Một đòi hỏi mang tính thời đại

Dù mới chỉ là 'những bước đi chập chững' nhưng hành trình số hóa lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho cả nghệ sĩ và công chúng Việt trong việc tiếp cận và tham gia vào các sân chơi nghệ thuật toàn cầu. Cơ hội lớn cũng đặt ra những thách thức lớn, đòi hỏi sự cố gắng về nhiều mặt đối với cả nghệ sĩ và cơ quan quản lý.

Hành trình số hóa lĩnh vực văn hóa nghệ thuật mở ra nhiều cơ hội cho cả nghệ sĩ và công chúng Việt trong việc tiếp cận và tham gia vào các sân chơi nghệ thuật toàn cầu (ảnh chụp năm 2019). Ảnh: Đặng Tú

Những trải nghiệm đặc biệt

Tháng 3-2019, lần đầu tiên công chúng trong nước được thưởng thức các tác phẩm của danh họa người Hà Lan Vincent Van Gogh tại một triển lãm số quy mô do Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) tổ chức. Triển lãm tạo nên một “cơn sốt” với những người yêu thích hội họa bởi sự mới lạ của nó.

35 tác phẩm của danh họa Vincent Van Gogh được tái hiện bằng công nghệ số theo hình thức trình chiếu luân phiên qua máy chiếu hiện đại, có độ phân giải cao và chia theo nhóm tương ứng các chủ đề sáng tác. Các tác phẩm được phóng to nhiều lần so với kích cỡ thực với chất lượng rất tốt khiến người xem như lạc vào thế giới tác phẩm của danh họa, điều mà trước đây họ chỉ được tiếp cận trên sách, báo, tạp chí hoặc các trang mạng.

Chia sẻ trên trang web của VCCA, anh Thành, một Việt kiều Pháp cho biết: “Tại Hà Lan, các bảo tàng thường rất đông nên tôi không có cơ hội thưởng thức từng bức tranh một cách trọn vẹn. Tôi nghĩ những triển lãm dùng công nghệ thế này mang tuyệt tác nghệ thuật tới gần hơn với công chúng, đặc biệt là những bạn trẻ không có cơ hội tiếp cận với tranh thật”.

Sau đó ít lâu, tháng 9-2020, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Italia tại Hà Nội tổ chức khai mạc trực tuyến triển lãm kỹ thuật số "Magister Raffaello". Triển lãm mang tới hành trình trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn về cuộc đời, sự nghiệp và các tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ thiên tài Raffaello, thường gọi là Raphael. Người tham gia triển lãm có thể tiếp cận tác phẩm qua công nghệ trình chiếu hiện đại và thiết bị thuyết minh đặt tại bảo tàng hoặc qua thiết bị di động của người dùng.

Tại buổi lễ khai mạc triển lãm này, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà đánh giá: “Những cuộc triển lãm của Italia tại Bảo tàng Hà Nội luôn được đón đợi bởi nội dung phong phú, giải pháp triển lãm hiện đại được thể hiện qua ứng dụng công nghệ cao để công chúng được trải nghiệm một cách chân thực nhất về trí tuệ con người và vẻ đẹp của đất nước Italia xa xôi nhưng thật gần gũi”.

Các tác phẩm của danh họa Vincent Van Gogh được trình chiếu tự động bằng phiên bản số.

Mới đây nhất, từ ngày 19-3 đến ngày 24-4, VCCA tiếp tục tổ chức triển lãm số “Lặng yên rực rỡ”, lần đầu tiên tại Việt Nam giới thiệu 50 tác phẩm phiên bản số của hai đại danh họa người Pháp Claude Monet và Pierre Bonnard.

Những triển lãm kể trên là ví dụ tiêu biểu cho thấy việc ứng dụng công nghệ số đã mang đến cho công chúng những trải nghiệm đặc biệt, được thưởng lãm tác phẩm của các danh họa hàng đầu thế giới với chất lượng cao và hình thức sống động.

