Nếu dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ có những điều kiện tốt

Đó là đề xuất của Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) tại Hội thảo Khoa học 'Thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)' do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức chiều 25/4.

Báo Kinh tế & Đô thị và Trường Đại học Luật à Nội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Vân chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Khánh Huy

Đồng thuận cao với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) bày tỏ, Hiệp hội được UBND TP Hà Nội ban hành quyết định thành lập 10 năm qua, hiện đang quy tụ hàng trăm doanh nghiệp đang trực tiếp hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô.

Cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi, đồng thuận cao với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, bổ sung nội dung riêng Điều 16 trong dự thảo Luật về “Thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, mà trước đây, Luật Thủ đô năm 2012 chưa có.

Việc Báo Kinh tế & Đô thị - cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội, cùng Trường Đại học Luật Hà Nội - cơ sở giáo dục đào tạo hàng đầu với gần 45 năm hình thành, phát triển - cung ứng nhiều thế hệ sinh viên hiện đã, đang là “nhân lực” chủ chốt tại các cơ quan, công sở, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, phối hợp tổ chức hội thảo khoa học này hết sức ý nghĩa, thiết thực và được cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm.

Thời gian qua, Hiệp hội đã đóng góp ý kiến về dự thảo Luật thông qua các tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp như: VCCI; cơ quan cấp trên như: UBND TP, Sở Tư pháp TP Hà Nội. Qua hội thảo này, HANSIBA đề xuất các cấp ngành Trung ương, TP Hà Nội cần sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô lần này, ngay sau khi được Quốc hội thông qua tới đây.

Để Luật thực sự đi vào đời sống Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp của Thủ đô nói riêng, doanh nghiệp cả nước nói chung, cùng khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi thực hiện hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Thủ đô sẽ có những điều kiện tốt nhất. Cũng như có trách nhiệm để đóng góp phát triển, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày thêm tươi đẹp.

Thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Đặng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển N&G (N&G Group) thành viên Tập đoàn N&G cho hay, để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, trong đó ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao có vai trò rất quan trọng để phát triển.

Đặc biệt, xu thế phát triển chíp bán dẫn hiện nay trên thế giới, Thủ đô Hà Nội là địa chỉ lý tưởng của Việt Nam để thực hiện, với địa lý - hạ tầng cứng tốt nhất cả nước về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ đô thị… Cùng với cơ chế mềm là Luật Thủ đô (sửa đổi) ban hành tới đây và các chính sách đã có… nhất là nguồn chất xám - nguồn lực lao động chất lượng và công nhân kỹ thuật cao đó chính là nhân tài, là điều kiện cần và đủ vô giá của Thủ đô phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Thanh Đặng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển N&G (thành viên Tập đoàn N&G) đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Khánh Huy

Do đó, Hà Nội cần có giải pháp thu hút, phát triển nhân tài con người cho phát triển Thủ đô. Để làm được việc đó, một trong các nội dung quan trọng là cần Quy hoạch đồng bộ - chuyên sâu cho lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ, cần có các khu công nghiệp - khu công nghệ cao với hệ sinh thái công nghiệp quốc tế phù hợp với ngành công nghệ cao - công nghiệp hỗ trợ và chíp bán dẫn.

Trong đó, cần có khu nghiên cứu sáng tạo - khu sản xuất ứng dụng - khu dịch vụ đô thị hoàn chỉnh, nhà ở chuyên gia - công nhân - kỹ thuật cao cùng với y tế - giáo dục - văn hóa - thể thao - thương mại dịch vụ tổng hợp, ngân hàng, hải quan, logictics… Để người lao động chất lượng cao an tâm làm việc sinh sống đóng góp phát triển Thủ đô. Điển hình Hà Nội có 2 "quả đấm thép" là Khu Công nghệ cao Hòa lạc và Khu Công nghệ Hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP), đây chính là địa chỉ rất tốt để cùng các khu công nghệ khác của Thủ đô tham gia phát triển ngành công nghiệp thế hệ mới của thế giới và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội.

Đi kèm phát triển hạ tầng cứng thì cần có chính sách ưu đãi phát triển cho thu hút người tài về Thủ đô, chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp và người dân tham gia sâu rộng không giới hạn phát triển Thủ đô. Làm được vậy, công đồng doanh nghiệp tin sự nghiệp phát triển Thủ đô sẽ nâng lên tầm cao mới, xứng đáng góp phần lớn lao phát triển đất nước hơn nhiều lần như hiện nay.

Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Trịnh Thị Ngân nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Khánh Huy

Cũng tại hội thảo, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) Trịnh Thị Ngân cho hay, để thu hút được nhân tài, xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã kế thừa quy định của Luật Thủ đô năm 2012 và có những điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, hiệu quả hơn.

Các chính sách thu hút nhân tài của Hà Nội hiện mới chỉ tập trung vào tuyển dụng đối với một số đối tượng cụ thể; chưa chú trọng đến môi trường làm việc, mức lương, thu nhập, cơ hội học tập, thăng tiến và các đãi ngộ khác, chưa tạo được sự cạnh tranh so với khu vực tư, cho nên chưa đủ sức hấp dẫn. Phạm vi các đối tượng được áp dụng chính sách trọng dụng còn hạn chế, số lượng người được tuyển dụng nói chung còn ít. Kinh phí hỗ trợ còn thấp, lại không có thêm chính sách ưu đãi nào khác về lương và thu nhập so với các cán bộ, công chức, viên chức khác, vì vậy, chưa thu hút được các nhóm đối tượng như chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân...

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần "có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế". Ðể cụ thể hóa yêu cầu này, Ðiều 16 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung hai khoản mới: khoản 1 là về thu hút, trọng dụng người có tài năng và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Ðối tượng thu hút bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô.

Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đã thành lập 29 năm. Doanh nghiệp Hà Nội đã đóng góp 70 - 80% nộp ngân sách cho TP. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã quan tâm đến công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân lực để phục vụ cho doanh nghiệp đáp ứng với nền công nghiệp hiện đại hóa và chuyển đổi số.

"Các chính sách của Thủ đô thời gian qua đã nâng cao chất lượng đội ngũ công chức nhằm phục vụ doanh nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, còn một số bất cấp do vậy, việc bổ sung sửa đổi là hết sức quan trọng, tại hội thảo hôm nay chúng tôi được nghe 6 chuyên gia của Trường Đại học Luật tại Hội thảo Khoa học "Thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao" rất phù hợp và kịp thời để đưa ra các giải pháp để Luật ban hành đi vào cuộc sống.

Chúng tôi kiến nghị cần có chính sách như hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp được đưa những chi phí đào tạo chất lượng cao trong và ngoài nước để doanh nghiệp được đào tạo lại nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp" - bà Trịnh Thị Ngân nêu ý kiến.

Khắc Kiên (ghi)

To Top