Chuyện làng nghề (Kỳ 2): Nghệ thuật khảm trai – từ chất liệu truyền thống đến hiện đại.

Với đường bờ biển dọc theo chiều dài đất nước, nghề khảm trai đã xuất hiện tại nước ta từ rất sớm. Trước đây, khảm trai thường được chế tác thành vật dụng cho vua chúa, quan lại hay làm đồ tiến cống như một trong những món quốc bảo. Trong thời hiện đại, khảm trai được sử dụng như một nghệ thuật chế tác độc đáo ứng dụng trong cả hội họa và các sản phẩm thương mại mang tính thẩm mỹ cao.

Nghề cổ hơn 1000 năm tuổi

Chẳng ai biết nghề khảm trai xuất hiện tại nước ta từ thời gian nào, thậm chí, ngay cả sự tích về tổ nghề khảm trai cũng được truyền với nhiều tích khác nhau(có tích thì cho rằng, nghề khảm trai đã xuất hiện ở vùng hạ lưu sông Hồng từ thời vua Đinh, vua Lê với tổ nghề là Ninh Hữu Hưng (làng Ninh Xá, Ý Yên, Nam Định). tích khác thì cho rằng, tổ nghề khảm là ngài Trương Công Thành (làng Chuôn Ngọ, Phú Xuyên, Hà Nội) sống dưới thời triều Lý).

Tương truyền, từ thời vua Đinh Tiên Hoàng có vị Lão La Đại thần - Ninh Hữu Hưng- từ năm 20 tuổi đã ra giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, đánh đuổi quân Tống xâm lược. Theo truyền thuyết dân gian kể lại, ngài giỏi nghề mộc và lại học được nhiều bí thuật xây dựng ở cõi Diêm La. Sau khi dẹp loạn xong, ngài được vua Đinh giao cho việc xây dựng cung điện trong kinh đô và các công trình khác. Theo Ngọc phả tại đình làng La Xuyên, xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định: “Dựng điện Bách Tuế, Thiên Bảo ở núi Đại Vân, cột điện đều trang sức bằng vàng, bạc, điện này dùng làm nơi thị triều, phía đông gọi là điện Phong Lưu, phía tây gọi là điện Tử Hoa, phía tả gọi là điện Bồng Lai, phía hữu gọi là điện Cực Lạc. Lại dựng lầu Đại Vân, liền với điện Trường Xuân làm nơi nghe tẩm, bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng lầu Long Lộc lợp ngói bằng bạc, lại dựng riêng điện Kiên Nguyên để vua ra chơi xem đèn”, khiến kinh đô Hoa Lư càng thêm hoa lệ, rực rỡ.

Trước khi mất, ngài đã truyền lại nghề cho người dân làng xung quanh, được nhân dân tôn sùng là ông tổ nghề mộc và nghề chạm khắc gỗ, khảm trai – trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng cấu thành nghề xây dựng sau này.

Đối với tích về Ngài Trương Công Thành, theo các bậc cao niên làng Chuôn Ngọ (Phú Xuyên) kể lại, vào thời Lý khi quân Tống xâm lược nước ta, có vị chức đầy đủ là Tây đạo Tướng quân Tham tán Trương Công Thành được cử theo danh tướng Lý Thường Kiệt để đánh giặc. Sau khi đánh tan giặc Tống, Trương Công Thành còn từng dẫn quân đánh tan nạn giặc Chiêm quấy nhiễu bờ cõi phía Nam. Về sau, ngài xin treo ấn từ quan, quy y Phật pháp và đi du sơn ngoạn thủy. Khi đi qua vùng biển, ngài phát hiện những mảnh vỏ trai, ốc trôi dạt vào bờ; sau khi cậy lớp vỏ bên ngoài thì thấy vân ngũ sắc rất đẹp, ngài mang về nhà để bày chơi, sau tìm hiểu kỹ trong sách thì thấy đó là con Xà Cừ. Trong một lần nhàn rỗi, thấy vỏ Xà Cừ có nhiều lớp với nhiều màu sắc khác nhau, ánh đẹp như ngọc, ngài ghép thử vào câu đối sơn then, chữ cũ màu nâu thấy rất đẹp. Ngài tiếp tục ra biển lấy về nhiều con Xà Cừ nữa và làm nên một bức hoành phi và một câu đối. Nghề khảm xà cừ (ngày nay gọi là khảm trai) đã được hình thành từ đó. Nghề khảm trai được ngài truyền dạy cho dân chúng thôn Ngọ, rồi từ đó, phát triển và lan truyền ra nhiều làng, đem lại sinh kế cho muôn người. Nhớ tới công đức của ngài, người dân tôn ngài là Thành Hoàng Làng, Đức Tổ nghề khảm trai, lập đền thờ và tổ chức lễ rước vào ngày 9/8 âm lịch và dịp đầu xuân.

