Nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp trong CAND: Bứt phá với nhiều kỳ vọng mới!

Trong những năm gần đây, các đơn vị nghệ thuật trong CAND liên tục ghi dấu ấn với hàng loạt chương trình, vở diễn quy mô lớn, chất lượng cao.

Sự nỗ lực của các nghệ sĩ – chiến sĩ trong lực lượng CAND không chỉ mang về nhiều “trái ngọt” cho các tập thể, cá nhân từng đơn vị mà còn tạo động lực mới, với nhiều kỳ vọng mới về những bứt phá lớn hơn nữa của nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp.

Nâng tầm và nâng vị thế của nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp

“Ngạc nhiên và nhiều bất ngờ” là nhận định chung của nhiều người làm nghệ thuật, nhất là các nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc, gắn bó lâu năm với dàn nhạc kèn của Đoàn Nghi lễ CAND thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động trong 5 năm trở lại đây. Cùng với chủ trương của lãnh đạo Bộ Công an về việc đưa dàn nhạc kèn biểu diễn phục vụ công chúng, phục vụ cộng đồng, hàng trăm buổi biểu diễn, diễu hành đã được dàn nhạc này, cùng với các nghệ sĩ biểu diễn ca, múa, nhạc khác của Đoàn Nghi lễ CAND tổ chức thành công, phục vụ nhân dân trên nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Dàn nhạc kèn Đoàn Nghi lễ CAND biểu diễn trong chương trình kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Từ chỗ chỉ làm công tác chuyên môn, phục vụ các hoạt động nghi lễ trong CAND và rất ít người biết tới, đến nay, gần như mỗi dịp lễ lớn của đất nước, của lực lượng CAND, các nghệ sĩ – chiến sĩ của dàn nhạc kèn lại tất bật ngược xuôi phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Gần đây nhất, trong dịp kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ, hàng loạt buổi biểu diễn lớn, nhỏ được các nghệ sĩ Đoàn Nghi lễ CAND biểu diễn, phục vụ đồng đội tại các điểm tập luyện diễu binh, diễu hành cho đại lễ, biểu diễn phục vụ người dân và du khách đến Điện Biên cho đến chương trình nghệ thuật mang tính chất hàn lâm tại Nhà hát Hồ Gươm “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” do Bộ Công an chỉ đạo tổ chức.

Trưởng thành từ Đoàn Ca, múa, nhạc của Nhà hát CAND, Nhà hát Ca múa nhạc CAND nhanh chóng tạo thương hiệu riêng khi liên tục xuất hiện trong nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn lớn, mang tính chất hàn lâm. Bên cạnh đó, Nhà hát còn thực hiện hàng trăm chương trình biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ, nhân dân, từ miền xuôi đến miền núi, từ thành thị đến các vùng sâu, vùng xa của đất nước, các chương trình phục vụ đối ngoại của lực lượng CAND. Nhà hát Kịch CAND (tiền thân là Đoàn Kịch CAND, thuộc Nhà hát CAND) cũng tiếp tục khẳng định được vị trí khó thay thế của một đoàn kịch chuyên nghiệp của lực lượng vũ trang với những màu sắc riêng có qua hàng loạt vở diễn: “Người không cô đơn”, “Cận vệ”, “Trả giá”, “Đông du”…

Cùng với sự yêu mến của khán giả, nhiều tác phẩm đã được ghi nhận bằng các giải thưởng, huy chương cho tập thể và cá nhân. Trong khi đó, Nhà hát Hồ Gươm – thiết chế văn hóa đặc biệt của lực lượng CAND cũng nhanh chóng vươn lên Top 10 nhà hát Opera tuyệt vời nhất ế giới, trở thành điểm đến của nhiều nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật tên tuổi ở trong và ngoài nước…

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá, NSƯT Trần Thị Út Lan, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc CAND cho biết, từ cuối năm 2022, Nhà hát CAND chính thức tách thành Nhà hát Kịch CAND và Nhà hát Ca múa nhạc CAND. Khi tách ra, các đơn vị có điều kiện phát triển chuyên sâu, theo đúng đặc thù của từng loại hình.

Cùng với sự quan tâm của Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Công an, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, các nghệ sĩ của Nhà hát có cơ hội được tham gia nhiều chương trình nghệ thuật lớn, cộng tác với nhiều đơn vị nghệ thuật uy tín, đặc biệt là các đơn vị nghệ thuật biểu diễn âm nhạc mang tính bác học, được biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng như các chương trình Hòa nhạc chào xuân, các chương trình biểu diễn khánh thành Nhà hát Hồ Gươm, kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống của lực lượng CAND, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dàn dựng và biểu diễn nhạc kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh -“Người cầm lái” là dấu mốc đặc biệt của Nhà hát vì đây là thể loại hoàn toàn mới, chưa từng được đơn vị dàn dựng trước đó. Ngoài ra, Nhà hát Ca múa nhạc CAND còn tham gia nhiều chương trình có quy mô lớn khác ở ngoài lực lượng CAND, được đông đảo khán giả đón nhận.

