PGS. TS. Chu Cẩm Thơ: Để lan tỏa văn hóa đọc, cần có chiến lược đầu tư cho phát triển sách

Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu - Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, cần thấy trách nhiệm của chính chúng ta, mỗi người lớn là không thể thiếu trong xây dựng, phát triển văn hóa đọc.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, nếu được lớn lên trong môi trường có văn hóa đọc, đứa trẻ sẽ hấp thụ và thực hành theo. (Ảnh: NVCC)

Bà nghĩ gì về vai trò của việc đọc sách trong thời đại 4.0?

Đọc sách ở bất kỳ thời đại nào cũng đóng vai trò quan trọng trong rèn luyện và phát triển của bản thân mỗi người, đồng thời góp phần kiến tạo văn hóa cộng đồng, xã hội. Trong thời đại 4.0, có sự khác biệt về phương tiện, thời gian, không gian đọc sách.

Đọc sách trở nên đa dạng hình thức và dễ dàng thực hiện hơn bao giờ hết bởi sự tham gia của yếu tố công nghệ. Các yếu tố thuộc về sách đã được số hóa. Vì thế, kể cả khi một người ngại đọc (bao gồm mắc chứng khó đọc, chưa thành thạo chữ), không có thời gian cho đọc sách in thì vẫn có thể đọc sách một cách thụ động (bằng nghe) và những cách khác nữa.

Trong xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, văn hóa đọc ngày càng có điều kiện phát triển khi người đọc có thể tiếp cận với những cuốn sách giá trị ở mọi lúc, mọi nơi thông qua các thiết bị thông minh. Vậy theo bà, thời kỳ chuyển đổi số, việc phát triển văn hóa đọc có khó hay không?

Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, con người có thể đọc sách dễ dàng. Nhưng không phải vì thế mà con người sẽ đọc sách nhiều hơn, xã hội có văn hóa đọc. Một thực tế khá đáng lo ngại đó là, nhiều người vẫn chưa rèn luyện thói quen đọc sách. Họ sử dụng các phương tiện hiện đại chủ yếu cho giải trí hoặc tương tác với các thông tin xã hội được cập nhật theo xu hướng.

Trong khi sách là phương tiện truyền tải các thông tin đã được sàng lọc, kiểm chứng, được coi là “tri thức”, có thể không hấp dẫn, không dẫn dắt xu hướng nào. Do đó, việc nhận thức của con người, thị hiếu của xã hội có thể không làm cho việc phát triển văn hóa đọc dễ dàng.

Tuy nhiên, chúng ta có thể lạc quan bởi một số tín hiệu như số lượng sách trên đầu người tăng lên, các ứng dụng sách nói trở nên phổ biến hơn. Đặc biệt, chiến lược của mỗi quốc gia đều đang quan tâm đến phát triển văn hóa đọc, là cơ sở để tạo ra hệ sinh thái học tập suốt đời.

Dưới góc nhìn của một nhà giáo dục, theo bà thì việc đọc sách ngay từ những ngày thơ ấu có ảnh hưởng thế nào trong việc hình thành nhân cách và tìm kiếm cơ hội việc làm sau này?

Mới đây, Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới (EdulightenUp) do tôi đồng sáng lập có tổ chức Hội thảo: "Kiến tạo văn hóa đọc ở trường học trong kỷ nguyên số" đã thu hút gần 6000 người tham gia. Hầu hết những người tham gia hội thảo này là các giáo viên và phụ huynh học sinh.

Các nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục đã trình bày các kết quả cũng như thực tiễn về ảnh hưởng của đọc sách đến sự phát triển trí tuệ, nhân cách của con người. Không thể phủ nhận, thói quen đọc sách, thể loại sách đọc đều có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của con người.

"Cần thấy trách nhiệm của chính chúng ta, mỗi người lớn là không thể thiếu trong xây dựng, phát triển văn hóa đọc. Để phát triển văn hóa đọc sâu, rộng hơn nữa trong cộng đồng, xã hội, ở phạm vi quốc gia, cần có những chiến lược đầu tư cho phát triển sách".

