Nghệ sĩ Việt xin lỗi vì quảng cáo sai sự thật, vậy là xong?

Nhiều người cho rằng, kể cả việc quảng cáo, các nghệ sĩ cũng cần đăng ký và có một ban kiểm duyệt khắt khe hơn để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Nghệ sĩ Việt xin lỗi vì quảng cáo sai sự thật, vậy là xong?

Việc nghệ sĩ Việt đăng tải những thông tin quảng cáo tiền ảo, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc hay nói quá tác dụng của sản phẩm không còn là điều xa lạ. Tuy nhiên gần đây, loạt nghệ sĩ Việt đồng loạt đăng tải thông tin quảng cáo tiền ảo, thực phẩm chức năng sai sự thật đã khiến công chúng phẫn nộ.

Nam Thư, MC Quyền Linh xin lỗi vì đăng quảng cáo không đúng sự thật

Trước sự bất bình của công chúng, nhiều sao Việt đã phải gỡ bỏ thông tin quảng cáo và xin lỗi khán giả. Cụ thể, Quyền Linh gửi lời xin lỗi sau khi giới thiệu một sản phẩm nhưng nói không đúng công dụng trên trang cá nhân. "Tôi đã thiếu tiết chế khi giới thiệu sản phẩm điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường. Vụ việc quảng cáo vừa qua là bài học sâu sắc với tôi sau hơn 20 năm làm nghệ thuật. Tôi xin lỗi khán giả về sự thiếu tiết chế của mình", nam MC nói.

Sản phẩm Quyền Linh quảng cáo bị cho là lố, quá sự thật

Còn Nam Thư, sau khi đăng loạt thông tin quảng cáo tiền ảo, Nam Thư đã gỡ khỏi trang cá nhân và cho biết, đây là lỗi của quản lý đăng tải thông tin nhưng không hiểu biết. “Nam Thư biết tiền ảo đang là vấn đề nhạy cảm, chưa được chấp nhận tại Việt Nam. Nên nội dung trên fanpage của Nam Thư đăng tải vào tối muộn ngày 11-5 là hoàn toàn sai. Nhìn nhận lỗi sai của mình, Nam Thư chân thành gửi lời xin lỗi" – Nam Thư chia sẻ.

Nam Thư xin lỗi sau sự việc

Quảng cáo sai, cứ xin lỗi là xong?

Tuy nhiên, lời xin lỗi của các nghệ sĩ chưa làm công chúng hài lòng. Nhiều ý kiến cho rằng, nghệ sĩ không thể quảng cáo tràn lan, khi bị phản ứng thì gỡ quảng cáo và xin lỗi là xong.

Việc các nghệ sĩ lợi dụng uy tín, sự nổi tiếng của bản thân để quảng cáo quá lên hoặc sai sự thật đã làm xâm phạm đến sức khỏe, thời gian và tiền bạc của nhiều người cần lên án và có biện pháp xử lý nghiêm ngặt.

Lê Dương Bảo Lâm cũng bị lên án vì quảng cáo thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc

Nhiều ý kiến cho rằng, đa số các doanh nghiệp khi kinh doanh phải đăng ký kinh doanh thì tại sao nghệ sĩ đi làm quảng cáo cũng là một hình thức kinh doanh lại không xin phép và không kiểm duyệt, không đăng ký?

Vì vậy, nhiều người cho rằng, kể cả việc quảng cáo, các nghệ sĩ cũng cần đăng ký và có một ban kiểm duyệt khắt khe hơn để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Ban Tuyên giáo TP.HCM: Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ

Ngày 20/5, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM đã có công văn đề nghị các hội văn học nghệ thuật có biện pháp quản lý chặt chẽ hơi trước tình trạng nghệ sĩ tham gia quảng cáo sai sự thật, vi phạm pháp luật tại Việt Nam.

Cụ thể, trong công văn “mang tính thời sự” này, Ban tuyên giáo Thành ủy TP. HCM nêu rõ, thời gian qua có xảy ra tình trạng một số nghệ sĩ tham gia giới thiệu, quảng cáo trái pháp luật một số mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, tiền ảo (tiền mã hóa)...

“Hành vi này có thể tác động tiêu cực, làm ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng, tài sản, niềm tin của người tiêu dùng và ảnh hưởng cả hình ảnh của các nghệ sĩ”, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.

Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM yêu cầu các hội Văn học nghệ thuật “kiểm tra, chấn chỉnh” tình trạng hội viên tham gia quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, hay có chứa các nội dung sai lệch, không đúng sự thật, trái quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Ban tuyên giáo Thành ủy đề nghị lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật thành phố cần có biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật, nhắc nhở hội viên của mình nâng cao tinh thần trách nhiệm khi tham gia quảng cáo...

“Các văn nghệ sĩ tuyệt đối không tham gia quảng cáo các sản phẩm chưa được phép lưu hành, hay sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ không đúng với chất lượng sản phẩm gây hiểu lầm cho người tiêu dùng”, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.

An Yên

To Top