Bộ Y tế và UNFPA tiếp tục đồng hành cùng Lai Châu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân

Bộ Y tế sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trung ương cho các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện của Lai Châu dựa trên nhu cầu thực tế để từng bước đưa các dịch vụ y tế chất lượng cao đến người dân trên địa bàn...

Tiếp tục chương trình công tác tại Châu như Sức khỏe & Đời sống đã đưa tin trước đó, chiều 25/4, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế và ông Matt Jackson - Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã làm việc với UBND tỉnh Lai Châu về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh.

Làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh Lai Châu có ông Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ban lãnh đạo Sở Y tế và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan...

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc.

Nhiều chuyển biến tích cực trong chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng vẫn có không ít khó khăn hiện hữu...

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Bùi Tiến Thanh - Giám đốc Sở Y tế Lai Châu cho biết năm 2023 và quý I năm 2024, công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng, chống dịch bệnh tiếp tục được thực hiện tốt; chú trọng nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại tất cả các tuyến.

Duy trì tiêm phòng vaccine tiêm chủng mở rộng cho các đối tượng, bảo đảm kịp thời; thực hiện tốt các chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn thiếu hụt Iốt...

Ông Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu phát biểu tại buổi làm việc.

Ngành y tế Lai Châu đã nỗ lực triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trước, trong và sau sinh. Số phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 3 lần trong 3 thời kỳ thai nghén đạt trên 70%; số phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ có kỹ năng đạt trên 70%; tỷ lệ phụ nữ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tại nhà trong vòng 42 ngày sau đẻ đạt trên 80%.

Công tác phòng, chống suy dinh dưỡng và cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em đã được triển khai lồng ghép trong Chương trình "Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt". Tỷ lệ trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi được uống Vitamin A năm 2023 đạt 98,9%; Tỷ lệ bà mẹ sau đẻ một tháng được uống Vitamin A đạt 93,2%.

Ông Bùi Tiến Thanh - Giám đốc Sở Y tế Lai Châu báo cáo công tác y tế trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải cảm ơn Bộ Y tế và Thứ trưởng Trần Văn Thuấn; Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam ông Matt Jackson đã dành quan tâm, hỗ trợ tỉnh Lai Châu các dự án về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình.

Khẳng định thời gian tới, tỉnh Lai Châu sẽ tập trung tăng cường thông tin, giáo dục truyền thông, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc ức khỏe sinh sản cho người dân; Huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, nhất là vai trò của các ngành chức năng để giảm hơn nữa tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em, tuy nhiên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải cho hay công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung, chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em và kế hoạch hóa gia đình của tỉnh Lai Châu vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế.

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính và ông Đinh Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em phát biểu.

Tình trạng tảo hôn, sinh đẻ ở tuổi vị thành niên; hôn nhân cận huyết thống ở địa bàn vùng cao, vùng sâu... tác động đến chất lượng dân số; tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ phụ nữ đẻ tại nhà vẫn cao; tỷ lệ phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh được tầm soát các bệnh còn thấp; Chỉ số tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em tuy đã giảm nhưng còn cao hơn so với trung bình của toàn quốc.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho khoa sản, khoa nhi ở nhiều bệnh viện tuyến huyện còn thiếu chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc điều trị cấp cứu sản phụ và trẻ em, trẻ sơ sinh...

Tại buổi làm việc, tỉnh Lai Châu kiến nghị Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện để tỉnh được tiếp nhận các Dự án đầu tư phát triển hệ thống y tế, các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; tăng cường đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số từ ngân sách Trung ương thông qua các dự án...

Lai Châu cũng đề xuất Bộ Y tế tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách, chế độ đãi ngộ cho cô đỡ thôn bản.

Ông Matt Jackson - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu.

Lai Châu cần nghiên cứu, có phương án mở rộng qui mô của BVĐK tỉnh

Tham luận tại buổi làm việc, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án "Tăng cường tiếp cận công bằng tới thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương" cho rằng, xét về chỉ số thống kê, tuy là tỉnh đặc biệt khó khăn tuy nhiên Lai Châu đã dành nhiều quan tâm chăm lo đầu tư cho hệ thống y tế.

