Giúp người trẻ tìm kiếm nét đẹp của tiếng Việt

Thông qua việc đi tìm nguồn gốc các danh từ thú vị, tác giả Hồ Huy Sơn khơi dậy tình yêu tiếng Việt đến độc giả trẻ.

Buổi giao lưu, ra mắt sách Từ những tên riêng với chủ đề "Tiếng Việt mến yêu" diễn ra trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - 2024.

Nhà văn Hồ Huy Sơn (giữa) cùng 2 họa sĩ trong buổi giao lưu tại Đường Sách TP.HCM.

Từ những tên riêng của nhà báo, nhà văn Hồ Huy Sơn là hành trình cùng độc giả xuôi dòng lịch sử, cùng đi qua những tích truyện, tác phẩm và địa danh để hiểu về nguồn gốc tiếng Việt. Từ đó, mỗi người thêm yêu sự phong phú, đa dạng của tiếng mẹ đẻ.

Sách tập hợp 49 mục từ, bao gồm những cái tên người thật việc thật hoặc bước ra từ trang sách, tích truyện dân gian, địa danh... Không chỉ xuất hiện trong các văn bản, những tên riêng này đã trở nên phổ biến trong đời sống hàng ngày, trở thành lời ăn tiếng nói, lối ví von, so sánh.

Những nhân vật như Mạnh Thường Quân, Trương Phi, Lưu Linh đến những cái tên bước ra từ trang sách như Cụ Khốt, Tú Bà, AQ hay từ truyện dân gian như Cuội, nàng Bân, Thị Kính, thậm chí cả những địa danh như Hóc Bà Tó, Chắc Cà Đao, Hợp Phố... Nhiều cái tên từ trong nước và không ít từ nước ngoài. Không chỉ xuất hiện trong các văn bản, những tên riêng này đã trở nên phổ biến trong đời sống hàng ngày.

Nhiều người ví von “Phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Do đó, quyển sách ra đời cũng là cách để giúp độc giả hiểu hơn phần nào về ngữ pháp tiếng Việt.

Nhà thơ Lê Minh Quốc là một trong 10 Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025.

Nhà văn Lê Minh Quốc cho rằng tiếng Việt phong phú về ngữ nghĩa, phức tạp về câu cú. Do đó, việc lý giải nguồn gốc cặn kẽ từng từ là điều không dễ dàng.

Anh đánh giá những tác giả chọn đề tài này không đơn độc, bởi xung quanh họ luôn có sự đồng hành, gắn bó từ những người yêu quý tiếng Việt.

“Chỉ cần có thêm vài người hay thậm chí 1 người cùng viết về tiếng Việt, đó là sự thành công của tác giả”, anh nói. Lê Minh Quốc bày tỏ niềm tin tình yêu với tiếng Việt cùng vẻ đẹp của nó sẽ được lan tỏa rộng hơn trong thời gian tới.

Cũng theo Lê Minh Quốc, việc có thêm người tham gia viết sách về tiếng Việt là một điều đáng mừng. Mỗi tác giả có cách tiếp cận của họ, có cách diễn đạt riêng để hút người đọc. Đây cũng là một cách lan tỏa tình yêu tiếng Việt trong thời buổi hiện đại.

Quyển sách giúp độc giả, đặc biệt là các bạn trẻ có thêm vốn từ, làm giàu tiếng Việt ở mỗi người.

Tác giả Hồ Huy Sơn cho rằng những ấn phẩm về ngôn ngữ, về tiếng Việt hướng đến bạn đọc nhỏ tuổi cần có một cách thể hiện riêng biệt: gần gũi, đẹp mắt, và không thể thiếu yếu tố thú vị. Tác giả tin chính những điều này mới tạo ra nguồn cảm hứng để các em tìm hiểu, khám phá, từ đó thêm yêu tiếng Việt hơn.

“Bởi giống như tôi trước đây, sẽ có rất nhiều em sử dụng từ như một thói quen mà chưa rõ tung tích, nguồn gốc của những tên riêng. Vậy nên, mong muốn các em hiểu đúng để dùng đúng là một trong những động lực giúp tôi hoàn thành cuốn sách này”, anh nói.

Tác giả Hồ Huy Sơn được biết đến là nhà báo, nhà văn, nhà thơ gần gũi với độc giả qua những tập thơ, truyện ngắn như Con trai con gái (2007); Thả chim về trời (2012); Đi qua những mùa vàng (2017); Một cảnh không có trên phim (2018); Những ngọn đèn thơm (2022); Xin chào ngày nắng đẹp (2023)…

Những năm qua, NXB Kim Đồng đầu tư tổ chức các bản thảo và xuất bản loạt tác phẩm liên quan đến ngôn ngữ, đến tiếng Việt để giúp độc giả, đặc biệt là bạn đọc nhỏ tuổi thêm hiểu và yêu hơn tiếng Việt, như: Chuyện kể thành ngữ (Phạm Đình Ân biên soạn), Vào đời bằng lời ca dao (Phạm Đình Ân biên soạn), Chuyện kể thành ngữ Anh – Việt (Tuyết Hường, Ngọc Mỹ biên soạn), Từ vay hay dùng (Thùy Dung biên soạn), Chơi chữ (Nguyễn Như Mai)...

Tuấn Chiêu

To Top