Tránh gây ngộ nhận khi tuyển sinh nghề nghiệp

Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài 'Vỡ mộng vì học chương trình 'nước rút', bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, trả lời phỏng vấn xoay quanh vấn đề bài viết đặt ra

Phóng viên: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn TP HCM đang bắt đầu ển sinh. Ngoài học sinh tốt nghiệp THPT, một số trường cao đẳng (CĐ) còn tuyển học sinh tốt nghiệp THCS (gọi tắt là hệ 9+), như vậy có đúng quy định hay không?

- Bà HUỲNH LÊ NHƯ TRANG: Các trường CĐ công lập, tư thục trên địa bàn được tổ chức "đào tạo trình độ CĐ, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo thường xuyên" theo điều 8 Thông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) - quy định về Điều lệ trường CĐ.

Bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM

Về việc tuyển học sinh tốt nghiệp THCS, theo điều 3 Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH của ộ LĐ-TB-XH - quy định Quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ CĐ - đối tượng tuyển sinh của trường CĐ gồm: đối với trình độ trung cấp là học sinh đã tốt nghiệp THCS và tương đương trở lên; đối với trình độ CĐ là người có bằng tốt nghiệp THPT…

Như vậy, các trường CĐ có thể tuyển học sinh tốt nghiệp THCS để đào tạo trình độ trung cấp theo quy định. Tuy nhiên, khi tổ chức hoạt động tư vấn, quảng cáo, các trường CĐ cần phải làm rõ, tránh gây ngộ nhận cho người dân đối với việc học sinh tốt nghiệp THCS vào học hệ CĐ.

Khái niệm "9+" và "12+" không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đây chỉ là cách nói để có thể định vị nhanh đối tượng tuyển sinh đầu vào là tốt nghiệp THCS và tốt nghiệp THPT. Do đó, cần hạn chế sử dụng trong quảng cáo, chiêu sinh của đơn vị nhằm hạn chế tối đa việc không rõ ràng trong công tác đào tạo và cấp bằng sau tốt nghiệp.

Làm sao để học sinh, phụ huynh xác định được trường CĐ nào đó được phép tuyển học sinh tốt nghiệp THCS hay không?

- Các trường CĐ chỉ được tuyển học sinh tốt nghiệp THCS để đào tạo trình độ trung cấp. Học sinh, phụ huynh có thể tham khảo thông tin về các nghề, trình độ đào tạo được công khai trên trang thông tin điện tử của trường. Thông tin này được thể hiện trong Giấy chứng nhận đăng ký/đăng ký bổ sung hoạt động GDNN do Tổng cục GDNN cấp.

Một số trường quảng cáo tuyển sinh trên mạng xã hội gây hiểu nhầm rằng học sinh tốt nghiệp THCS có thể học hệ CĐ

Trong quá trình tuyển sinh, một số trường CĐ sử dụng slogan "tốt nghiệp THCS học ngay CĐ" khiến nhiều phụ huynh lầm tưởng học sinh sẽ được học vượt lên CĐ. Sở LĐ-TB-XH có biện pháp nào khắc phục tình trạng này không?

- Nhằm chấn chỉnh hoạt động GDNN trên địa bàn, Sở LĐ-TB-XH đã ban hành Công văn 19989/SLĐTBXH-GDNN ngày 31-8-2023 gửi thủ trưởng các cơ sở GDNN. Theo đó, nhiều hoạt động thường có nhiều thiếu sót, sai phạm được sở nhắc nhở, chấn chỉnh, trong đó có hoạt động tuyển sinh của các đơn vị.

Ngoài ra, trong nội dung thanh tra, kiểm tra hằng năm đối với lĩnh vực GDNN, công tác tuyển sinh là một trong những nội dung trọng tâm được Sở LĐ-TB-XH rà soát, đánh giá và xử phạt vi phạm hành chính (nếu có).

Theo quy định của GDNN, học sinh tốt nghiệp THCS hoàn toàn có thể học nghề. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng có quy định người học các nhóm ngành sức khỏe phải tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Liệu việc này có ảnh hưởng đến các trường nghề đang đào tạo nhóm ngành sức khỏe hay không?

- Theo khoản 2 điều 3 Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH về đối tượng tuyển sinh, "trường hợp người học dự tuyển vào các nghề đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe; nghệ thuật và an ninh, quốc phòng, ngoài các quy định trên còn phải thực hiện theo các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan và hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực".

Nguồn nhân lực qua đào tạo GDNN có sự đa dạng trong các lĩnh vực đào tạo. Nhiều lĩnh vực không quy định về yêu cầu đối tượng tuyển sinh, học sinh sau tốt nghiệp bậc THCS có thể tham gia học nghề. Tuy nhiên, về việc đào tạo nhân lực trong khối ngành chăm sóc sức khỏe, đây là nhóm ngành đặc thù, trực tiếp tác động đến sức khỏe của con người và có yêu cầu về điều kiện làm việc sau khi tốt nghiệp. Vì thế, việc Bộ Y tế có quy định riêng đối với đào tạo khối ngành chăm sóc sức khỏe là phù hợp.

Các cơ sở GDNN đào tạo khối ngành chăm sóc sức khỏe cần phải đáp ứng đầy đủ những quy định liên quan trong lĩnh vực GDNN và lĩnh vực y tế. Các yêu cầu, quy định về đối tượng được tham gia đào tạo khối ngành chăm sóc sức khỏe cũng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y, bảo đảm an toàn trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Huế Xuân thực hiện

To Top