Tạo niềm tin và động lực

Sau hơn 20 năm ban hành, Luật Di sản văn hóa lần này được sửa đổi toàn diện nhằm thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã trao đổi cùng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục PHAN VIẾT LƯỢNG về nội dung này...

Để xã hội “muốn làm và được làm”

- Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến ở đợt 2 Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV.Một trong 3 nhóm chính sách được tập trung sửa đổi lần này là tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

- Xã hội hóa là chủ trương chung của Đảng và Nhà nước nhằm huy động nguồn lực phát triển đất nước. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 khẳng định quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân. Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa là cần thiết để có thêm nguồn lực bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa, tạo động lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng

Việc dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định cụ thể cơ chế, chính sách, trong đó dành riêng một điều (Điều 88) về xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, có 2 ý nghĩa lớn. Thứ nhất, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với việc khuyến khích và tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tham gia. Đồng thời, việc quy định rõ các hoạt động được xã hội hóa cũng như các ưu đãi mà tổ chức, cá nhân được hưởng sẽ tạo niềm tin và động lực để cả xã hội chung tay chăm lo sự nghiệp phát triển văn hóa. Thứ hai, khuyến khích và đẩy mạnh xã hội hóa sẽ huy động được nguồn lực ngoài Nhà nước để cùng với nguồn lực Nhà nước bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đó là nguồn lực rất quan trọng, không chỉ về tài chính mà còn cả nhân lực, trí tuệ, công nghệ...

- Theo ông, các quy định về cơ chế chia sẻ lợi ích, khai thác, sử dụng di sản, hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa... trong dự thảo Luật đã đủ sức hấp dẫn tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa?

- Hoạt động xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện được quy định trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) khá rộng, nhiều nội dung (13 nội dung - PV), từ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê đến bảo quản, tu bổ, phục hồi, tuyên truyền, quảng bá…

Điều chúng tôi lo nhất là cách thức thực hiện sau này sao cho hiệu quả. Để đạt được mục tiêu đó, không chỉ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật này, mà các quy định áp luật khác có liên quan cũng phải được điều chỉnh để bảo đảm thống nhất, đồng bộ. Cần nghiên cứu cách thức thực hiện, xác định tỷ lệ tham gia của (ngân sách) Nhà nước và xã hội một cách phù hợp, trên cơ sở tính chất, nội dung, quy mô của dự án hợp tác và khả năng cân đối ngân sách nhà nước, sự tham gia của tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt, phải quy định nội dung, cơ chế về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các bên để họ muốn làm và được làm; đồng thời có cơ chế kiểm soát, giám sát, để kịp thời phát hiện vi phạm hoặc khó khăn, vướng mắc, từ đó chấn chỉnh, khắc phục, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Lĩnh vực di sản văn hóa sẽ được áp dụng PPP

- Thực tế, nguồn kinh phí bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa còn rất thấp so với nhu cầu. Thế nhưng, lĩnh vực văn hóa lại chưa được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đây một vấn đề bị "kêu" nhiều nhất trong các cuộc giám sát, khảo sát, phiên giải trình của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thời gian qua...?

- Đúng vậy. Việc chưa có quy định về đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực văn hóa dẫn tới vướng mắc trong quản lý, sử dụng, khai thác di sản văn hóa. Các địa phương đang rất cần khai thác, phát huy giá trị di sản bền vững, vừa bảo tồn và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch. Không có cơ chế, chính sách, ưu đãi thuế cho chi phí sản xuất, trong khi lợi nhuận lại không cao, nhiều rủi ro khi đầu tư, khó thu hồi vốn, nên khó khăn trong thu hút sự tham gia của doanh nghiệp.

- Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã giải quyết vướng mắc này như thế nào, thưa ông?

- Hợp tác công tư được đưa vào Điều 100, dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan. Theo đó, khẳng định di sản văn hóa là lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP (được bổ sung vào khoản 1, Điều 4, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PV). Bên cạnh đó, quy mô tổng mức đầu tư lĩnh vực di sản văn hóa không hạn chế theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhằm tạo sự linh hoạt, phù hợp với năng lực và nhu cầu của lĩnh vực này.

Quan trọng nhất là công khai, minh bạch

- Quỹ bảo tồn di sản văn hóa cũng là một phương thức xã hội hóa, song đang còn có ý kiến khác nhau. Theo ông, có cần quỹ này không? Nếu có, cần quy định như thế nào để bảo đảm tính khả thi của quỹ cũng như đóng góp thiết thực vào bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam?

- Cá nhân tôi cho rằng cần có Quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Chúng ta đã có thực tiễn tại Thừa Thiên Huế, 2 năm qua Quỹ bảo tồn di sản Huế kêu gọi được các tổ chức, cá nhân đóng góp và tiếp nhận hơn 8 tỷ đồng. Một phần quỹ này được sử dụng trùng tu công trình lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dũ. Hơn nữa, Quỹ bảo tồn di sản văn hóa khác các quỹ khác hiện có như Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch hay Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, ở chỗ ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ. Theo dự thảo Luật, nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài...

Công trình lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dũ được trùng tu từ nguồn của Quỹ bảo tồn di sản Huế - Ảnh: TTBTDTCĐH

Qua khảo sát, giám sát, lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân cho thấy, Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là nguyện vọng của những người làm văn hóa. Để đạt hiệu quả như mong muốn, tôi nghĩ quan trọng nhất phải có các quy định cụ thể, phù hợp và khả thi, bảo đảmhoạt động của Quỹ công khai, minh bạch, kỷ cương, không bị trục lợi hay xảy ra tham ô. Cần quy định rõ nguồn thu, nhiệm vụ chi, và xác định các nhiệm vụ của Quỹ thực sự cấp thiết trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

- Xin cảm ơn ông!

Nhật Linh thực hiện

To Top