Tôi tình cờ bén duyên nghề báo

Từ nhỏ, tôi đã mơ ước bản thân sau này sẽ trở thành một nhà giáo, một dịch thuật viên hoặc xa xôi hơn là một biên kịch đứng sau những bộ phim đắt khách… Nhưng trong ngần ấy hoài vọng, tôi chưa khi nghĩ đến một ngày, lại bén duyên với nghề báo.

Nghề báo là “nỗi sợ”

Hẳn sẽ có nhiều thắc mắc rằng, nếu tôi yêu thích viết lách, yêu thích văn học, nghĩ đến đủ loại nghề sống bằng cây bút, vậy tại sao lại chừa nghề báo ra? Vì trong mắt tôi, báo chí là nghề quá đỗi vất vả, phải liên tục lăn xả ngày đêm, săn những tin tức nóng, hấp dẫn để phục vụ độc giả… Chưa kể, muốn làm nghề, phải tích lũy đủ loại kiến thức, nghiên cứu đủ khía cạnh trong xã hội… Chung quy, với những suy nghĩ thuở non nớt, tôi từng cho rằng báo chí là nghề vừa khó, vừa vất vả, gian truân, mà đã là giấc mơ, ai chả muốn chọn một con đường dễ dàng hơn.

Ngay cả khi đặt chân vào trường THPT, có cơ hội quan sát với những người làm báo ở cự li gần trong những sự kiện, hội thảo của nhà trường, tôi vẫn giữ nguyên “nỗi sợ” đối với nghề báo. Các anh chị nhà báo, phóng viên mà tôi biết, ai cũng có cho mình sự năng động và hoạt ngôn nhất định, trong khi bản thân tôi từ nhỏ lại luôn sống trong “cái mai rùa” của riêng mình. “Cái mai rùa” là những rào chắn tôi tự đặt ra, ngăn chặn tôi làm những việc liều lĩnh, thử những thứ mới lạ. Tôi thu mình trong mọi mối quan hệ của cuộc sống, ngại va chạm, lười nói chuyện phiếm với những người chưa từng gặp. Với tính cách hướng nội, nghề báo là nghề tôi không dám nghĩ tới.

Suốt 18 năm trốn kỹ trong “mai rùa”, cuộc đời tôi có bước ngoặt lớn khi bước chân lên cánh cửa đại học. Nhờ những tháng ngày miệt mài bên trang sách, tôi may mắn thi đỗ vào Khoa Luật Quốc tế của Học viện Ngoại giao. Học viện Ngoại giao không dạy tôi viết báo, nhưng đã tạo cho tôi sự hoạt bát, tự tin và đưa tôi thoát ra khỏi “cái mai rùa” của mình. Các cánh cửa về nghề nghiệp cũng nhờ Ngoại giao mà trở nên rộng mở hơn.

Thế nhưng, với tôi, báo chí vẫn là một nỗi sợ vô hình.

Tôi từng có khoảng thời gian đại học chơi chung với một nhóm bạn, trong đó có một anh phóng viên. Anh tốt tính, hiểu biết nhiều, dạy cho tôi nhiều thứ và khai mở những góc cạnh rất mới lạ trong xã hội.

Tuy nhiên, anh này thường biến mất vào những ngày nghỉ. Theo chia sẻ của anh, lúc người người nghỉ ngơi chính là thời điểm các phóng viên, nhà báo phải “vào việc”. Đôi khi, anh bạn tôi chợt biến mất trong một vài ngày, sau đó trở về với làn da đen sạm, khuôn mặt cũng có đôi phần hốc hác hơn, có lẽ là vừa đi tác nghiệp ở đâu đó về. Một đặc điểm khác khiến tôi cảm thấy không thoải mái lắm ở anh, đó là trong các cuộc tranh cãi, anh luôn tỏ ra rất cứng nhắc với những lý lẽ và lập luận sắc bén của bản thân, chưa kể rất nhạy cảm và thường nghĩ quá lên trong mọi câu chuyện.

Thời điểm này, tôi nghĩ sẽ thật đáng sợ khi làm trong môi trường toàn những người như anh. Hơn hết, tôi sợ chính bản thân cũng sẽ trở thành như vậy.

Đến đam mê nghề nghiệp

Thế mà, như một cái duyên, công việc báo chí lại trở thành điều thân thuộc nhất đối với tôi của hiện tại. Câu chuyện bắt đầu vào một ngày sau khi tốt nghiệp. Lúc bấy giờ, dịch Covid-19 hoành hành đã khiến công ăn việc làm của rất nhiều người gặp xáo trộn, nơi thì cắt giảm nhân sự, chỗ lại đóng cửa vì không đủ tài chính để duy trì công ty.

