Mỗi lần gặp họa là một lần may

Dường như đối với nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Đình Tâm - người đã ở tuổi thất thập, thì mọi việc xảy ra hàng ngày, đều được thoải mái đón nhận, kể cả khi sức khỏe có vấn đề, thậm chí là tai nạn.

Giống như sóng biển, khi trào lên, khi lặng xuống, cuộc sống cũng vậy, thăng trầm là để tạo nên nhịp điệu hạnh phúc.

Tạo sức bền nhờ chơi bóng đá

Đam mê và yêu văn học từ bé, thừa kế tâm hồn thơ của mẹ, hồi lớp 8 cậu bé Nguyễn Đình Tâm đã có thơ chọn đăng tập san của trường và được trao thưởng. Nhưng mãi tới những năm 70 Nguyễn Đình Tâm mới mạnh dạn gửi và có thơ đăng báo, bài thơ đăng báo Văn nghệ đầu tiên của ông là 2 bài thơ thiếu nhi Gió và Bé hỏi con sóng mà nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà thơ Phạm Hổ là biên tập viên trang thơ hồi đó đã cho đăng ngay sau khi nhận được bản thảo. Cho tới nay, ông đã xuất bản 4 tập thơ, trong đó có trường ca Thức với biển (2015), đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác văn học 70 năm ngành giao thông Vận tải.

Nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Đình Tâm.

Khoảng từ năm 1953 - 1957, sau cú sốc của đại gia đình trong cải cách ruộng đất, gia đình cậu thiếu niên Nguyễn Đình Tâm đã lâm vào cảnh rất khó khăn, Tâm phải nghỉ học 1 năm để đi làm thêm giúp đỡ bố mẹ, sau đó một buổi đi học, một buổi gánh nước thuê để lấy tiền mua sách vở, đến tối mới có điều kiện chong đèn dầu để học, Tâm ốm yếu một thời gian khá dài. Ngày Tâm về thành phố Vinh học cấp 3, hôm thi tuyển vào lớp đào tạo bóng đá của tỉnh Nghệ An, Tâm mới được phát hiện ra bị đau dạ dày, nhưng vẫn trúng tuyển vì Tâm đá khá hay từ những năm cấp 2. Tâm được Phòng Y học thể thao hướng dẫn rèn luyện sức khỏe bài bản và khoa học, hằng ngày cùng bạn chạy 30 phút rồi mới về đi học, cộng với chế độ bồi dưỡng của vận động viên, nên sức khỏe của Tâm tăng lên rõ rệt, độ bền, độ dẻo dai cũng tăng lên. Chàng cầu thủ Tâm đủ sức đá cả 2 hiệp bóng mà không biết mệt, rồi bệnh tật cũng thuyên giảm nhiều.

Cứ thế Tâm tăng cường tự luyện tập nên trong lúc đang đá cho đội tuyển Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng, Tâm được tuyển vào đội tuyển bóng đá của Học sinh, Sinh viên tỉnh Nghệ An, tham gia giải bóng đá HS, SV miền Bắc, đá suốt từ Vĩnh Linh ra đến Đông Triều trong 3 tháng hè. Cho đến năm 32 tuổi, do phải tập trung vào biên soạn giáo trình chuyên môn và tự đào tạo Nguyễn Đình Tâm mới treo giày. Ông cho rằng, không rèn luyện sức khỏe thì không đủ độ bền để vượt qua sóng gió, bão táp, bom đạn của những năm ông tham gia các chiến dịch tiếp viện vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men cho chiến trường.

Những chuyện lạ gắn với giải thưởng văn học

Trong đời nhà thơ Nguyễn Đình Tâm, có một sự trùng hợp lạ kì, 3 lần sức khỏe của ông có vấn đề phải điều trị dài ngày là 3 lần ông được giải thưởng văn học.

Lần thứ nhất năm 2015, ông bị viêm thanh quản. Đó chính là khoảng thời gian ông bị ho nhiều, đến mức cả đêm không ngủ được. Ông bèn tận dụng những đêm không ngủ này để viết và hoàn thành Trường ca Thức với biển - sau này trường ca được trao giải nhất của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giao Thông Vận Tải.

Lần thứ hai vào năm 2018, nhà thơ phải đi phẫu thuật tiền liệt tuyến, và nằm viện 13 ngày rồi về nhà điều trị tiếp, thì ông lại nhận được giấy mời sang Hàn Quốc nhận “Giải thưởng Văn học Nanum”. Ông lên máy bay mang theo hành trang một túi thuốc to.

Lần thứ ba, năm 2019, ông bị tai nạn giao thông, gãy chân và tay phải, phải bó bột hơn 2 tháng. Ngày tháo bột cũng là ngày nhà thơ Nguyễn Đình Tâm nhận tin được giải thưởng của cuộc thi thơ “Hải Phòng khát vọng vươn lên”. Nhận giải xong thì Hiệp hội trao đổi Văn hóa Quốc tế Gwangju mời ông sang Hàn Quốc giao lưu. Khi ấy, chân tay ông vẫn chưa kịp phục hồi chức năng, anh em trong đoàn phải kéo hộ vali giúp thì ông mới lên đường được. Hàng ngày, ông phải tự luyện tập, tập đến toát mồ hôi, đau ê ẩm tay mới cử động được tương đối.

Nhiều lúc ông tự hỏi: làm thế nào mình đã sống qua những năm tháng gian khổ kinh khủng thế ấy, những gian khổ lớn tới mức khoa học không thể chứng minh con người có thể vượt qua được. Hình như bom đạn tránh mình chứ mình không thể tránh được bom đạn. Ông vẫn thầm cảm ơn cuộc đời đã cho mình lành lặn, đã cho ông dạt sang bờ sống để viết lời tri ân đồng đội của mình.

Kiều Bích Hậu

To Top