Tuy nhiên, phân tích thực tiễn, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng cho hay, tiếp cận dịch vụ y tế tại Lai Châu khó khăn trên cả 3 phương diện địa lý, văn hóa, tài chính. Chính điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn…

Trong bối cảnh như vậy, theo PGS.TS Phan Lê Thu Hằng tỉnh cần xây dựng mạng lưới y tế cơ sở thực sự vững mạnh.

"Với các địa phương rất khó khăn như Lai Châu, đội ngũ y tế thôn bản, đặc biệt cô đỡ thôn bản cũng như cán bộ trạm y tế xã có vai trò rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu nói chung cũng như chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em nói riêng, do đó tỉnh cần phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ nhân lực y tế này"- PGS.TS Thu Hằng nói.

GS.TS Trần Văn Thuấn hỏi thăm sức khỏe sản phụ và em bé sơ sinh tại BVĐK tỉnh Lai Châu chiều 25/4.

Cùng đó, các trạm y tế xã phải được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị y tế cơ bản, thuốc thiết yếu và đặc biệt đủ nhân lực bác sĩ, nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi để thực hiện đầy đủ 3 chức năng cốt lõi: dự phòng, khám chữa bệnh và hộ sinh.

Với trung tâm y tế huyện cũng cần đầu tư phát triển đơn nguyên sản sản nhi, đơn nguyên sơ sinh vì những đơn nguyên này có vai trò quan trọng trong giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh và tử vong trẻ em.

Theo PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Lai Châu cần nghiên cứu, có phương án mở rộng qui mô của BVĐK tỉnh; thành lập Trung tâm sản Nhi nằm trong BVĐK tỉnh giúp cải thiện khả năng tiếp cận các dịch y tế tuyến chuyên sâu ngay trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt tỉnh cần tăng cường kết nối giữa cơ sở y tế của Lai Châu với các bệnh viện tuyến TW để có sự hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên.

Cùng đó, Lai Châu phải đảm bảo nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng để đối phó với cả 3 loại dịch bệnh như dịch bệnh truyền thống; các dịch bệnh tái nổi; dịch bệnh mới nổi… cũng như tăng cường liên kết vùng trong phòng, chống dịch bệnh...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện sức khỏe và dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: Bộ Y tế sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật của từ các bệnh viện tuyến trung ương cho các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương để từng bước đưa các dịch vụ y tế chất lượng cao đến người dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu..

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao, chúc mừng những kết quả trên nhiều lĩnh vực của tỉnh trong đó có công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng để triển khai đồng bộ có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, tỉnh Lai Châu Châu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21/NQ-TW "về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới" và "công tác dân số trong tình hình mới";

Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh. "Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tránh để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn, nhất là các dịch bệnh mới nổi"- GS.TS Trần Văn Thuấn nói.

Các đơn vị y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sức khỏe người dân thông qua phát triển các ứng dụng như bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe và sổ theo dõi sức khỏe điện tử...

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn và ông Matt Jackson - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, ông Đinh Anh Tuấn trò chuyện với cán bộ y tế khoa Nhi của BVĐK tỉnh Lai Châu chiều 25/4.

Mặt khác, Lai Châu cần thực hiện đầy đủ chính sách phụ cấp, sử dụng hiệu quả đội ngũ cô đỡ thôn, bản để tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ này hoạt động hiệu quả, tiếp tục góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe, giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở đồng bào các dân tộc vùng khó khăn.

Về những đề nghị của tỉnh Lai Châu, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Y tế cũng như các tổ chức quốc tế tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh.

"Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trung ương cho các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương để từng bước đưa các dịch vụ y tế chất lượng cao đến người dân trên địa bàn"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

GS.TS Trần Văn Thuấn và ông Matt Jackson cùng PGS.TS Phan Lê Thu Hằng thăm, tặng quà sản phụ tại BVĐK tỉnh Lai Châu chiều 25/4.

Bài và ảnh Thái Bình

To Top