Bài 2: Thiếu thiết chế văn hóa, công nhân nghèo tinh thần

Sau những giờ lao động trong phân xưởng và vào các ngày nghỉ cuối tuần, thực tế không hẳn CNLĐ nào cũng có nhu cầu vui chơi, giải trí, luyện tập thể thao vì phải bận bịu, lo toan chuyện gia đình, con cái, nhưng anh chị em rất mong muốn trên địa bàn KCN có nhà trẻ, mẫu giáo, trường học để không phải gửi con cái về quê cậy nhờ ông bà chăm nuôi.

Trong khi đó, hầu hết CNLĐ trẻ chưa lập gia đình rất muốn có cả không gian và thời gian dành cho các hoạt động văn hóa, thể thao, giao lưu, kết bạn nhằm tăng tính tương tác xã hội, bớt đi những giờ phút cô đơn, nhạt nhẽo...

Cần hoạt động thì đi thuê địa điểm

Đứng từ trên cao nhìn xuống, KCN Lễ Môn trên địa bàn phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) có những dãy nhà xưởng nằm sát nhau và các đường nội bộ được quy hoạch ngay hàng thẳng lối. Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2007, KCN Lễ Môn hiện có 18 doanh nghiệp hoạt động, thu hút hơn 25.000 CNLĐ. Từ 66ha ban đầu, đến nay KCN Lễ Môn đã mở rộng quy mô diện tích lên 88ha, nhưng 14 năm qua, trên địa bàn KCN vẫn chưa xây dựng công trình văn hóa công cộng nào phục vụ CNLĐ.

Một số công nhân ở Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh phải bỏ tiền cá nhân để thuê sân bóng đá mới có chỗ chơi.

Ông Ngô Thế Anh, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa cho biết, vì thiếu thiết chế văn hóa, các tổ chức công đoàn cơ sở ở KCN muốn tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao thì chủ yếu nhờ các nhà ăn tập thể của các doanh nghiệp hoặc đi thuê. “Khi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho CNLĐ, chúng tôi phải đổi tên mình thành cái tên “Trần Văn Thuê”, tức là phải chủ động đi thuê địa điểm thì mới có nơi tổ chức sự kiện”, giọng ông Ngô Thế Anh tự trào nghe mà chạnh lòng.

Chúng tôi đến Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, một trong những doanh nghiệp FDI của Nhật Bản đã đi vào hoạt động sớm nhất trong KCN Lễ Môn, chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Anh Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam làm cán bộ công đoàn chuyên trách được chục năm, nên rất am hiểu đời sống, tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ.

Trò chuyện với chúng tôi trong căn phòng nhỏ gọn được bố trí ngay cạnh nhà ăn công ty, anh không giấu nỗi niềm trăn trở khi nhiều năm nay, hơn 12.000 CNLĐ của công ty vẫn chủ yếu làm lụng miệt mài mà ít có điều kiện vui chơi, giải trí. “Chúng tôi muốn tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao nào đều phải đi thuê hết. Tổ chức giải bóng đá: Thuê sân. Tổ chức thi đấu bóng chuyền: Thuê nhà luyện tập thể thao. Tổ chức hội thi văn nghệ quần chúng: Lấy nhà ăn làm sàn diễn. Nhưng tiền thuê cũng là kinh phí công đoàn bỏ ra, là tiền của người lao động đóng góp cả, nên có phải thuê mãi được đâu”, anh Quang tâm sự.

Anh Quang cho biết thêm, qua khảo sát, tìm hiểu nhu cầu của CNLĐ, ở lứa tuổi 18-25 thì cả nam và nữ đều muốn có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn nữa để có điều kiện giao lưu, kết bạn. Ở lứa tuổi 25-35 khi đã lập gia đình thì CNLĐ muốn có nhà trẻ, mẫu giáo, trường học... để họ sinh con có chỗ nương nhờ, gửi gắm, chứ không phải đưa con về cho ông bà nội ngoại chăm nuôi. Hiện nay, trong công ty có khoảng 3.000 CNLĐ có con nhỏ phải gửi về quê cho ông bà nuôi. Cuối tuần muốn về thăm con nhỏ, anh chị em lại phải đi xe máy, đường ngắn thì đôi ba chục cây số, dài thì dăm bảy chục cây số trở lên. Cả tuần làm việc cần mẫn trong công xưởng, cuối tuần tất tả, lặn lội đường dài về thăm con thì còn đâu thời giờ vui chơi, mà muốn chơi thì cũng chẳng có chỗ mà chơi cho phù hợp với điều kiện thời gian và mức thu nhập.