Đầu tư phát triển theo hướng chuyên sâu

Tất bật với công việc hơn, vất vả hơn nhưng các nghệ sĩ đồng thời có nhiều động lực phấn đấu, nhiều cơ hội để cống hiến hơn trên con đường hoạt động nghệ thuật, cho lực lượng CAND. Đây là chia sẻ chung của nhiều nghệ sĩ – chiến sĩ mà chúng tôi ghi nhận được. Thượng tá, NSƯT Trịnh Anh Thông, Phó Trưởng đoàn Nghi lễ CAND cho biết, các nghệ sĩ trong Dàn nhạc kèn của Đoàn Nghi lễ CAND đều được đào tạo bài bản trong các trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp. Tuy nhiên, vì điều kiện công tác nên trước đây các nghệ sĩ ít có điều kiện biểu diễn phục vụ nhân dân. Là nghệ sĩ, ai cũng mong muốn được lao động, sáng tạo thật nhiều, được đông đảo khán giả yêu mến.

Nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc CAND biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng tại Nhà hát Hồ Gươm.

“Chúng tôi vẫn nói với nhau “trống năng rèn, kèn năng thổi”. Khi biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, đặc biệt là tham gia các chương trình biểu diễn chuyên nghiệp, quy mô lớn, dàn nhạc được quan tâm đầu tư hơn, nhạc cụ mới, hiện đại hơn và nhất là được giao lưu, làm việc cùng các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, nâng cao trình độ hơn rất nhiều”, Thượng tá Trịnh Anh Thông chia sẻ.

Đại tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát Kịch CAND cũng cho hay, khi thành lập Nhà hát Kịch CAND, hoạt động chuyên môn của đơn vị được tập trung đầu tư theo hướng chuyên sâu và ngày càng nâng tầm hơn về chuyên môn. Nhà hát Kịch CAND là đơn vị nghệ thuật nhưng mang yếu tố đặc thù của lực lượng vũ trang. Kịch bản được lựa chọn đầu tư dàn dựng vừa phải đáp ứng các tiêu chí nghệ thuật, mang đậm hơi thở của cuộc sống, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, phản ánh chân thực về những chiến công, cuộc sống chiến đấu, lao động, học tập, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ Công an, chuyển tải được thông điệp ý nghĩa, để quần chúng nhân dân hiểu, đồng hành, chia sẻ nhiều hơn với lực lượng CAND. May mắn là nhiều năm trở lại đây, Bộ Công an đã tổ chức các trại sáng tác kịch bản sân khấu, âm nhạc…, nên đơn vị có nguồn tác phẩm dồi dào hơn. Tất nhiên, để có những thành quả như hiện nay, cùng với sự quan tâm chăm lo của các cấp lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ của Nhà hát phải nỗ lực cố gắng rất nhiều. Hiện tại, cả Nhà hát Kịch CAND và Nhà hát Ca múa nhạc CAND chưa có nơi biểu diễn, chỉ có một trụ sở chung, một nơi tập chung nên phải cố gắng, sắp xếp để hoàn thành mục tiêu đề ra hàng năm. Chắc chắn, khi bộ máy hoạt động, cơ sở vật chất được hoàn thiện, các đơn vị sẽ còn đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong thời gian tới.

Về vấn đề này, Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị cho biết, phát triển nghệ thuật chuyên nghiệp cùng với lực lượng hoạt động nghệ thuật không chuyên là chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa, văn nghệ. Đối với lực lượng CAND, văn hóa, văn nghệ là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng nên phẩm chất người Công an cách mạng.

Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết 05/NQ-ĐUCA về nâng cao chất lượng công tác văn hóa, văn nghệ đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CAND cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Nghị quyết 05 đã thể hiện hầu hết quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác văn hóa, văn nghệ. Về nghệ thuật chuyên nghiệp, Bộ Công an cũng đã quan tâm đầu tư nâng cấp các đơn vị. Lực lượng CAND có Nhà hát Kịch CAND, Nhà hát Ca múa nhạc CAND, Nhà hát Hồ Gươm, Đoàn Nghi lễ CAND, Đoàn Nghệ thuật trống hội CAND. Phát triển nghệ thuật chuyên nghiệp trong CAND là chủ trương đúng đắn nhằm đáp ứng nhu cầu sống tinh thần ngày càng cao của cán bộ chiến sĩ và nhân dân. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật, hoạt động biểu diễn của các nghệ sĩ, nghệ thuật biểu diễn góp phần quan trọng xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh về tư tưởng, giáo dục thẩm mỹ, chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, nhân văn trong CAND.

N.Nguyễn

To Top