Thay đổi để học sinh hạnh phúc

Thay vì chào hỏi, hai cô trò sẽ cùng nhún nhảy hoặc cụng tay nhau khi trẻ đến lớp hoặc học sinh có thể gặp trực tiếp cô giáo hay ban giám hiệu để bày tỏ, chia sẻ những khúc mắc... Nhiều trường học trong tỉnh đã có những thay đổi như thế khi xây dựng trường học hạnh phúc.

Chào nhau khi đến lớp của cô và trò Trường Mầm non Bắc Lương (Thọ Xuân).

Nhân lên tình thương, trách nhiệm

Xây dựng trường học hạnh phúc, một hành trình chưa dài nhưng bước đầu đã có những tín hiệu vui. 5 tiêu chí: “Yêu thương - tôn trọng - an toàn - được hiểu - được có giá trị” đã và đang được các nhà trường thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm.

Hạnh phúc cũng có nghĩa “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Để thấy học sinh vui, học sinh hạnh phúc thì thầy, cô phải là người đầu tiên thay đổi từ trong suy nghĩ, cách làm...

Cũng có thể chỉ một thay đổi nhỏ đã tạo niềm vui lớn. Thay đổi không gian trường, lớp học, thêm một chút màu sắc, hình ảnh hoặc gắn những câu khẩu hiệu dễ gần, dễ nhớ đã góp phần tăng cảm xúc của cô và trò. Câu chuyện ở Trường Mầm non Bắc Lương (Thọ Xuân) là một ví dụ. Từ những cửa lớp học, đã có thêm hình trái tim, hình bàn tay hay những nốt nhạc... Khi trẻ đến lớp chỉ vào hình trái tim thì cả 2 cô trò cùng ôm nhau, trẻ chỉ vào nốt nhạc thì cả 2 cô trò cùng nhún nhảy... Mỗi ngày đến lớp, lời chào đã được thay bằng cử chỉ, hành động như thế. Những thay đổi này đã được Trường Mầm non Bắc Lương thực hiện ngay sau khi nhà trường bắt tay xây dựng trường học hạnh phúc. Nói về điều này, Hiệu trưởng Hà Thị Hoa cho biết: “Bình thường, trường mầm non lúc nào cũng đẹp. Nhưng khi xây dựng “Trường học hạnh phúc”, chúng tôi muốn nâng tầm cái đẹp đó lên. Chỉ đơn giản như thay lời chào mỗi khi đến lớp thì trẻ và cô sẽ có những biểu cảm khác vui nhộn hơn, cảm xúc hơn. Thực sự đáng yêu và rất thoải mái. Khi đã tạo được tiếng cười thì chắc chắn buổi học của cô và trò sẽ hứng thú hơn, chất lượng hơn”.

Cũng theo Hiệu trưởng Hà Thị Hoa, không chỉ đến khi xây dựng “Trường học hạnh phúc” thì mới nói đến câu chuyện của tình yêu thương. Trong môi trường giáo dục, nhất là bậc mầm non, đối với công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ thì tình yêu thương lại càng có vị trí quan trọng. Và thực tế, xây dựng “Trường học hạnh phúc” là để nhân lên tình thương, trách nhiệm. “Tôi vẫn nói với giáo viên trong các cuộc họp rằng, một đứa trẻ khi rời xa bố mẹ thì cái cần nhất chính là tình yêu thương. Do đó, giáo viên khi đến trường phải bỏ lại phía sau câu chuyện gia đình, câu chuyện đời sống hàng ngày mà dành tình thương cho trẻ. Cô giáo đến lớp mặt phải vui, miệng phải cười thì học sinh mới không sợ, không khóc...”, Hiệu trưởng Hà Thị Hoa chia sẻ thêm.

Xây dựng “Trường học hạnh phúc” với thông điệp “Nhà trường, thầy cô giáo thay đổi để hướng đến một môi trường sư phạm văn minh, thân thiện, an toàn". Một môi trường giáo dục mà ở đó không áp lực học hành, không bạo lực học đường... Trường là nhà; thầy, cô là người thân. Vậy nên, xây dựng “Trường học hạnh phúc”, trách nhiệm lớn nhất vẫn là ở sự thay đổi của nhà trường, thầy cô. Xác định rõ điều này, trong quá trình xây dựng “Trường học hạnh phúc”, Trường TH&THCS Xuân Thịnh (Triệu Sơn), bước đầu đã tạo những hiệu ứng tích cực. Xây dựng “Trường học hạnh phúc”, niềm vui lớn nhất của những người làm thầy tại ngôi trường này chính là học sinh đã hiểu được giá trị của hạnh phúc. Theo chia sẻ của Hiệu trưởng Trần Anh Tuân, vì hiểu được giá trị hạnh phúc nên học sinh đã làm được nhiều điều tốt đẹp hơn. Hiệu trưởng Trần Anh Tuân cho biết: “Khi học sinh hiểu giá trị hạnh phúc, nhiều em đã trực tiếp góp ý với bố mẹ, người thân về hạnh phúc. Các em biết cách để xây dựng niềm vui, trong học tập, cuộc sống từ những hành động, việc làm thường ngày. Đối với giáo viên, từ lời nói, việc làm luôn hướng tới học sinh, tạo một môi trường học tập thoải mái, năng động để các em phát huy năng lực, sở trường... Đã tốt thì càng phải tốt hơn mới nhân giá trị hạnh phúc”.