Nghe anh Quang chia sẻ, chúng tôi liên tưởng đến cuộc trò chuyện với bà Phạm Thị Minh, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Hơn 20 năm gắn bó với hoạt động công đoàn, bà Minh rất hiểu tâm tư, hoàn cảnh của CNLĐ, nhất là lao động nữ. Bà Minh cho hay, hơn 80% lao động nữ làm công nhân may trong doanh nghiệp. Cả ngày làm việc trong phân xưởng, nhiều chị em cảm thấy chân tay, xương khớp mỏi nhừ. “Nhiều chị em công nhân từng nói với tôi, chúng em chẳng ước mơ gì xa xôi, chỉ mong muốn mỗi tuần công ty dành khoảng 30 phút tạo điều kiện để chị em luyện tập khiêu vũ cho lưu thông huyết mạch, tinh thần thoải mái để mỗi lần bước vào phân xưởng thấy khí thế làm việc tốt hơn. Nhưng mong muốn giản dị đó khó thành hiện thực lắm”, bà Minh nói như than thở.

Chợ cóc tự phát ở cổng Khu công nghiệp Lễ Môn (Thanh Hóa) phục vụ nhu cầu mua bán của công nhân lao động sau khi rời xưởng.

Cách đây hai năm, Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức một cuộc khảo sát quy mô với hơn 54.000 CNLĐ làm việc trong các KCN của tỉnh tham gia. Trong đó hơn 43.000 người (chiếm gần 80%) mong muốn có các thiết chế văn hóa, thể thao, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học phục vụ CNLĐ và con cái họ. Tuy nhiên, hiện nay tại các KCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, các công trình văn hóa, thể thao phục vụ CNLĐ rất hạn chế. Ông Nguyễn Minh Cảnh, Trưởng ban Tuyên giáo, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hầu hết các hoạt động văn hóa, thể thao cho CNLĐ ở các KCN thì địa điểm tổ chức tại nhà ăn của các doanh nghiệp hoặc đi thuê lại nhà văn hóa, nhà (sân) thi đấu thể thao của các địa phương trên địa bàn.

Đầu tư nhỏ giọt cho các hoạt động văn hóa

TP Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của đất nước và là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Hiện thành phố có 9 KCN đang hoạt động, thu hút hơn 300 doanh nghiệp với gần 140.000 CNLĐ, mỗi năm đóng góp gần 40% giá trị sản lượng công nghiệp, gần 60% kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố, nộp ngân sách hơn 2.200 tỷ đồng/năm.

Những năm gần đây, Hà Nội đã quan tâm hơn việc chăm lo đời sống văn hóa cho CNLĐ tại các KCN trên địa bàn. Từ năm 2011 đến nay, LĐLĐ thành phố đã triển khai xây dựng được 47 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trong các KCN. Các điểm sinh hoạt văn hóa này ra đời đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tiếp cận, hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người lao động.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Tuyến, Phó chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội, so với nhu cầu thực tế thì số lượng điểm sinh hoạt văn hóa công nhân còn quá ít. Trong khi đó, tại nhiều điểm sinh hoạt văn hóa này còn thiếu sách, báo, tạp chí, trang thiết bị âm thanh, dụng cụ thể thao phục vụ CNLĐ.

Một cán bộ Ban Tuyên giáo, LĐLĐ TP Hà Nội tiết lộ, sau nhiều năm LĐLĐ thành phố kiên trì đề nghị, đến năm 2017 UBND TP đã hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân. Trong 4 năm qua (2017-2020), thành phố hỗ trợ 2,51 tỷ đồng để xây mới và bổ sung trang thiết bị cho các điểm sinh hoạt văn hóa này.

