Lan tỏa Tủ sách Huế: Sao không đưa ra thị trường?

Tủ sách Huế ra mắt vào năm 2021 với cuốn sách đầu tiên thuộc tủ sách này đó là Địa chí Thừa Thiên Huế. Đến thời điểm này - sau hơn 3 năm, Tủ sách Huế đã có ấn phẩm thứ 11 'Huế - Kinh đô diệu kỳ' tập 1 và 2 vừa được ra mắt vào tháng 4/2024.

Bạn đọc tham quan không gian trưng bày Tủ sách Huế ở bên trong Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế

2 ấn phẩm mới này là tuyển tập gồm 40 bài nghiên cứu, khảo cứu đặc sắc về văn hóa cung đình ế của các học giả thuộc Hội Đô Thành Hiếu Cổ (Association des amis du vieux Húe) đã từng in ấn trong Tập san của Hội trước năm 1945 bằng tiếng Pháp.

Những ấn phẩm chất lượng, có giá trị

Việc Tủ sách Huế này ra đời đã xác định rõ mục tiêu và quyết tâm phải làm sao lưu giữ, bảo tồn các giá trị của sách, đặc biệt là những đầu sách, tư liệu quý về Huế. Đồng thời phát triển và đa dạng các đầu sách, được nhiều độc giả trong và ngoài nước quan tâm biết đến.

Trước “Huế - Kinh đô diệu kỳ”, Tủ sách Huế cũng đưa ra công chúng những cuốn sách không chỉ có giá trị nghiên cứu, mang tính học thuật cao mà còn quảng bá những giá trị di sản văn hóa, hình ảnh Huế qua sách, phát triển văn hóa đọc, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực và hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa của vùng đất Cố đô. Có thể kể đến những ấn phẩm như Địa chí Thừa Thiên Huế, Huế - Kinh đô áo dài, Nghệ thuật ca Huế trong xã hội đương đại…

Những ấn phẩm của Tủ sách Huế

Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu và giới yêu sách, những ấn phẩm nằm trong Tủ sách Huế dù chưa nhiều nhưng là các đầu sách chất lượng và hướng đến các tiêu chí như độc lạ, có giá trị sưu tầm, khích lệ văn hóa đọc…

“Tôi cho rằng, những cuốn sách nằm trong Tủ sách Huế là những cuốn sách mang tính học thuật cao, có giá trị tham khảo, nghiên cứu chất lượng. Những cuốn sách này nếu được lan tỏa xa hơn, được biết đến nhiều hơn không chỉ đảm ứng nhu cầu cho giới học thuật mà còn là cách quảng bá thương hiệu của Huế”, một chuyên gia nhận định.

Theo kế hoạch của Tủ sách Huế từ ngày hình thành, dự kiến mỗi năm sẽ xuất bản, phát hành ít nhất ba đầu sách chất lượng và phấn đấu đến năm 2025; có 100% thư viện trên địa bàn tỉnh được trang bị các ấn phẩm về sách Huế. Tủ sách Huế có con dấu nhận diện, logo nhận diện, giống như đặc sản Huế. Cùng với đó còn có việc hình thành đường sách, xây dựng app Tủ sách Huế, kết nối với các nhà xuất bản, công ty phát hành để thống nhất kế hoạch hợp tác phát triển Tủ sách Huế… Thế nhưng trên thực tế một số mục tiêu đến thời điểm này vẫn giậm chân tại chỗ. Ví như việc hình thành con đường sách cho Huế sau bao nhiêu năm vẫn chưa đâu vào đâu, hay liên kết để xã hội hóa đưa sách ra thị trường.

Muốn mua cũng không được

Tại buổi ra mắt ấn phẩm “Huế - Kinh đô diệu kỳ” ngay tại Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế vừa rồi, một lãnh đạo ngành văn hóa nói rằng, ấn phẩm thứ 11 thuộc Tủ sách Huế này là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, địa phương và sự góp ý, quan tâm sâu sắc của các nhà nghiên cứu Huế để hình thành nên bộ sản phẩm văn hóa đặc sắc của riêng xứ Huế. Và những ai quan tâm có thể đọc sách miễn phí tại hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường đại học, cao đẳng, thư viện trường học, các viện nghiên cứu và các tủ sách phục vụ cộng đồng...

“Thay vì tìm đến các thư viện miễn phí, phục vụ cộng đồng, tôi muốn sở hữu nó” – một độc giả dự buổi ra mắt nói và sau đó tỏ vẻ thất vọng khi lật mặt cuốn sách được trưng bày có đánh chữ “sách không bán”. Nhiều người cũng tỏ vẻ băn khoăn và cho rằng, những ấn phẩm Tủ sách Huế là những ấn phẩm có giá trị cao và nhu cầu thị trường cũng cao, vậy tại sao không bán? Như thế có mâu thuẫn trong việc lan tỏa? Do vậy, người này đề nghị cần thay đổi quy định và tìm cách để đưa sách ra thị trường.

Quy định xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách Huế đã quy định về kinh phí xây dựng, tuyển chọn. Việc này do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên được giao hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có). Việc lập dự toán, chấp hành dự toán, quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước. Và đến thời điểm này toàn bộ tiền in sách nằm trong Tủ sách Huế đều được cấp bởi ngân sách nhà nước. Vì thế sách sau khi in chỉ được cấp về các trường, thư viện công cộng… và dành để làm quà tặng cho đại biểu trong các dịp lễ lớn của tỉnh.

Một cán bộ của ngành văn hóa xác nhận, đến thời điểm này Tủ sách Huế vẫn chỉ dừng lại mục tiêu phi lợi nhuận, không bán. Việc bạn đọc đặt vấn đề mua ấn phẩm Tủ sách Huế cũng được đưa ra nhưng không thể làm gì hơn. Trước những thắc mắc đó, phương án xã hội hóa, liên kết với các công ty sách, nhà xuất bản để đưa sách ra thị trường cũng được cân nhắc nhưng vẫn chưa có cuộc họp, đi đến quyết định chính thức.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nhìn nhận thẳng thắn đó là vấn đề không riêng gì Sở mà bản thân cũng rất trăn trở khi những cuốn sách nằm trong Tủ sách Huế hiện chỉ giới hạn “sách không bán” và chưa đưa ra thị trường khiến nhiều người khó tiếp cận. Dù mỗi ấn phẩm nằm trong đề án thường in 1.000 bản và đều chuyển về hệ thống các thư viện địa phương, các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, các thư viện thuộc khối nhà trường trên địa bàn tỉnh. Nhưng dừng lại đó là chưa đủ.

“Tôi đã trao đổi với các đơn vị có liên quan về điều này. Cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, một mặt để tiết kiệm ngân sách, mặt khác để in được nhiều hơn. Không chỉ chọn những cuốn sách hay đưa vào Tủ sách Huế mà cần phối hợp với các công ty phát hành sách để người ta in hoàn toàn và tỉnh muốn bao nhiêu thì mua lại”, ông Hải nói.

Nói thêm về chuyện bản quyền, người đứng đầu ngành văn hóa cho rằng “không đáng lo” bởi sách nằm trong đề án Tủ sách Huế càng phát hành được bao nhiêu, rộng rãi bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu.

Nhật Minh

To Top