'Sông Hồng – Mạch nguồn cảm xúc' - nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ

Ngay sau lễ phát động Cuộc vận động sáng tác âm nhạc 'Sông Hồng - Mạch nguồn cảm xúc' nằm trong khuôn khổ đề án Festival sông Hồng, Đoàn các nhạc sĩ gồm hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội, Hội Văn học - Nghệ thuật Lào Cai đã lên đường tham gia đợt điền dã sáng tác.

Các địa phương đoàn nghệ sĩ thực hiện điền dã sáng tác là các tỉnh dọc sông Hồng, bắt đầu từ Lào Cai và kết thúc là cửa Ba Lạt, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Thăm đền Ông Hoàng Bảy, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên.

Đây là dịp để 24 văn nghệ sĩ trong đoàn cảm nhận, khám phá vùng đất và con người các tỉnh dọc sông Hồng, từ đó có "chất liệu" sáng tác các tác phẩm âm nhạc mới, có chất lượng.

Sau khi điền dã sáng tác qua các địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đoàn đã đi dọc sông Hồng và đến cửa Ba Lạt, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Tại đây, đoàn đã có buổi trao đổi thông tin với Trạm Biên phòng Cồn Vành, Phòng Văn hóa huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Đoàn thăm Trạm Biên phòng Cồn Vành và Phòng Văn hóa huyện Tiền Hải, Thái Bình.

Sau khi kết thúc chuyến điền dã, các nhạc sĩ sẽ hoàn thiện tác phẩm và nộp về Ban Tổ chức trước ngày 5/8/2024. Ban Tổ chức sẽ lựa chọn 1 số ca khúc có chất lượng để trao thưởng và phục vụ cho các hoạt động quảng bá, truyên truyền trong khuôn khổ Đề án Festival sông Hồng.

Đoàn tham quan Hải đăng Ba Lạt.

Cửa Ba Lạt – nơi sông Hồng đổ ra vịnh Bắc Bộ, bên hữu ngạn thuộc xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy (Nam Định), tả ngạn thuộc huyện Tiền Hải (Thái Bình). Sông Hồng đổ về đây sau khi miệt mài chảy trên hành trình gần 1.200 cây số, bắt nguồn từ Trung Quốc. Riêng phần chảy trên lãnh thổ Việt Nam dài hơn 500 cây số. Trước đây, cửa Ba Lạt chính là cửa ngõ quan trọng về đường thủy để vào Thăng Long và nay là ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình.

Ba Lạt đã tạo nên hệ sinh thái nước lợ với nhiều thảm động- thực vật phong phú, là điều kiện để người dân nơi đây nuôi trồng, đánh bắt thủy- hải sản và phát triển du lịch sinh thái. Đây sẽ là chất liệu để các văn nghệ sĩ “chắt chiu” sáng tác những ca khúc gắn kết các địa phương, vùng miền nơi con sông Hồng chảy qua.

To Top