Nhìn nhận lại vai trò của văn học miền Nam 1954-1975

Bộ phận văn học miền Nam trong tổng thể lịch sử văn học Việt Nam hiện đại đã được nhìn nhận một cách thấu đáo.

Ngày 19-4 tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam và Khoa Viết văn, Báo chí trường Đại học Văn hóa đã tổ chức Tọa đàm: Sự trở lại của văn học đô thị miền Nam: Trường hợp Nguyễn Thị Hoàng.

Một trong những nội dung được đề cập tại tọa đàm là đánh giá sự trở lại của văn học đô thị miền Nam trong đời sống xuất bản 20 năm qua. Thông tin tại tọa đàm cho thấy, xét về tổng thể, trừ một vài trường hợp đặc biệt, các tác phẩm của văn học đô thị miền Nam, đối với số đông người đọc trong nước, có thể nói vẫn còn khá xa lạ. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, quan điểm ứng xử đối với khu vực văn học này đã có những thay đổi mạnh mẽ.

Những nỗ lực sưu tầm, tái bản nhiều tác phẩm thuộc văn học đô thị miền Nam cũng dần trở nên bài bản, sôi nổi. Nhiều tác giả miền Nam xuất hiện trở lại trong đời sống văn học đương đại, nhiều công trình sáng tác, nghiên cứu, phê bình, văn học sử được in lại.

Tác phẩm của Bùi Giáng, Tràng Thiên, Du Tử Lê… và mới nhất là Nguyễn Thị Hoàng cũng đã được chọn lọc và giới thiệu lại.

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng (phải) chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: VT

Có thể thấy, sự thay đổi trong thái độ đối với văn học miền Nam diễn ra ở cả khu vực nghiên cứu, giảng dạy, lẫn sưu tầm, xuất bản, phổ biến đến công chúng. Càng ngày càng nổi lên rõ rệt nhu cầu giới thiệu trở lại một số giá trị của văn học đô thị miền Nam nhằm hoàn thiện dần bức tranh văn học nước nhà thế kỉ XX.

Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn dẫn chứng trường hợp Nguyễn Thị Hoàng trở lại năm 2020. Ông cho biết, điều này đã đánh dấu một cột mốc mới trong hành trình nhận thức lại giá trị văn chương vốn đa dạng của văn học đô thị miền Nam 1954-1975.

“Tác phẩm trở lại thì việc đọc, đánh giá bộ phận văn học này cũng có có biến chuyển nhất định”- nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn nói.

Ông cũng cho rằng, trong việc thực hiện chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc, chúng ta thấy rõ văn chương văn nghệ đang đi những bước rất tích cực, ý nghĩa.

“Bởi lẽ, phàm đã là văn chương tiếng mẹ đẻ, ít hay nhiều, chúng ta đều bắt gặp ở đó những hạnh phúc, buồn vui, những vấp ngã và trường thành của bóng hình dân tộc Việt”- nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn nhận xét.

Có mặt tại tọa đàm, tác giả Nguyễn Thị Hoàng cho biết, riêng với cá nhân mình bà không trở lại như tựa đề của tọa đàm mà bà trở về.

“Trở về theo nghĩa tôi đã đi xa tôi, đã tách rời khỏi tôi suốt 15 năm trời, để nếm trải tất cả mùi vị khổ ải của một con người, để chứng nghiệm được tồn tại của một người phải như thế nào trong cuộc vượt thoát đó”- bà nói.

Đúc kết trong một lời cuối, bà nhắn nhủ: “Tôi vẫn sống như không bao giờ phải chết”.

Còn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thì bày tỏ: "Di sản nếu nó giá trị nó không chết được". Ông cũng cho rằng chúng ta cũng cần một xã hội cởi mở hơn để cho những bộ phận của di sản văn học được trở lại một cách bình thường với công chúng.

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng sinh năm 1939 tại Huế, thuở thiếu thời học Trường nữ sinh Đồng Khánh.

Với bút danh Hoàng Đông Phương, bà đã cho ra mắt tác phẩm đầu tay có nhan đề "Vòng tay học trò", in lần đầu 5.000 bản, gây nên một "cơn bão", trong vòng mấy tháng tái bản bốn lần, mỗi lần 5.000 bản.

VIẾT THỊNH

To Top