Tôi mới ra trường, định hướng nghề nghiệp còn mông lung, hoang mang giữa thị trường lao động rộng lớn, lại may mắn được một người quen giới thiệu cho một công việc hành chính tại Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance. Mặc dù lo lắng, phân vân do có “nỗi sợ” từ đầu với báo chí, nhưng có vẻ như tôi cũng không còn cơ hội “kén cá chọn canh”, khi công việc là thứ xã hội quan tâm nhất lúc này. Tự an ủi bản thân, lên dây cót tinh thần, tôi quyết định thử sức một thời gian, nghĩ bụng đến khi thị trường ổn định trở lại thì thay đổi công việc cũng chưa muộn.

Những ngày đầu đi làm và tiếp xúc với các anh chị tại VietnamFinance, tôi phần nào thấy được hình ảnh anh bạn khi xưa: vẫn là những làn da rám nắng, những suy nghĩ nhạy cảm quá mức. Sau này tôi mới hiểu, sự nhạy cảm của họ có lẽ đến từ đặc thù nghề nghiệp, khi luôn phải nhanh nhạy với mọi thông tin xung quanh. Còn làn da rám nắng, thứ mà phụ nữ chúng tôi luôn e ngại, lại được các anh chị coi như một “huy chương” ghi nhận sức lao động của chính mình sau những lần tác nghiệp đầy gian nan. Ở đây, tôi thấy được niềm đam mê với nghề cũng như sự hăng say khi viết lách bên trong mỗi cá nhân, điều vô tình làm thay đổi góc nhìn về báo chí trong tôi từ lúc nào không hay.

Từ công việc hành chính, dần dà, tôi cảm thấy bản thân đã dần trở thành một trong những thành viên của “đại gia đình này”. Tôi liên tục được Ban biên tập cũng như các anh chị tạo cơ hội tiếp cận với nghề viết nhiều hơn thông qua nhiệm vụ đọc soát chính tả, biên tập bước đầu cho các bài quảng cáo sao cho đúng quy chuẩn văn phong của Tạp chí. Đôi lúc tôi cũng được đồng hành cùng các anh chị trong cơ quan tham gia sự kiện bên ngoài, được quan sát các anh chị chụp ảnh, phỏng vấn, gõ “live”.

Cũng nhờ những lần đi đây đi đó, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều người hơn, mở ra thêm nhiều mối quan hệ mới. Nếu ai có câu hỏi đặc quyền của nghề báo là gì, thì chắc hẳn chính là được gặp gỡ và trò chuyện cùng những chuyên gia, doanh nhân hàng đầu, những người tưởng như chỉ nhìn thấy qua tivi, báo đài.

Tôi dần cảm nhận được sự thú vị của báo chí. Từ bao giờ, nỗi sợ khi xưa đã được xen lẫn với cảm giác thích thú, muốn khám phá, muốn học hỏi thêm nữa. Cùng với tâm trạng hào hứng và nhu cầu phát triển chính mình, tôi mạnh dạn giãi bày mong muốn với ban biên tập, đề xuất cho bản thân có cơ hội được trở thành một phần của báo chí. Sau khi yêu cầu được chấp thuận, cùng với thế mạnh ngoại ngữ, tôi bắt đầu thử sức với các dạng bài quốc tế, chủ yếu là dịch và tổng hợp tin bài từ báo nước ngoài. Lần đầu tiên, tôi tiếp cận với CMS (hệ thống kiểm duyệt tin bài) theo một hình thức hoàn toàn mới. Các bài viết của tôi bắt đầu có view, tên mình cũng lần đầu hiện lên trong bảng tính KPI chung của tòa soạn. Đến giờ tôi mới biết, hóa ra nghề báo có một thú vui là nhìn lượng view tăng từng chút, từng chút một. Bao nhiêu lượt view, bấy nhiêu người đọc, cảm giác truyền tải một thông tin và nhận được sự quan tâm của độc giả là một sự “rung động” mà chắc chỉ ai từng trải qua mới thấm hết.

Hai năm làm việc tại VNF, tôi dành 100% thời gian cho nghề, cả từ góc độ công việc hành chính của cơ quan, cả về đóng góp tin bài. Với tôi, một cô gái cả tuổi đời lẫn tuổi nghề đều non trẻ, tôi vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với nghề báo và không ngừng phát triển bản thân, để rồi biết đâu đến một ngày, nỗi sợ của tôi sẽ chuyển hóa thành niềm đam mê giúp tôi vững bước trên con đường xa.

Vân Anh

To Top