'Chúng tôi ủng hộ chủ trương tiếp tục xây dựng hồ sơ Yên Tử trình UNESCO'

Cuối tháng 1 vừa qua, Chính phủ đã đồng ý gửi báo cáo tóm tắt hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử đề nghị UNESCO đưa vào danh sách dự kiến lập hồ sơ Di sản thế giới. Trước đó, để từng bước xây dựng Hồ sơ đề cử 'Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử ' trình UNESCO xem xét, ghi vào Danh mục Di sản Thế giới theo đúng quy định của Công ước Di sản Thế giới 1972 và pháp luật về di sản văn hóa, tại Quảng Ninh đã diễn ra nhiều hội nghị, hội thảo với sự tham gia ý kiến rất quý báu của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý.

Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH,TT, DL), Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, về việc xây dựng bộ hồ sơ này.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý.

- Thưa Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, bà đánh giá thế nào về việc lập hồ sơ di sản thế giới cho Yên Tử?

+ Việc đề cử di sản văn hóa Việt Nam vào danh sách của UNESCO luôn mang lại cho quốc gia, dân tộc vinh dự lớn và những cơ hội đặc biệt để phát triển. Tuy nhiên, việc lựa chọn đúng các di sản để đề cử sẽ quyết định sự thành công nhiều hay ít trong công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử đã được đưa vào danh sách các di sản dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO từ 23/9/2014. Từ đó đến nay, 6 năm đã qua, một số câu hỏi và thách thức đã đặt ra trong quá trình lập hồ sơ cho Yên Tử.

6 năm qua, chúng ta vẫn băn khoăn trước một số vấn đề: Giá trị nào của di tích, danh thắng phù hợp với những tiêu chí của hồ sơ di sản thế giới; phạm vi nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, những điểm di sản trong hồ sơ đề cử lựa chọn thế nào để vừa đáp ứng tiêu chí về giá trị di sản và vừa khả thi trong quản lý, bảo vệ. Trong trường hợp không khả thi đối với việc đề cử vào danh sách di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới liệu có nên chọn một di sản văn hóa phi vật thể để đề cử vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vườn tháp Huệ Quang.

- Trong những di sản văn hóa phi vật thể đó, bà có quan tâm đến lễ hội xuân Yên Tử?

+ Thực tế thì Quảng Ninh nói chung và các địa danh liên quan đến quần thể di tích danh thắng Yên Tử nói riêng chắc chắn có rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể và có thể có di sản nào đó đủ điều kiện để đưa vào danh sách của UNESCO. Còn riêng lễ hội xuân Yên Tử tổ chức vào đầu năm thì chưa đủ điều kiện vì chưa đáp ứng được các tiêu chí của UNESCO.

Trong tương lai, tôi nghĩ nếu nhận diện được các di sản phi vật thể ở vùng cận Yên Tử như ở Quảng Yên, Đông Triều... thì sẽ góp phần làm tăng thêm giá trị, sức sống cho quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Nhưng đó là câu chuyện lâu dài và chưa thể hiện hữu trong khoảng dăm năm tới được.

- Bà có thể giải thích rõ hơn được không, thưa Tiến sĩ?

+ Hiện Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia thành viên đã có khá nhiều di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh. Vì vậy, 2 năm được đề cử 1 lần đối với di sản được đề cử vào danh sách đại diện và mỗi năm một lần đối với danh sách cần bảo vệ khẩn cấp. Hiện có 3 hồ sơ đã nộp gồm: Xòe Thái, nghệ thuật gốm Chăm, nghề làm tranh Đông Hồ và 2 di sản đang dự kiến lập hồ sơ gồm Mo Mường và lễ hội Bà Chúa xứ núi Sam. Nếu Quảng Ninh có kế hoạch lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể để trình UNESCO từ bây giờ thì tới năm 2028 mới đến kỳ hạn được xét.

Bình minh trên chùa Đồng.

- Khi lập hồ sơ cho Yên Tử , theo bà, chúng ta nên tập trung vào tiêu chí nào của UNESCO?

+ Chúng tôi cho rằng dù chỉ 1 tiêu chí nhưng việc nhận diện, mô tả cụ thể, rõ ràng và đầy đủ thì còn hơn là dăm ba tiêu chí mà cơ sở chứng lý chung chung, đôi khi trùng lặp giữa tiêu chí này với tiêu chí khác. Trong các tiêu chí được đề xuất, chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến tiêu chí số 5 và cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu nhận diện các giá trị liên quan đặc biệt là những giá trị văn hóa phi vật thể để tích hợp vào hồ sơ.