Cùng với sự phát triển và tiến trình thay đổi, nghề khảm trai đã xuất hiện tại khắp dọc miền đất nước, được các nghệ nhân giữ gìn và truyền lại cho thế hệ nối tiếp đến ngày nay.

Dù quan niệm mỗi nơi mỗi khác, các nhà khảo cổ học và giới nghiên cứu chưa làm rõ được thời điểm ra đời của nghề khảm trai, thế nhưng gần 1000 năm qua, nghề khảm trai đã kế thừa truyền thống cùng sự nối tiếp của các thế hệ gìn giữ đến ngày nay. Từ những vỏ trai, vỏ ốc nơi ven sông cửa biển, qua bàn tay khéo léo của người thợ và trải qua nhiều công đoạn như: mài, cưa, đục mảnh; gắn trai vào gỗ; đánh bóng mặt khảm..các vật dụng thô mộc thường ngày bổng trở thành những sản phẩm mang giá trị cao về văn hóa, nghệ thuật, thậm chí là những sản phẩm mà chỉ nơi lầu son gác tía, đền đài, miếu mạo hoặc những gia đình giàu sang quyền quý mới sử dụng.

Các sản phẩm khảm trai rất phong phú như: sập gụ, tủ chè, bình phong, hoành phi câu đối… được khảm các cảnh vật quen thuộc, tích cũ dân gian, hoa văn truyền thống hay các biểu tượng của sự trường tồn, may mắn như long ly quy phượng, tùng trúc cúc mai.

Về sau, khi đồ khảm trai đã trở nên phổ biến hơn thì những đồ dùng được khảm trai đã phổ biến hợn. Phố Hàng Khay (còn có tên là phố Thợ Khảm) chuyên làm nghề đồ gỗ khảm trai, từng một thời “Độc quyền ở Viễn Đông”. Trong cuốn sách Kỹ thuật của người An Nam in năm 1909, tác giả Oger đã nhận xét: “Thợ khảm là nhà nghệ thuật chân chính, nhẫn nại và khéo tay vô cùng. Họ biết phối hợp các màu sắc của vỏ trai để có sự hòa sắc đẹp mắt, làm cho bức khảm trở nên rực rỡ. Chính vì thế mà nghệ thuật khảm Việt Nam nổi trội lên gần như độc quyền ở Viễn Đông. Những sản phẩm của người thợ khảm Việt Nam tốt hơn nhiều nếu so với sản phẩm của người thợ khảm Quảng Đông”.

gọ

Cách đây chỉ vài chục năm, những chiếc tủ thờ hay bộ bàn ghế khảm trai từng kinh qua mấy thế hệ vẫn được coi như một trong những tài sản đáng giá nhất trong nhà. Khi nền kinh tế ngày càng hiện đại, các chất liệu mới cùng thị hiếu tiêu dùng bùng nổ khiến cho các mẫu mã, thiết kế cũ trở nên lỗi thời, không được ưa chuộng. Những chiếc sập gụ, tủ chè hay bức tranh tứ bảo… dần được thay thế bằng những đồ nội thất mang phong cách châu Âu sang trọng, hào nhoáng hơn; những người thợ khảm trai nói riêng và các nghề truyền thống khác nói chung có lẽ đã trải qua một giai đoạn buồn khi nghề khảm trai có bề dày lịch sử lại trở nên chưa bao giờ “trầm” đến thế.

