng chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4. Nhân dịp này, Znews có cuộc trò chuyện với tác giả Lee Ha-Young xoay quanh cuốn sách của bà.

Đọc sách như bệ phóng giúp vươn xa hơn trong sự nghiệp

- Động lực nào khiến bà lần theo dấu vết những cuốn sách của những người nổi tiếng trên thế giới để viết nên Thư viện của những thần tượng?

- Cho đến khi vào đại học, việc học hành của người Hàn Quốc quan trọng đến nỗi nó chiếm phần lớn thời gian trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, sau khi có quyết định được vào đại học hay không, có vẻ như mọi người đều dần rời xa sách vở. Tôi tin rằng con người cần phải liên tục phấn đấu và nỗ lực để hoàn thiện bản thân về mặt tâm trí lẫn cảm xúc trong suốt cuộc đời.

Để theo kịp sự đổi mới của thế giới, việc duy trì thói quen đọc sách là một điều rất cần thiết. Trên thực tế, tôi nghĩ rằng điều này đã được minh chứng rõ ràng khi nhiều nghệ sĩ đã coi việc đọc sách như một bệ phóng giúp họ vươn xa hơn trong sự nghiệp của mình. Và tôi tò mò muốn biết những danh nhân lớn trên thế giới đã vươn xa như thế nào nhờ việc đọc sách.

- Các cặp danh nhân được nhắc đến trong cuốn sách này đã “đối thoại” với nhau theo cách nào? Bà có cho rằng, có sợi dây vô hình đã liên kết những “bộ óc lớn của nhân loại” với nhau thông qua những cuốn sách?

- Dù là văn học, mỹ thuật hay âm nhạc thì những con người sáng tạo ra chúng đều có một sợi dây vô hình liên kết họ lại với nhau. Đó là sự cống hiến cho thế giới tri thức, thứ mà toàn nhân loại đã và đang cùng nhau xây dựng.

Đối với các “cặp đôi” danh nhân được nhắc đến trong cuốn sách, việc tìm thấy và kết nối với nhau cũng quan trọng như việc tạo ra tác phẩm nghệ thuật của riêng mình. Và những việc như thưởng tranh, đọc sách hay đắm mình trong âm nhạc đều là các “môn học thiết yếu” của những người theo đuổi con đường tri thức.

- Tìm hiểu về những cuốn sách mà các danh nhân trên thế giới đã đọc và tìm ra sự liên quan của họ với chính cuốn sách đó hẳn gặp không ít khó khăn trong quá trình tìm tư liệu và mối liên kết. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

- Tiểu sử hay tự truyện về cuộc đời của các nghệ sĩ đã trở thành nguồn tài liệu chính của tôi. Những bộ phim cũng đã giúp tôi cảm nhận được sâu sắc về thời đại và không gian mà họ từng sống.

Đối với Vincent van Gogh, tôi có thể phát hiện ra những cuốn sách mà ông từng đọc lúc bấy giờ qua các bức tranh và cả những bức thư mà ông đã trao đổi với em trai của mình.

Còn Beethoven, ông thường gắn liền tên tác phẩm văn học với bản nhạc của mình. Tôi nhận ra rằng không ai có thể đọc sách tốt hơn một người đang đắm chìm trong quá trình sáng tạo ra thứ gì đó. Vì vậy, tôi cũng đã phải chăm chỉ tìm đọc nhiều cuốn sách khác nhau để có thể viết nên cuốn sách này.

Sách Thư viện của những thần tượng. Ảnh: Lukas Lã.

Văn học giúp ta “đọc” kỹ tấm bản đồ của thời đại

- Những bậc vĩ nhân được nhắc đến trong sách đều đọc các tác phẩm kinh điển. Bà có cho rằng, trong nghề sáng tạo nghệ thuật, rất cần “đọc”, “học hỏi” lẫn nhau để trau chuốt thêm cho kiệt tác của riêng mình?

- Không chỉ riêng nghệ sĩ mà những con người hiện đại ngày nay đôi khi cũng cảm thấy như mình đang đối mặt với ngõ cụt và lạc lối giữa cuộc đời. Có lúc chúng ta không biết phải làm gì, cảm thấy mông lung và tự hỏi mình đang sống vì điều gì. Tôi nghĩ rằng những nghệ sĩ xuất hiện trong cuốn sách này đều là những người tiên phong từng đối mặt với câu hỏi đó rồi tự mình khai phá ra con đường nghệ thuật của bản thân.

