Nhìn lại một năm 'điểm sáng' của văn hóa đối ngoại Việt Nam

Có thể nói 2023 là một năm mà các hoạt động văn hóa đối ngoại có nhiều điểm sáng, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta trong việc giới thiệu và quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân Điện tử về công tác văn hóa đối ngoại của Việt Nam trong năm qua.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Cộng hòa Italy Sergio Mattarella thưởng thức màn trình diễn nhạc cụ dân tộc của Việt Nam. Ảnh:TTXVN

Phóng viên (PV): Xin chị cho biết những nét đặc sắc về các chương trình văn hóa của nước ta khi được công diễn ở nước ngoài trong các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam?

TS Nguyễn Phương Hòa: 2023 là một năm mà văn hóa đối ngoại là một điểm sáng trong các hoạt động hợp tác về văn hóa, thể thao và du lịch của Việt Nam. Điều đó thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta trong việc giới thiệu và quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, trong các chuyến công du của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đến một số nước, trong khuôn khổ song phương và đa phương đều có các chương trình văn hóa nghệ thuật giới thiệu đến công chúng và bạn bè thế giới về những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Có thể kể đến các chương trình hòa nhạc cổ điển trong chuyến thăm chính thức Áo, của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân, đặc biệt chương trình hòa nhạc kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-Italia diễn ra tại khán phòng Cappella Phủ Tổng thống Italia. Hoặc chương trình nghệ thuật nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-Nhật Bản dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước cùng Phu nhân và Hoàng thái tử Nhật bản Akishino và Công nương. Đây là một chương trình nghệ thuật đỉnh cao, có sự tham gia trình diễn của Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn cùng các nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Dàn nhạc NHK Nhật Bản. Trong chương trình này, hai nền văn hóa của hai quốc gia đã hòa quyện với nhau trong âm nhạc cổ điển và làn điệu dân ca “Trống cơm” đã được nghệ sĩ piano đẳng cấp thế giới trình tấu, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.

PV: Sự lan tỏa những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam ở những chương trình này là gì, thưa chị?

TS Nguyễn Phương Hòa: Để giới thiệu những nét đặc sắc và giá trị của văn hóa nghệ thuật Việt Nam như một lời chào mừng mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, các chương trình được dàn dựng theo hướng giới thiệu những nét đặc trưng truyền thống, mang đậm bản sắc của Việt Nam đồng thời có sự sáng tạo, giao lưu, tiếp biến, hội nhập quốc tế.

Biểu diễn âm nhạc tại Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Trong chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Hoa kỳ dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78 và thăm chính thức Brazin, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tổ chức 4 chương trình nghệ thuật ở 4 thành phố khác nhau. Trước đó, trong các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến ba nước Mỹ Latinh (Cuba, Argentina, Uruguay) cũng có các chương trình nghệ thuật với những bài hát ca ngợi cách mạng, ca ngợi lãnh tụ mà chúng tôi rất xúc động khi hội trường hơn 1.200 khán giả Cuba hòa theo những bài ca trong chương trình.

Sự lan tỏa của các chương trình văn hóa nghệ thuật là một điểm sáng để kết nối, giao lưu hữu nghị. Trong các hoạt động đó thì bên cạnh việc giới thiệu văn hóa Việt Nam còn kết hợp để có những chương trình giao lưu với các nghệ sĩ của nước bạn. Chẳng hạn như ở Argentina, các nghệ sĩ của bạn cùng tham gia biểu diễn với các nghệ sĩ Việt Nam. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh nữ ca sĩ Argentina đã mặc áo dài Việt Nam để biểu diễn, điều đó thể hiện văn hóa đã làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn.

Trong chuyến thăm ật Bản vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tham dự chương trình biểu diễn giới thiệu võ Vovinam và giao lưu võ đạo với Nhật Bản, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với việc lan tỏa di sản phi vật thể, tinh thần thượng võ, trượng nghĩa của dân tộc Việt Nam ra nước ngoài.

PV: Ngoài các chương trình văn hóa, thể thao mang tính đối ngoại thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn có những hoạt động văn hóa mang tầm quốc tế ra sao?

TS Nguyễn Phương Hòa: Bên cạnh các hoạt động gắn với các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chủ động tổ chức nhiều hoạt động Tuần văn hóa Việt Nam, Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài gắn với dịp kỷ niệm năm chẵn, năm tròn quan hệ ngoại giao với các đối tác chiến lược của ta.

Chẳng hạn như trong khu vực có hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Singapore; đối tác ở khu vực Trung Đông thì có kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – UAE…Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những hoạt động giới thiệu âm nhạc dân tộc. Đặc biệt, cuối tháng 11-2023, hoạt động Tuần văn hóa-du lịch Việt Nam tại Pháp do đích thân Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chủ trì đã diễn ra thành công rực rỡ, khép lại năm giao lưu văn hóa sôi nổi giữa Việt Nam và Pháp nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao. Bên cạnh việc giới thiệu những nét tinh hoa, di sản văn hóa của Việt Nam đến với công chúng Pháp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có các cuộc tiếp xúc với Tổng giám đốc UNESCO và các cơ quan chuyên môn của UNESCO cũng như Phái đoàn ngoại giao của các nước. Kết quả là Việt Nam đã trúng cử một cách thuyết phục, trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới.

Tiết mục biểu diễn trong Tuần văn hóa Lào tại Việt Nam. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Ngược lại, ở trong nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng triển khai các hoạt động giao lưu văn hóa rất sôi nổi. Đặc biệt, có thể kể đến việc công diễn vở opera “Công nữ Anio”, đây là mộ tác phẩm thể hiện thành quả hợp tác giữa các nghệ sĩ của hai nước Nhật Bản và Việt Nam. Những sáng tạo của các nghệ sĩ hai nước trong suốt hơn hai năm liền để cùng viết nên một vở diễn mới bắt nguồn từ câu chuyện tình yêu giữa công chúa của Việt Nam với thương gia Nhật Bản. Từ tình yêu đôi lứa của hai người đến từ hai quốc gia để nói lên tình hữu nghị, mối lương duyên giữa hai dân tộc Việt Nam-Nhật Bản.

Ngoài ra còn có nhiều chương trình như: Tuần văn hóa Campuchia tại Việt Nam; Tuần văn hóa ào tại Việt Nam; Tuần văn hóa Nga tại Việt Nam đã khép lại Năm Chéo giữa hai nước. 2023 thực sự là một năm khởi sắc về văn hóa đối ngoại.

PV: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ triển khai những chương trình gì trong năm 2024?

TS Nguyễn Phương Hòa: Hướng phát triển trong năm mới 2024 cũng sẽ có rất nhiều hoạt động gắn với các dịp kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước. Bên cạnh các hoạt động giao lưu định kỳ với các nước bạn bè truyền thống như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Asean, chúng tôi cũng lên kế hoạch để tiếp tục tổ chức các hoạt động “những ngày văn hóa” ở các địa bàn gắn với dịp kỷ niệm quan hệ ngoại giao như Thụy Điển, Slovenia, Mông cổ…

Văn hóa là “sợi dây” kết nối các dân tộc, vì vậy, cần duy trì thường xuyên và liên tục tổ chức các hoạt động giao lưu, quảng bá để hình ảnh Việt Nam được phủ sóng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới.

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

To Top