Hơn 30.000 doanh nghiệp đóng cửa từ đầu năm

Covid-19 tiếp tục khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường từ đầu năm. Nhiều công ty chọn cách chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét tình hình.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tính từ đầu năm, có 33.611 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, 21.636 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 8.380 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, 3.595 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng ở tất cả 17 lĩnh vực. Các ngành mà doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh tăng cao là giáo dục và đào tạo (468 doanh nghiệp, tăng 78,6%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (1.242 doanh nghiệp, tăng 66,3%); dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.352 doanh nghiệp, tăng 50,4%).

“Nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường… rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa “đóng cửa” doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho hay.

Có thể thấy tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng. Ảnh: Chí Hùng.

Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới 2 tháng đầu năm là 18.129 doanh nghiệp, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 720.407 tỷ đồng, bao gồm 334.821 tỷ đồng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới và 385.586 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 6.522 doanh nghiệp đang hoạt động.

Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 2 tháng đầu năm đạt 18,5 tỷ đồng, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 172.844 lao động, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Phân theo lĩnh vực hoạt động, có 11/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020, tập trung ở nhóm ngành nghề kinh doanh thiết yếu như sản xuất, phân phối điện, nước, gas; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; kinh doanh bất động sản; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

“Sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh trong thời điểm hiện tại từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh sang những ngành nghề kinh doanh chịu ít rủi ro và nhiều tiềm năng hơn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế”, cơ quan chức năng nhìn nhận.

Ở chiều ngược lại, các ngành chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có xu hướng giảm về số doanh nghiệp thành lập mới. Doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 11,2%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác giảm 9,3%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 6,8%; giáo dục và đào tạo giảm 0,6%.

Cũng trong 2 tháng đầu năm, có 11.033 doanh nghiệp doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuấn Hùng

To Top