Học sinh tuyệt đối không tự chế pháo nổ: Vi phạm pháp luật và nguy hiểm khôn lường cho tính mạng

Lên mạng xã hội học cách chế tạo pháo, mua các vật dụng rồi tự chế thành pháo nổ không chỉ là việc làm rất nguy hiểm, nguy cơ gây ra tai nạn thương tâm mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Học sinh tuyệt đối không thực hiện hành vi này.

Học sinh tự chế pháo nổ

Cứ đến dịp gần Tết Nguyên đán, không ít thanh, thiếu niên, các em học sinh vẫn lén lút lên mạng xã hội học cách chế tạo pháo và mua các vật dụng về cất giấu rồi tự chế thành pháo nổ. Đây không chỉ là việc làm rất nguy hiểm, nguy cơ gây ra tai nạn thương tâm mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Mới đây, vào ngày 5/1/2024, thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng Công an xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã phát hiện 1 trường hợp là học sinh một trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa đang có hành vi mang theo 1 hộp bên trong chứa chất bột màu trắng (khai là thuốc pháo pha trộn dùng để chế tạo pháo) mang đi bán, thu giữ 0,9kg thuốc pháo đã pha trộn.

Công an xã Đắk Nia làm việc với một học sinh tự chế tạo pháo nổ trái phép. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

Học sinh này thừa nhận, sau khi học cách chế tạo pháo trên mạng Internet và mua các vật dụng liên quan mang về và tự mình chế tạo được 38 quả pháo các loại. Lực lượng Công an xã Đắk Nia đã tạm giữ 0,9kg thuốc pháo đã pha trộn và 38 quả pháo các loại, đồng thời tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo Đại úy Trịnh Hải Quân, Trưởng Công an xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, mặc dù lực lượng Công an các cấp trong tỉnh nói chung, Công an xã Đắk Nia nói riêng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền cảnh báo, yêu cầu thanh thiếu niên, học sinh ký cam kết không vi phạm, đồng thời ra quân tấn công, trấn áp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về pháo nổ nhưng cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về tình trạng này vẫn diễn ra.

Trước đó, vào dịp trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Công an xã Đắk Nia đã phát hiện 6 thanh thiếu niên (tuổi đời từ 13 đến 15 tuổi) đều trú tại xã Đắk Nia có hành vi tàng trữ, chế tạo pháo trái phép, thu giữ 45 quả pháo cùng một số vật dụng liên quan. 6 thanh thiếu niên này khai nhận, sau khi tìm hiểu cách chế tạo pháo trên mạng Internet, đã góp tiền đặt mua hàng online các vật dụng liên quan. Sau đó, nhóm thanh thiếu niên này đã cùng nhau chế tạo được 45 quả pháo tự chế để sử dụng vào dịp Tết.

Tang vật các vụ tự chế tạo pháo nổ trái phép. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

Không chỉ tại xã Đăk Nia, vào ngày 15/12/2023, Công an thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil cũng đã phát hiện, bắt quả tang 1 học sinh trên địa bàn đang có hành vi tàng trữ pháo nổ mà bản thân tự chế tạo trái phép, thu giữ 20 quả pháo nổ tự chế và 1 bịch pháo bi (81 quả) tự chế với tổng trọng lượng 4kg.

Học sinh này khai nhận, sau khi xem và tìm hiểu cách chế tạo pháo trên mạng Internet nên đã tự đặt mua hàng online kèm các vật dụng liên quan để chế tạo pháo nổ với mục đích bán kiếm lời.

Tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra rất nghiêm trọng

Tự chế, tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ là hành vi vi phạm pháp luật, dễ gây nên những hiểm họa khôn lường và sẽ bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc. Hệ quả là những tai nạn về pháo, đặc biệt là pháo nổ tự chế đã xảy ra, không chỉ để lại hậu quả cho chính nạn nhân mà còn biến họ thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Anh H bị bỏng nặng trong quá trình tự chế tạo pháo nổ trái phép. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

Tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra rất nghiêm trọng. Do tiếp xúc gần nên khi hóa chất phát nổ, con người dễ bị các tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực... Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Vết bỏng nặng gây nhiễm độc và để lại những di chứng nặng nề về thẩm mỹ như sẹo xấu, sẹo co kéo, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương, gây khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân. Hội chứng sóng nổ lớn còn gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay, chân...

