Vận động sáng tác văn học nghệ thuật về nghề báo

Các tác phẩm dự thi nêu bật những nét đặc trưng, đặc thù riêng của nghề báo, người làm báo so với các ngành khác; giới thiệu nhân tố điển hình trong nghề báo.

Chiều 17/6, Tạp chí Người à Nội (Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội) đã tổ chức Lễ phát động “Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về nghề báo – người làm báo Thủ đô và cả nước 2025”.

Lễ phát động “Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về nghề báo – người làm báo Thủ đô và cả nước 2025”. (Ảnh: Hà Anh)

Tại Lễ phát động, nhà báo Vương Minh Huệ - Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức Cuộc vận động, cho biết nghề báo, người làm báo đã trở thành một đề tài sáng tác ở nhiều thể loại như: điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh, văn học...

Các tác phẩm này đã góp phần động viên thôi thúc các nhà báo thêm vững tin vào nghề đã chọn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, sáng tạo những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống và có tính chiến đấu cao, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Theo đó, “Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về nghề báo – người làm báo Thủ đô và cả nước 2025” là hoạt động thiết thực kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, đặc biệt hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025).

Cuộc vận động dành cho các văn nghệ sĩ chuyên và không chuyên; các nhà báo, phóng viên; công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động trong và ngoài nước; người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động tại Việt Nam.

Tác phẩm dự thi thể hiện một số nội dung: ca ngợi, làm nổi bật ý nghĩa cũng như vai trò, sứ mệnh quan trọng của nghề báo, người làm báo và báo chí cách mạng Việt Nam; thông tin, phản ánh những công việc thường nhật của người làm báo trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Đây là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang cùng những đóng góp quan trọng, to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng là dịp để tôn vinh những cống hiến vì sự nghiệp báo chí của người làm báo.

Thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật góp phần tái hiện và lan tỏa hình ảnh những người làm báo và nghề báo; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người làm báo đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước; bồi đắp, giáo dục niềm tự hào, lòng yêu nghề, quyết tâm phấn đấu trở thành những người làm báo chân chính, góp phần vào công cuộc xây dựng Thủ đô và đất nước.

Bên cạnh đó, tác phẩm dự thi nêu bật những nét đặc trưng, đặc thù riêng của nghề báo, người làm báo so với các ngành khác trong xã hội; nêu gương, giới thiệu nhân tố điển hình tiên tiến trong nghề báo.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS. TS. Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, cũng khẳng định văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, mỗi sáng tác là một vũ khí sắc bén chống lại các tư tưởng thù địch.

Theo ông, hiện nay có nhiều cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật nhưng đây là cuộc vận động mang nhiều ý nghĩa, nhằm động viên, khích lệ văn nghệ sĩ sáng tác về nghề báo, một trong những nghề cao quý.

Từ những ý nghĩa thiết thực mà cuộc vận động hướng đến, Ban tổ chức mong muốn các văn nghệ sĩ sẽ lắng nghe những chuyển động của báo chí để có thể phản ánh sâu sắc hơn, rõ nét hơn nữa về nghề báo, về những người “thư ký của thời đại”.

Nhà báo Vương Minh Huệ cũng hy vọng cuộc vận động sẽ góp phần lan tỏa hình tượng những người làm báo qua các tác phẩm văn học nghệ thuật, để hình ảnh của những người làm báo chân chính đến gần hơn nữa trái tim của độc giả.

Tiếp nhận tác phẩm dự thi: Sau khi phát động đến hết ngày 17/5/2025.

Tác phẩm dự thi phải là sáng tác mới, chưa dự thi ở cuộc thi nào, chưa từng đoạt giải thưởng các cấp khác và không có sự tranh chấp về bản quyền tác phẩm, quyền tác giả. Tác phẩm dự thi thuộc ba thể loại: Ca khúc, Thơ, Kịch ngắn.

+ Thể loại Ca khúc: Được thể hiện bằng bản ký âm, được đánh máy hoặc viết tay trên khổ giấy A4, dưới tên tác phẩm phải ghi rõ tác giả phần lời và phần nhạc; trường hợp đồng tác giả thì ghi đầy đủ thông tin của các tác giả.

+ Thể loại Thơ: Tác phẩm dự thi sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, đánh máy trên một mặt giấy khổ A4. Dưới mỗi bài dự thi cần ghi rõ tên thật, địa chỉ, điện thoại và email (nếu có). Mỗi tác giả dự thi chỉ dùng một bút danh.

+ Thể loại Kịch ngắn: Tác phẩm dự thi sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, đánh máy trên một mặt giấy khổ A4, đảm bảo quy định yêu cầu về một tác phẩm kịch bản sân khấu.

Lễ tổng kết, trao giải và công diễn các tác phẩm đoạt giải dự kiến diễn ra vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

Hà Anh

To Top