'Không Không Kó Không' và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, 'Không Không Kó Không' của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

Hoàng Thanh Khiêm và tác phẩm “Không Không Kó Không”

Hoàng Thanh Khiêm (lớp 9 Trường THCS Chu Văn An) sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, ba là Hoàng Thanh Phong, mẹ là Nguyễn Thị Huệ đều là những họa sĩ tên tuổi của Cố đô. Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ công việc của ba mẹ, từ nhỏ Khiêm đã có xu hướng nghệ thuật, và sáng tạo nghệ thuật cũng trở thành niềm đam mê lớn của cậu bé.

Là những người có tâm hồn nghệ sĩ, anh Phong và chị Huệ nuôi con theo cách để con cái có được sự tự do lớn nhất. Không quá ràng buộc vào việc học ở trường, các con của anh chị khá thoải mái “làm những gì mình thích”. Cả hai người con của anh chị cũng không phụ lòng ba mẹ, rất chăm ngoan, học giỏi và sớm mang trong mình một tình yêu lớn lao với nghệ thuật.

Dẫu không được ba mẹ chủ động dạy cách vẽ, nhưng Khiêm lại được di truyền niềm đam mê và khả năng hội họa của ba mẹ. Chị Huệ kể lại: “Từ nhỏ Khiêm cứ cầm bút lên là vẽ, có đề tài là vẽ ngay mà chẳng cần suy nghĩ nhiều; nhưng những nét vẽ vô tư ấy sớm mang hồn cốt của tác phẩm hội họa. Chúng tôi không thúc ép, không gò bó nhưng luôn dõi theo từng bước phát triển của con để khuyến khích cháu thể hiện…”. Và, ngay từ lúc ấy cái hồn của nghệ thuật đã thấp thoáng xuất hiện trong các tác phẩm của cậu bé.

Càng lớn, niềm đam mê nghệ thuật của Khiêm cũng lớn theo, nhiều “sản phẩm” của em không chỉ được ba mẹ trân trọng mà bạn bè của ba mẹ em cũng là những họa sĩ, những chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật biết đến và khen ngợi. Môi trường thuận lợi, Khiêm có nhiều sân chơi để bộc lộ khả năng nghệ thuật. Em đã có những tác phẩm xuất hiện tại các triển lãm online như Triển lãm Mỹ thuật Mừng Xuân Nhâm Dần 2022 (tổ chức trên không gian thực tế ảo),… Tài năng của em sớm được chứng minh qua nhiều giải thưởng đến từ các cuộc thi cấp trường, cấp thành phố và mới nhất là giải thưởng Mỹ thuật trẻ 2024.

Tại Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024, Hoàng Thanh Khiêm đã đem đến một bất ngờ với giới nghệ thuật Cố đô bằng tác phẩm sắp đặt “Không Không Kó Không”. Hình thành từ bức tượng hình rồng và ba tấm phù điêu hình lân, phượng và rùa; tác phẩm lấy ý tưởng từ tứ linh của dân tộc Việt là Long, Lân, Quy, Phụng. Trong bốn loài vật, chỉ có mình Quy (rùa) là có thật ở ngoài đời, điều đó cũng được phản ánh qua cách đặt tên của em “Không Không Kó Không”. Chữ “Kó” là một cách nói của người trẻ hiện nay, vừa mang ý nghĩa là “Có”, mà cũng có thể hiểu là “Không”. Chữ “Kó” được em sử dụng như một sự ví von về việc Quy, vừa là một trong Tứ linh vốn thần thánh không có thật, vừa là con rùa thật sự tồn tại trong cuộc sống.

Thường được mẹ gọi là “ông cụ non”, cách suy nghĩ của Khiêm có phần già dặn hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Cái tên “Không Không Kó Không” được em đặt dựa theo câu nói của Phật giáo: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, nghĩa là “Sắc không khác với Không và Không cũng không khác với Sắc. Sắc chính là Không và Không cũng chính là Sắc”. Ý của câu này muốn nói về việc mọi thứ trên đời rồi cũng sẽ trở về với cát bụi, và rồi sau này từ cát bụi ấy lại sẽ một lần nữa tồn tại, trở thành một vòng luân hồi. “Tác phẩm này bây giờ đang tồn tại nhưng sau này rồi sẽ bị hủy hoại, một lần nữa trở thành đất. Một thời gian dài sau đó, chỗ đất ấy sẽ lại một lần nữa được người sử dụng, lại trở thành một tác phẩm nghệ thuật” Hoàng Thanh Khiêm chia sẻ. Có thể nhiều người nói Khiêm già dặn quá, nhưng có lẽ đó chính là biểu lộ của tài hoa trong em.

Vừa qua, Thanh Khiêm được Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế xét tuyển thẳng vào chuyên ngành Hội họa. Đây là nơi tiếp theo em lựa chọn để “vui chơi” với nghệ thuật, cũng là nơi mà em chính thức khẳng định bản thân từ một học sinh bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa, tiến bước đầu tiên để trở thành một người nghệ sĩ sống vì nghệ thuật.

Bài, ảnh: Phạm Phước Châu

To Top