Robot thích ứng mọi địa hình

Robot ngày nay được trang bị hệ thống chuyển động để vượt qua mọi loại địa hình. Tuy nhiên, chúng có xu hướng thiên về một địa hình môi trường đặc biệt.

Robot có thể thay đổi độ dài chân tùy vào địa hình.

Mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Oslo của Na Uy đã phát triển một robot bốn chân có thể điều chỉnh chiều dài và dáng đi khi tiếp xúc các bề mặt khác nhau.

Theo các nhà khoa học, khả năng này của robot có thể giúp cải thiện năng lượng và hiệu suất trong những điều kiện không thể đoán trước. Được gọi là Dyret (“Động vật” trong tiếng Na Uy), đây là robot bốn chân đầu tiên có thể tự động thay đổi hình thái dựa trên các điều kiện khác nhau.

Bằng cách sử dụng kết hợp các cảm biến, máy ảnh và trí thông minh nhân tạo, robot có thể nhận ra khi gặp địa hình khác nhau dưới chân. Đồng thời, Dyret sẽ điều chỉnh cơ học chiều dài của chân, tiếp theo đó là hình dạng cơ thể. Nhờ đó, giúp tối ưu hóa dáng đi trên mỗi bề mặt cụ thể.

Tonnes Nygaard - người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Robot liên tục học hỏi về môi trường mà nó đang đi qua và kết hợp với kiến thức thu được khi ở trong môi trường có kiểm soát. Robot sử dụng điều này để cơ thể thích nghi”.

Các nhà nghiên cứu bắt đầu bằng cách huấn luyện robot trên sỏi, cát và bê tông. Sau đó, Dyret được giao nhiệm vụ đi trên cỏ - điều mà nó chưa từng thực hiện.

Mặc dù đây có vẻ không phải là địa hình rắc rối nhất, nhưng các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, những búi cỏ và lỗ trên đó có thể là một thách thức thực sự đối với robot chân dài. Tuy nhiên, Dyret đã học cách đi trên bãi cỏ bằng cách nhanh chóng xác định chiều dài chân lý tưởng.

Kyrre Glette - thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ: “Chân ngắn hơn mang lại sự ổn định tốt hơn, trong khi chân dài cho phép tốc độ đi bộ cao hơn nếu địa hình là nơi có thể được dự đoán trước”.

Ý tưởng ở đây là phát triển các robot không rơi vào bế tắc khi gặp địa hình bất ngờ và không cần thiết kế lại trong các tình huống khác nhau.

Những robot như vậy có thể được sử dụng trong các khu vực thiên tai, hoặc kịch bản tìm kiếm và cứu hộ, nông nghiệp, nơi khó tiếp cận như hầm mỏ hoặc thậm chí trên các hành tinh khác. Những khả năng thích ứng này cũng có thể khiến robot bền bỉ hơn.

“Sử dụng công nghệ của chúng tôi, robot có thể thích nghi với việc một trong hai chân của nó yếu hơn hoặc gãy. Nó có thể học cách phục hồi, cho dù bằng cách đi khập khiễng hay giảm chiều dài của ba chân còn lại”, nhà khoa học Nygaard chia sẻ.

To Top