Mới đây, vào ngày 21/12/2023 trên địa bàn xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông đã xảy ra vụ tự chế pháo nổ tại nhà, khiến anh Nguyễn Nhật H (sinh năm 2008, trú tại xã Đắk Sin) bị bỏng nặng toàn thân. H. cho hay, khi xem các video chế tạo pháo nổ trên mạng, H. lên các trang mạng đặt mua vật liệu rồi tự chế pháo tại nhà. Trong quá trình H. chế tạo pháo tại nhà thì không may xảy ra phản ứng, gây nổ. "Nổ 2 lần liên tiếp khiến người em bị bỏng nặng. Lúc đó em cố chạy ra khỏi nhà, cầu cứu người thân chở đi bệnh viện", H. kể lại.

Lực lượng Công an cơ sở phát tờ rơi tuyên tuyền, cảnh báo, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

Tự chế, tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ là hành vi vi phạm pháp luật

Theo cơ quan Công an, qua các vụ tàng trữ, vận chuyển và mua bán, chế tạo pháo nổ trái phép được lực lượng Công an phát hiện, xử lý thời gian qua cho thấy, hầu hết các đối tượng đều là thanh thiếu niên, học sinh. Do tò mò và muốn có pháo đốt trong dịp Tết nên đã lên mạng Interenet mua các vật dụng và học cách chế tạo pháo nổ. Để tránh bị phát hiện, các em thường giấu gia đình, thầy cô, người thân để tự làm một mình hoặc rủ bạn cùng làm ở những nơi vắng vẻ hay làm tại nhà khi bố, mẹ đi vắng.

Xử phạt vi phạm hành chính hành vi sản xuất, buôn bán và sử dụng pháo nổ trái phép

Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định xử phạt "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm" như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000đ đến 2.000.000đ đối với hành vi lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng pháo hoa không còn giá trị sử dụng.

- Phạt tiền từ 2.000.000đ đến 5.000.000đ đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Chiếm đoạt, trao đổi, mua, bán, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo;

+ Làm giả các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo;

+ Che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại pháo;

+ Mất giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo;

+ Không báo cáo, báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo;

+ Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

+ Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ, pháo hoa ập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo;

+ Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng pháo dưới mọi hình thức.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi mang trái phép pháo vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

Xử lý hình sự hành vi sản xuất, buôn bán và sử dụng pháo nổ trái phép

Xử lý theo hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm

Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm như sau:

- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

+ Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 6 kilôgam đến dưới 40 kilôgam.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.00 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

+ Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm:

+ Pháo nổ 120 kilôgam trở lên.

Xử lý theo hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm

Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm như sau:

- Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

+ Pháo nổ từ 6 kilôgam đến dưới 40 kilôgam.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.00 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:

+ Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

+ Pháo nổ 120 kilôgam trở lên.

Xử lý theo hành vi gây rối trật tự công cộng (sử dụng pháo)

Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội gây rối trật tự công cộng như sau:

Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. (Đối với tội danh này, người phạm tội có thể bị phạt cao nhất đến 7 năm tù).

Quy định về quản lý và sử dụng pháo

Để đảm bảo an ninh, trật tự, bình yên khi Tết đến, Xuân về, người dân cần biết một số quy định về quản lý và sử dụng pháo, như sau:

Chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Quy định về pháo được phép sử dụng (pháo hoa), cụ thể: Là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ (khoản 1 Điều 3 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo).

Các trường hợp được sử dụng pháo hoa: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật (khoản 1 Điều 17 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP).

Điều kiện được sử dụng pháo hoa

(1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

(2) Khi sử dụng pháo hoa, chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (Điều 17 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP).

Tổ chức, doanh nghiệp không thuộc Bộ Quốc phòng và các cá nhân kinh doanh pháo hoa là vi phạm quy định của pháp luật

Người dân tuyệt đối không được mua pháo của các cơ quan, tổ chức không được phép kinh doanh, các cá nhân hoặc trên các trang mạng xã hội, pháo lậu, pháo không hóa đơn, không nguồn gốc, xuất xứ…

Cá nhân, tổ chức không được phép sử dụng pháo nổ, nếu sử dụng pháo nổ là vi phạm; người dân cần có sự phân biệt rõ giữa pháo hoa với pháo hoa nổ, tránh những vi phạm đáng tiếc.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an, VGP, Đảng Cộng sản

Minh Châu

To Top