Nhảy bao bố, môn thể thao quần chúng của công nhân lao động ở Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh).

Từ con số trên, chúng tôi làm một phép tính: Hằng năm, 140.000 CNLĐ ở các KCN Hà Nội đã góp công góp sức tạo ra giá trị xã hội 2.200 tỷ đồng mà thành phố mới hỗ trợ 2,51 tỷ đồng để xây dựng, phát huy vai trò của điểm sinh hoạt văn hóa công nhân. Tính trung bình, mỗi CNLĐ được hỗ trợ, hưởng thụ khoảng 18.000 đồng từ các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân ở các KCN. Quả thật, số tiền hỗ trợ ít ỏi này đã phần nào phản ánh tình trạng đời sống văn hóa CNLĐ ở các KCN trên địa bàn Hà Nội chưa tương xứng với vị thế, nguồn lực và bề dày truyền thống văn hóa của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Giáp ranh với Hà Nội, Bắc Ninh là một tỉnh giàu có về công nghiệp. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 10 KCN hoạt động. Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 1.120 nghìn tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước đạt 28.785 tỷ đồng, quy mô GRDP của tỉnh đạt 204.000 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 7 toàn quốc.

Giá trị vật chất mà các KCN trong tỉnh tạo ra lớn như vậy nhưng đến nay, 130.000 CNLĐ làm việc trong các KCN của tỉnh chưa có bất cứ một thiết chế văn hóa cộng đồng nào dành riêng cho họ. Theo ông Nguyễn Thế Quyết, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Bắc Ninh, một trong những KCN lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh là KCN VSIP Bắc Ninh rộng 500ha, đi vào hoạt động từ năm 2008. KCN này được ví như “trái tim công nghiệp” của xứ sở Kinh Bắc bởi cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thu hút khoảng 40.000 CNLĐ đến làm việc. Hiện nay, trong KCN đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh có một số sân bóng đá, nhà thi đấu bóng bàn, cầu lông,... nhưng CNLĐ muốn vào chơi thì phải trả phí dịch vụ. Trên thực tế, phần đông người lao động phải chắt chiu tiết kiệm từng đồng, dễ gì họ bỏ tiền túi cá nhân đi chơi thể thao!

“Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp tổ chức khảo sát tình hình đời sống văn hóa của CNLĐ ở các KCN tại 13 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Hải Dương, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các KCN trong cả nước chưa có quy hoạch về xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng xã hội và các thiết chế văn hóa phục vụ CNLĐ. Điều kiện sinh hoạt văn hóa, thể thao của CNLĐ hầu như chưa có; mức hưởng thụ về văn hóa của người lao động rất thấp”.

(Bà Vi Thanh Hoài, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Đừng để công nhân thờ ơ với đời sống chính trị của đất nước

Chiều muộn ngày thứ sáu cuối tuần, chúng tôi có mặt ở cổng KCN Lễ Môn (Thanh Hóa). Trước giờ tan ca khoảng 15 phút, có dăm bảy chiếc xe máy chở những sọt quả lủng lẳng ở phía sau xe đứng bên lề đường liên tục phát ra những âm thanh ồn ĩ “Xoài hạt lép, xoài chua ngọt giá rẻ, mười ba nghìn đồng một cân”, “Cam sành ngon giá rẻ, mười lăm nghìn đồng một cân, mua ngay kẻo hết”... Trên quãng đường khoảng 100m, có hàng chục tiểu thương bán bày la liệt đủ thứ mặt hàng, từ rau, củ, quả, ngô, dưa chuột, thịt, đậu, tôm cá... đến khẩu trang y tế, quần áo, giày dép... để phục vụ CNLĐ sau giờ rời xưởng, tan ca.