Cần cả một nghệ thuật

Ở mỗi bậc học, học sinh thường có những biến đổi về tâm, sinh lý khác nhau. Đối với học sinh THPT - những thanh niên mới lớn thể hiện tính chất phức tạp nhiều hơn về sinh lý và tâm lý. Nhìn nhận thực tế, những năm gần đây, các vụ bạo lực học đường hay tự tử trong học sinh, phần lớn rơi vào học sinh THPT. Xây dựng “Trường học hạnh phúc” ở bậc THPT vì thế, đòi hỏi các nhà trường với yêu cầu, trách nhiệm cao hơn. Theo đó, không chỉ là tuyên truyền mà phải bằng cả hành động cụ thể và hơn hết, xây dựng “Trường học hạnh phúc” là cả một nghệ thuật.

Tiết dạy Tiếng Anh của cô giáo Nguyễn Thị Đan ở lớp 10A16 Trường THPT Yên Định 1 (Yên Định).

Ở Trường THPT Yên Định 1 (Yên Định), “nghệ thuật” ở đây chính là nhà trường đã tạo được sự tương tác giữa thầy và trò, đúng như khẩu hiệu: “Yên Định 1 là nhà, chúng ta là gia đình”. Khẩu hiệu được đưa ra ngay sau khi nhà trường triển khai, thực hiện phong trào “Trường học hạnh phúc”. Phó hiệu trưởng Trường THPT Yên Định 1, thầy giáo Trịnh Văn Thuyên nhấn mạnh: “Đến thời điểm này, thay đổi lớn nhất trong quá trình xây dựng “Trường học hạnh phúc” đó là chuyển biến tích cực thái độ học sinh. Các em tương tác với thầy cô rất tốt. Trước đây, khi chưa xây dựng “Trường học hạnh phúc”, khoảng cách giữa thầy và trò rất lớn. Bây giờ học sinh dám bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng trước thầy, cô, đặc biệt là học sinh lớp 12, có những em đã lên gặp trực tiếp hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để nói lên vấn đề mà bản thân đang vướng mắc. Đạt được điều này, phải bắt đầu từ giáo viên. Giáo viên có gần gũi tiếp xúc, nắm bắt tâm lý học sinh thì học sinh mới tương tác tốt”.

Cô giáo Nguyễn Thị Đan, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A16, được đánh giá là một trong những giáo viên có cách làm hiệu quả trong xây dựng “Trường học hạnh phúc” ở Trường THPT Yên Định 1. Qua 3 khóa chủ nhiệm, cô giáo Đan rút ra nhiều bài học, nhất là trong xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Bởi có xây dựng “Trường học hạnh phúc” thì mới nhân lên ý thức điều chỉnh bản thân tốt hơn. Cô giáo Đan nhớ lại: “Khi tôi làm giáo viên chủ nhiệm ở khóa đầu tiên, tôi làm theo bản năng, chỉ nghĩ lên lớp truyền thụ kiến thức cho học sinh, giúp học sinh có nhiều kiến thức đi thi. Thời gian này, tôi rất nghiêm túc, lạnh lùng, khiến học sinh sợ và ngại tiếp xúc. Tuy nhiên, khi chứng kiến một số câu chuyện bạo lực gia đình, bạo lực học đường, tôi thấy cần phải có những thay đổi trong suy nghĩ. Đặc biệt, khi xây dựng “Trường học hạnh phúc”, càng nhận ra điều cần thiết, đó là người thầy không chỉ cho học sinh kiến thức mà còn phải cho học sinh cảm nhận và nhận thức. Từ đấy, tôi đã thay đổi về cách giáo dục học sinh”.

Một câu chuyện đã được cô giáo Đan kể lại, đấy là vào khóa chủ nhiệm thứ hai, trong lớp xảy ra mâu thuẫn giữa học sinh với nhau. Một nhóm học sinh đã công kích trên mạng xã hội 1 bạn cùng lớp. Ở tiết sinh hoạt, cô giáo Đan đã cho học sinh thực hiện bài thuyết trình về giá trị của mạng xã hội và bạo lực mạng xã hội. Cô đã gọi 1 học sinh có khiêu khích nhiều nhất với bạn cùng lớp lên thuyết trình. “Đó là một bài thuyết trình rất hay”, cô giáo Đan nói. “Sau khi thuyết trình xong, tôi hỏi học sinh này rằng, em đã thực hiện như thế nào. Đến lúc đấy, học sinh nhận ra là cô giáo đã biết hết sự thật và em đã xin lỗi trước lớp về hành động của bản thân. Mâu thuẫn được chấm dứt từ đấy. Thực tế, phát hiện vấn đề của học sinh cũng phải rất tinh tế, khi giải quyết còn cần cả sự tế nhị”.

Muốn học sinh hạnh phúc thì đầu tiên thầy, cô phải thay đổi, thay đổi trong suy nghĩ, hành động. Thay đổi để làm bạn cùng học sinh, lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm thì yêu thương ắt sẽ nảy mầm...

Bài và ảnh: Vi An

To Top