Khi những người nghệ sĩ bắt đầu khám phá ra ý nghĩa của cuộc sống bằng những suy tư của riêng mình mà không bị ràng buộc bởi tôn giáo hay chế độ, họ bắt đầu tham khảo, học hỏi lẫn nhau. Bằng cách này, những người nghệ sĩ đã vừa làm công việc của riêng mình, vừa cùng nhau tìm hiểu và khám phá ra những thách thức ở thời đại mà họ được sinh ra.

Tôi nghĩ rằng tranh là thứ phản ánh tinh thần của thời đại đầu tiên, sau đó văn học giúp chúng ta đọc kỹ tấm bản đồ được vẽ trong bức tranh, còn âm nhạc truyền cho ta cảm hứng trên cuộc hành trình dõi theo câu chuyện đó.

Những con người được đề cập trong cuốn sách này và cả những cuốn sách mà họ từng đọc đều chẳng được coi là vĩ nhân hay tác phẩm kinh điển vào thời điểm đó. Nhưng bây giờ, họ chính là những vĩ nhân và các tác phẩm ấy cũng đã trở thành các tác phẩm kinh điển.

Chính vì họ đã để lại cho chúng ta cái thế giới mà họ đã “học hỏi” qua các tác phẩm của nhau ở những hình thức phong phú, mở rộng và sâu sắc hơn. Chỉ sau khi những con người này ra đi, công chúng mới bắt đầu sắp xếp và đánh giá giá trị di sản mà họ để lại.

- Thông qua cuốn sách này, bà muốn gửi gắm gì đến độc giả - những người yêu văn chương nói riêng và những người mê sách nói chung?

- Sách không được viết cho ai cả. Sách chỉ là vết tích của cuộc hành trình mà tác giả tự mình vượt qua dãy núi tri thức. Tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ được những người cần đến nó hay những người có thể tiếp nối nó tìm thấy. Và cả những người không biết nên đọc gì hay không biết sách có thể mang lại điều gì nữa.

Tôi cũng từng không biết nên đọc gì hay sách mang lại lợi ích gì cho mình nên đã tham khảo những cuốn sách của các nghệ sĩ thời trước rồi viết ra những bài viết này. Tôi nghĩ rằng chỉ những người tự tạo dựng được con đường của riêng mình mới có thể đọc như những người nghệ sĩ ở trong cuốn sách này.

Nếu bạn là một người yêu văn học và mê đọc sách thì tôi nghĩ rằng kim chỉ nam của những trăn trở trong đầu bạn sẽ rõ ràng hơn. Tôi mong rằng những người như vậy sẽ có thể gặp được nhau và chia sẻ câu chuyện của mình. Nếu cứ bước đi một cách lặng lẽ thì ở một nơi nào đó sẽ có lúc chúng ta nhận ra nhau và chào nhau một cách vui vẻ.

- Ở Việt Nam, cuốn sách được ra mắt bạn đọc vào đúng dịp tháng 4 - tháng của Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Ngày Sách và Bản quyền Thế giới (23/4) như một lời tri ân sâu sắc đến sách, văn chương và những người yêu đọc sách nói chung. Bà có cảm nghĩ gì về điều này? Theo bà, cuốn sách này sẽ góp phần truyền cảm hứng ra sao với những người yêu văn chương?

- Xin chúc mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc của Việt Nam. Kỷ niệm Ngày Sách và Bản quyền Thế giới cũng là một việc rất có ý nghĩa.

Thế giới ngày nay thường nói rằng cuộc đời của mỗi chúng ta đều là một cuốn sách đang được viết theo từng khoảnh khắc. Tôi mong rằng tháng tư sẽ là thời điểm để bạn suy nghĩ xem nên ghi lại điều gì trong bản ghi chép thời gian ấy và nên tiếp nối bước chân của mình với điều gì. Sẽ không có gì vui sướng hơn nếu như cuốn sách của tôi có thể trở thành nguồn tham khảo cho những suy tư ấy trong bạn.

Minh Châu - Tâm An

To Top