Đến khu vực chợ cóc, nhiều chị em công nhân dừng xe máy giữa đường tranh thủ mua thực phẩm phục vụ bữa tối. Việc mua bán diễn ra vội vã, chớp nhoáng, ít có sự mặc cả ì xèo vì người bán hình như cũng hiểu hoàn cảnh của người lao động nên bán với giá rẻ, còn người mua cũng muốn trả tiền nhanh gọn để sớm về với gia đình. Cái chợ cóc này, nói như một công an viên ở đó, tuy có làm nhếch nhác cảnh quan, vệ sinh môi trường và ít nhiều gây cản trở giao thông trên đường, nhưng vì nó rất tiện lợi cho CNLĐ vừa tan ca có thể sà ngay xuống đường mua được những thứ mình cần mà không phải lòng vòng ra chợ khác hay vào siêu thị vừa mất thêm thời gian, vừa mất thêm tiền gửi xe. Vì thế, chợ cóc này trở thành nét văn hóa mua bán "nhanh, tiện, lợi, rẻ" của đông đảo CNLĐ ở đây.

Chị Phạm Thị Linh 27 tuổi có hai con nhỏ, quê ở xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) là công nhân Công ty May Việt-Nhật (KCN Lễ Môn). Hơn 4 năm qua, bất kể thời tiết nắng mưa, giá rét, người phụ nữ dáng vóc mảnh khảnh vẫn đi chiếc xe máy Dream cũ sớm tối đi về từ nhà đến công ty trên quãng đường dài 15km. Chị Linh cho hay, may mắn hơn nhiều nữ công nhân khác phải làm tăng ca thêm giờ, mỗi ngày chị chỉ làm 8 giờ đồng hồ, thu nhập hằng tháng khoảng 7 triệu đồng, lại không phải đi thuê trọ nên số tiền đó cũng tạm đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày. Khi chúng tôi hỏi mấy năm vừa rồi chị có được đi tham quan nghỉ mát ở đâu không, chị Linh nói ngay:

- Chưa bao giờ anh ạ!

- Thế công ty có hay tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và tặng quà cho công nhân vào dịp lễ, tết không?

- Ở các công ty khác thì em không rõ lắm, nhưng chỗ công ty em thì không thấy tổ chức hoạt động gì. Vào dịp cuối năm cũng có tổ chức bốc thăm trúng thưởng, ngày lễ, tết thì công nhân bọn em cũng được tặng gói quà.

- Những nữ công nhân như em thường làm gì vào những ngày nghỉ cuối tuần?

- Cuối tuần hả anh? Em ở nhà với hai nhóc con, rồi quanh quẩn với cái bếp, chợ búa, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Lúc nào hết việc nhà thì tranh thủ mở điện thoại ra đọc tin, lướt mạng.

- Tháng 5 tới nước ta tổ chức sự kiện chính trị gì liên quan đến mọi cử tri, chị có nắm được thông tin không?

- Sự kiện gì hả anh? Thôi, em đang vội, anh thông cảm nhé!

Nói rồi, chị Phạm Thị Linh mua mấy mớ rau cải và 500gram thịt lợn cho vào móc xe vội vã nhấn ga, nổ máy. Nhìn người nữ công nhân nhỏ bé ngồi trên chiếc xe máy lao nhanh về phía trước, chúng tôi biết chị đang nóng lòng trở về nhà vì hai đứa con nhỏ chắc giờ này cũng đã tan trường và háo hức đón chờ người mẹ...

“Vì phải làm việc tăng ca, thêm giờ, nhiều CNLĐ không có thời gian nghỉ ngơi, tiếp cận, cập nhật các thông tin thời sự của đất nước, xã hội và ngay tại địa phương mình. Do bận làm việc suốt ngày trong phân xưởng, khi cán bộ công đoàn hỏi người lao động có biết ai thường xuất hiện trên ti vi không thì nhận được câu trả lời gọn lỏn “Cái ti vi nhà em bị phủ bụi lâu rồi”.

(Ông Ngô Thế Anh, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa)

Phóng sự điều tra của THIỆN VĂN-NHÃ TRƯỞNG

(Còn nữa)

To Top