Số hóa thay đổi thế giới

Cuộc cách mạng số hóa đã làm thay đổi thế giới. Ở Việt Nam, mặc dù số hóa lĩnh vực giải trí theo đánh giá chung là còn non trẻ song dấu ấn của nó đối với đời sống rất rõ ràng. Nhiều ngành nghề biết nắm bắt xu hướng này đã đạt được hiệu quả bất ngờ. Chẳng hạn, với lĩnh vực phim ảnh, theo Nghệ sĩ Ưu tú Lê Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam: “Hiện có tới 70% lưu lượng truy cập internet mỗi ngày chỉ để xem video. Nhu cầu sử dụng các ứng dụng giải trí như Netflix, YouTube... đang chiếm phần lớn lưu lượng truy cập internet trong các hộ gia đình. Nhiều người tìm đến các dịch vụ giải trí trực tuyến và sự tăng trưởng của lĩnh vực này mang tính xu thế”. Rõ ràng, công nghệ số đã làm thay đổi cả thói quen giải trí tại nhà của người Việt.

Năm 2020, dịch Covid-19 đã tạo ra cú hích khiến cho việc chuyển đổi số được đặt ra cấp thiết hơn với lĩnh vực nghệ thuật giải trí. Tháng 5-2020, để ứng phó với dịch bệnh, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã xây dựng kế hoạch đặt hàng 12 nhà hát thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa chương trình nghệ thuật lên kênh YouTube. Khi đó, ông Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn có chia sẻ: “Việc đưa chương trình lên YouTube vốn không có trong kế hoạch mà là chúng tôi xin chuyển đổi nguồn sử dụng vì dịch bệnh. Sau dịch, xu hướng hưởng thụ nghệ thuật có chiều hướng thay đổi, nên Bộ xây dựng kế hoạch có nhà hát trên YouTube để đáp ứng”.

Việc số hóa có thể đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của người xem trong bất kỳ hoàn cảnh nào, duy trì môi trường biểu diễn, sáng tạo cho nghệ sĩ cũng như bảo đảm được công tác lưu trữ một cách thông minh. Nói về kế hoạch này, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Minh Ngọc cho rằng, làm tốt việc số hóa vở diễn sân khấu sẽ giúp cho các sàn diễn tăng thêm thị phần, tạo sự tương tác với công chúng trên nền tảng số... Như vậy, ngay cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, đây cũng là hướng đi mang lại hiệu quả cao cần phải tính đến.

Công nghệ số đã làm thay đổi thói quen giải trí của nhiều người, đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.

Cơ hội song hành thách thức

Mặc dù hiểu rõ những cơ hội và hiệu quả mà việc số hóa lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có thể mang lại cho cả nghệ sĩ và công chúng, song theo ông Nguyễn Quang Vinh, hiện tại cơ sở vật chất của hầu hết các đơn vị nghệ thuật, nhất là đơn vị công lập, chưa đáp ứng được điều này.

Trong khuôn khổ “Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020”, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học RMIT đánh giá: Ngành công nghiệp sáng tạo của Việt Nam có nguy cơ bị tụt hậu nếu tiến trình số hóa không đuổi kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của môi trường xung quanh.

Sau 4 tháng nghiên cứu cách các chuyên gia lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tại Hà Nội khai thác công nghệ kỹ thuật số để phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, Tiến sĩ Emma Duester - giảng viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp cho biết: “Thách thức thường gặp đối với các đơn vị văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội - mà chúng tôi tin rằng cũng là thách thức chung ghi nhận trên khắp Việt Nam - là thiếu nguồn nhân lực (cả về thời gian và năng lực), thiếu vốn đầu tư và thiếu trang thiết bị kỹ thuật như máy quét 3D... để số hóa các hiện vật văn hóa một cách bài bản”. Điều này cũng có nghĩa, muốn thực hiện số hóa thành công thì cần phải đẩy mạnh đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn đào tạo trình độ nguồn nhân lực.

Rõ ràng, số hóa là một đòi hỏi mang tính thời đại trong việc phát triển các ngành văn hóa nói chung và nghệ thuật nói riêng. Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, việc “tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ” cũng được Chính phủ xác định là nhiệm vụ và giải pháp cần phải thực hiện để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Thực hiện tốt những giải pháp này, trong đó có việc ứng dụng công nghệ số, chắc chắn sẽ mang đến cho quá trình công nghiệp hóa các ngành văn hóa những thành quả bất ngờ.

- Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; Thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; Nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa;

- Đổi mới và phát triển các ngành sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa truyền thống như in ấn, xuất bản, phát hành, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, giải trí, quảng cáo, triển lãm; Tăng cường hợp tác, tranh thủ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển”.

An Định

To Top