Bắc Giang: ATK II Hiệp Hòa 'địa chỉ đỏ' về giáo dục truyền thống yêu nước

Trước Cách mạng Tháng Tám, đình Chợ Vân, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) là nơi diễn ra cuộc diễn thuyết của cán bộ cách mạng phát động cao trào kháng Nhật, đánh Pháp, giành chính quyền về tay nhân dân. Đây cũng là một trong 8 điểm di tích lịch sử của An toàn khu (ATK) II Hiệp Hòa vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.

Nhân dân thăm Nhà trưng bày truyền thống tại khu vực đình Chợ Vân

Dấu son lịch sử

Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa giành chính quyền, ATK II Hiệp Hòa là địa bàn chiến lược về vị trí địa lý và quân sự. Nơi đây diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với tên tuổi các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ, gắn với mỗi gia đình, người dân và trong di tích ATK II Hiệp Hòa. Tiêu biểu có 3 địa điểm là gia đình và 5 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có đình Chợ Vân.

Đình Chợ Vân xưa thuộc tổng Hoàng Vân, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc, nay thuộc thôn Hoàng Liên, xã Hoàng An (Hiệp Hòa). Đình được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) và được tu sửa ở thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đình chợ Vân được hạ giải vào năm 1984. Thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại đình Chợ Vân diễn ra nhiều cuộc mít tinh, tuyên truyền lớn do cán bộ cách mạng tổ chức và chỉ đạo thực hiện.

Trên đà thắng lợi ở Xuân Biều (xã Xuân Cẩm) và Trung Định (xã Mai Trung), nhân dân vô cùng phấn khởi, khí thế cách mạng sục sôi, uy thế của Mặt trận Việt Minh ngày càng nâng cao. Tại đình Chợ Vân, ngày 15/3/1945, đồng chí Lê Thanh Nghị, khi ấy là Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ và đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, Bí thư Ban cán sự tỉnh chỉ đạo Chi bộ Hoàng Vân và Mặt trận Việt Minh địa phương tổ chức cuộc tuyên truyền vào ngày chợ phiên nhằm phát động cao trào kháng Nhật cứu nước.

Nội dung cuộc diễn thuyết nêu rõ tinh thần cơ bản của Nghị quyết hội nghị Ban Thường vụ Trung ương (9/3/1945). Các đồng chí đã phân tích tình hình thế giới, trong nước, chỉ rõ kẻ thù chính của nhân dân ta trước mắt lúc này là phát xít Nhật và phát động quần chúng phá kho thóc của Nhật, Pháp giải quyết nạn đói.

Tiếp đó, để biểu dương lực lượng, ngày 16/3/1945, Ban cán sự tỉnh tổ chức cuộc mít tinh lớn tại đình Chợ Vân. Sau cuộc mít tinh, tự vệ chiến đấu, nhân dân kéo đi phá kho thóc đồn điền. Sự kiện này tác động mạnh mẽ tới phong trào cách mạng ở các vùng xung quanh, góp phần vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước.

Phát huy giá trị di tích

Dưới tán đa cổ thụ sum suê, nhiều bậc cao niên và lãnh đạo địa phương chia sẻ: Gần 60 năm trước, ngôi đình là điểm dạy, học của thôn, xã. Năm 1965, 1966, trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, ngôi đình là nơi chứa các linh kiện máy móc của lực lượng phòng không không quân.

Di tích đình Chợ Vân.

Ngày 10 tháng Giêng hằng năm, địa phương tổ chức hội đình Chợ Vân. Trong ngày hội có nhiều hoạt động như hát quan họ, các trò chơi dân gian, thi đấu bóng chuyền hơi, cờ tướng, kéo co… Ngoài ra, vào ngày 10 tháng 4 âm lịch hằng năm có lễ cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng khỏe mạnh.

Các nghi lễ này được khôi phục từ năm 2012 đến nay, sau 66 năm bị gián đoạn. Ông Dương Văn Phượng, Trưởng Ban khánh tiết đình Chợ Vân cho biết, kể từ khi các nghi lễ được khôi phục, nhân dân địa phương thường xuyên công đức đồ thờ, quan tâm tôn tạo di tích, bảo đảm cảnh quan môi trường.

Còn chợ Vân, trải qua thời gian song vẫn giữ được giá trị văn hóa truyền thống, trở thành nơi mua bán hàng hóa của người dân. Ngoài chiêm ngưỡng hệ thống di tích lịch sử, đến chợ Vân du khách bị cuốn hút bởi nhiều đặc sản của địa phương như trám đen Hoàng Vân, bánh chưng. Chợ họp vào các ngày 2, 4, 7, 9 âm lịch.

Đồng chí Bùi Duy Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng An cho biết, những năm gần đây, nhiều hoạt động báo công dâng Bác, kết nạp đoàn viên, đội viên, phát động lễ ra quân của đoàn thanh niên, các nhà trường... được tổ chức tại đình Chợ Vân.

Qua đó giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, niềm tự hào cho thế hệ trẻ. Đối với chợ Vân và khu vực xung quanh, tới đây, chính quyền địa phương có chủ trương đầu tư một số hạng mục phụ trợ, cải tạo khuôn viên, hồ, trồng cây cảnh; nâng cấp gian nhà trưng bày truyền thống từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 4 tỷ đồng.

Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, nhân dân xã Hoàng An luôn đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương. Năm 2015, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, hiện khoảng 70% số hộ có nhà kiên cố; đời sống nhân dân ngày càng nâng lên. Đảng bộ và nhân dân xã Hoàng An đang tiếp tục viết thêm những trang sử vẻ vang, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Công Doanh

To Top