Nơi kỹ thuật và nghệ thuật giao hòa

Nếu như trước kia, khảm trai chỉ được ứng dụng cùng với các sản phẩm gắn liền với nghề mộc, sau đó đến khảm lên đồ đồng, đồi mồi để làm đồ gia dụng, đồ cúng; thì vào đầu thế kỉ XXI, tranh sơn mài khảm trai trở nên thịnh hành, trở thành một loại sản phẩm đắt giá, đòi hỏi kinh nghiệm, tay nghề, tình cảm của người thợ chế tác đối với một tác phẩm nghệ thuật.

Nghệ thuật sơn mài được biết đến như một loại hình sáng tác vô cùng kì công của hội họa mà không phải họa sĩ nào cũng có thể dấn thân. Bên cạnh sự công phu của hàng chục lớp sơn, kỹ thuật mài, người họa sĩ cũng luôn đi tìm tòi chất liệu mới để kết hợp như cẩn xà cừ, cẩn trứng… để tạo nên vẻ đẹp cho tác phẩm của mình.

Đối với tranh sơn mài cẩn xà cừ, nguyên liệu sử dụng không chỉ là các vỏ trai, ốc thông thường mà dần mở rộng hơn, thậm chí nhập cả vỏ trai, ốc từ nước ngoài do đặc trưng khí hậu, môi trường sinh sống ở mỗi vùng biển khác nhau đã đem lại chất lượng vỏ trai vô cùng phong phú. Trong đó, các loại vỏ trai được ưa chuộng như vỏ của trai ngọc môi vàng, trai cửu khổng (bào ngư), diệp xù, trai cánh… với vẻ đẹp sáng rực, óng ánh đầy huyền bí cùng tuổi thọ lâu dài, tạo nên vẻ đẹp có một không hai cho các sản phẩm. Sự tinh tế, khéo léo của người thợ khảm phần nào thể hiện qua chế tác công đoạn thủ công khác nhau như xẻ, mài, đánh bóng… từng chi tiết dù là mảnh như sợi tóc.

Bên cạnh việc được ứng dụng trong nghệ thuật vẽ tranh sơn mài, khảm trai còn được kết hợp qua hàng trăm mẫu mã sản phẩm đa dạng chất liệu như gốm sứ, gáo dừa… cung cấp nguồn sản phẩm đa dạng cho thị trường; nhất là trong các sản phẩm cao cấp, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng đương đại như làm trang sức, nút áo, bút viết… hoặc như một vật liệu trong trang trí nội thất làm nổi bật nét sang trọng, lộng lẫy qua những ánh màu tự nhiên ấn tượng.

Không những thế, với đặc điểm hoa văn, màu sắc “có một không hai” đã khiến mỗi sản phẩm thủ công từ nghệ thuật khảm trai trở thành độc bản, kế thừa những tinh hoa từ truyền thống đến hiện đại làm tăng giá trị của mỗi sản phẩm.

Từ những vỏ trai, vỏ ốc thô sơ tưởng chừng bỏ đi, nhưng qua bàn tay khéo léo của những người nghệ nhân đã tạo nên đa dạng các sản phẩm mang nhiều giá trị, tạo thành một ngành nghề đầy tiềm năng không chỉ cho sự phát triển của nghề thủ công đương đại mà còn cho cả sự phát triển kinh tế chung của cả nước

Tranh sơn mài, nghệ thuật khảm trai, hay các nghề thủ công truyền thống khác đều có một đặc điểm chung: đó là sự lặp đi lặp lại liên tục những thao tác trong một thời gian dài, thậm chí hàng chục năm đã khiến những người thợ thủ công trở thành những nghệ nhân bậc thầy. Nếu như trong quá khứ, nghệ thuật chế tác thủ công rất được coi trọng, thì trong bối cảnh hiện đại ngày nay, với nguồn vật liệu phong phú, cùng sự thành thạo và tay nghề điêu luyện của những người thợ khảm, nghệ thuật chế tác thủ công đã tạo nên những giá trị lớn không chỉ cho làng quê nhỏ bé nơi sản phẩm được sinh ra, mà còn cho cả nền văn hóa của nước nhà.

To Top