Tiêu chí số 5 yêu cầu địa danh phải là một ví dụ nổi bật về một hình thức cư trú truyền thống của con người, việc sử dụng đất đai hay biển cả, đại diện cho một nền văn hóa hoặc sự tương tác giữa con người và môi trường. Theo tiêu chí này, bản đề xuất đã mô tả: Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là minh chứng đặc sắc về sự tương tác giữa con người và môi trường cảnh quan thiên nhiên, truyền thống cư trú liên tục của con người, thể hiện qua việc những tín đồ đạo Phật từ hàng nghìn năm trước tới ngày nay đã sử dụng vùng cảnh quan thiên nhiên danh sơn Yên Tử linh thiêng, huyền bí để xây dựng và hình thành nên một trung tâm Phật giáo với sự hiện diện của một quần thể các công trình kiến trúc đồ sộ được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng.

Mai vàng Yên Tử.

- Như vậy, để chứng minh được theo tiêu chí số 5 như bà vừa kể thì chúng ta phải làm gì?

+ Để làm nổi bật tiêu chí số 5 cần sử dụng phương pháp nghiên cứu nhân học, văn hóa học để chứng minh sự có mặt của con người đã sinh sống trên vùng đất này qua nhiều thế hệ. Phải nhận diện được những cộng đồng có liên quan hiện đang nắm giữ những truyền thống văn hóa và hiện đang tương tác với môi trường cảnh quan ở đây và chỉ ra những biểu đạt văn hóa mà họ đã sáng tạo nên, trao truyền, tiếp tục thực hành đến ngày nay được coi là bản sắc của chính họ.

Chúng ta cần chỉ ra cụ thể đó là những gì: Di sản thuộc loại hình truyền khẩu, tri thức về tự nhiên và vũ trụ cũng như những nghi lễ, phong tục tập quán có liên quan đến con người và môi trường Yên Tử. Với tiêu chí số 5, Yên Tử sẽ được xác định như là một cảnh quan văn hóa từ bao đời nay đã và đang tồn tại những di sản của cộng đồng, di sản sống, di sản văn hóa phi vật thể theo cách gọi của Công ước UNESCO năm 2003.

Chùa Hoa Yên ở Yên Tử.

-Theo tôi hiểu thì những việc kể trên không hề đơn giản...

+ Đúng thế, đây là một hồ sơ rất khó nhưng không phải vì khó mà chúng ta nản chí. Chúng ta phải đi, phải bắt đầu thì mới có đường, cần phải tổng hợp không thể trông chờ vào kết quả nghiên cứu của một năm tới. Mà chúng ta phải tận dụng những cơ chế mà Trung ương đã cho phép chúng ta. Chúng ta phải tạo điều kiện cho các nhà tư vấn, các chuyên gia nghiên cứu vào cuộc. Một chuyên đề kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể dựa vào cộng đồng theo hướng dẫn của UNESCO để nhận diện di sản là hết sức cần thiết cho việc bổ sung hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử.

Còn điều này nữa theo tôi chúng ta cũng phải đặc biệt quan tâm, đó là làm hồ sơ di sản thì sẽ phục vụ cái gì cho cộng đồng? Cộng đồng tương tác với các thành tố của di sản thế nào? Phát triển du lịch ra sao? Rồi thì các biện pháp nâng cao đời sống của nhân dân vùng di sản. Theo tôi, đời sống của cộng đồng ở vùng di sản phải là số một. Di sản văn hóa phi vật thể vốn không hữu hình như di sản vật thể. Vì thế, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gặp không ít khó khăn. Cộng đồng là những người nắm giữ di sản nên có vai trò quan trọng nhất trong hoạt động bảo tồn. Di sản còn hay mất phụ thuộc cộng đồng.

Chúng tôi ủng hộ chủ trương tiếp tục xây dựng hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UNESCO để ghi danh vào danh sách di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Chúng tôi cũng khuyến nghị rút bớt tiêu chí đề cử và tập trung vào tiêu chí thứ 5 về cảnh quan văn hóa. Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và các chuyên gia của Hội luôn đồng hành, sẵn sàng góp phần bảo vệ di sản văn hóa Quảng Ninh nói chung và Di tích - danh thắng quốc gia đặc biệt Yên Tử nói riêng.

- Cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trò chuyện này!

Phạm Học (Thực hiện)

To Top