Từ nhỏ, nếu đọc sách thường xuyên thì não bộ không những tiếp thu được thông tin mà còn giúp phát triển cơ chế linh hoạt, đặc biệt là năng lực ngôn ngữ. Do đó, các nhà khoa học đều khuyến nghị, nên đọc sách cho trẻ nghe ngay từ khi 0 tuổi. Đặc biệt, từ 3 tuổi – thời kỳ vàng cho phát triển não bộ, ngôn ngữ, càng nên cho trẻ tiếp xúc nhiều với sách hơn.

Thực tiễn giáo dục cũng khẳng định, thói quen đọc sách, tìm hiểu thông tin, ứng dụng tri thức từ sách thực sự tác động lớn đến con đường phát triển năng lực của mỗi người. Đồng thời, đọc sách là thói quen tốt, tạo nề nếp tốt cho người đọc. Bất kỳ ai, có nề nếp tốt, thói quen tốt, có khả năng tự đọc đều sẽ rất chủ động trong cuộc sống. Vì thế, chắc chắn họ sẽ có cơ hội tốt khi thích nghi với cuộc đời.

Giáo viên và cha mẹ đều có thể là cầu nối giữa trẻ em và sách. (Nguồn: VGP)

Có một thực tế hiện nay là cả trẻ em và người lớn đều dành nhiều thời gian cho điện thoại, mạng xã hội mà ít dành thời gian đọc sách. Cần có giải pháp gì để phát triển văn hóa đọc sâu, rộng hơn nữa trong cộng đồng, xã hội?

Văn hóa đọc đòi hỏi sự chung tay của nhiều thế hệ. Nếu được lớn lên trong môi trường có văn hóa đọc, đứa trẻ sẽ hấp thụ và thực hành theo. Văn hóa đọc bao gồm hành vi đọc, tôn trọng việc đọc và tin vào những ý nghĩa mà sách mang lại.

Thực tế ngày nay, một bộ phận người lớn chưa quan tâm, thực hiện rèn thói quen đọc cho bản thân mình. Vậy nên, những trẻ em chịu ảnh hưởng của những người này sẽ rất khó có được sự tin cậy vào sách, chăm đọc sách, yêu sách dù trường học hay môi trường nào đó cố gắng kiến tạo cho đứa trẻ.

Do đó, cần thấy trách nhiệm của chính chúng ta, mỗi người lớn là không thể thiếu trong xây dựng, phát triển văn hóa đọc. Để lan tỏa văn hóa đọc sâu, rộng hơn nữa trong cộng đồng, xã hội, ở phạm vi quốc gia, cần có những chiến lược đầu tư cho phát triển sách. Hiện nay cần nhất là sách khoa học, sách cho trẻ em.

Bên cạnh đó, nên đầu tư cho đội ngũ làm sách, quảng bá sách và đầu tư trọng tâm cho trường học. Theo tôi, trường học sẽ là trung tâm của phát triển văn hóa đọc cho mỗi người trẻ và kết nối với các thế hệ khác trong xã hội.

Bà có kinh nghiệm gì trong việc lan tỏa đọc sách cũng như để trẻ em đến gần hơn với sách?

Thực sự không quá khó để lan tỏa việc đọc sách đến cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Như một lẽ tất nhiên, trẻ em (bắt đầu từ 3 tuổi) rất thích sách, rất mong muốn được tiếp xúc với sách. Kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân làm tốt việc lan tỏa sách đến các em thường bắt đầu từ nêu gương đọc sách, kiên trì đọc sách cùng trẻ. Bản thân tôi luôn ưu tiên việc đọc sách cùng con, tích cực chia sẻ những cuốn sách tôi đọc đến con, đến học trò, đồng nghiệp.

Mỗi người lớn, bao gồm giáo viên và cha mẹ, đều có thể là cầu nối giữa trẻ em và sách. Họ có thể thay mặt trẻ em đọc sách, chọn sách. Nhưng lưu ý rằng, trẻ em cần được đọc sách theo cách của mình. Lúc còn nhỏ, các em ưa thích tranh ảnh, ưa thích việc người khác đọc diễn cảm cho mình nghe. Qua đó, có thể các em sẽ bày tỏ thiên hướng đến nhu cầu tìm hiểu sâu về thể loại sách nào đó. Nhưng tất cả các em đều cần được tiếp xúc đa dạng trước khi theo thiên hướng.

Trẻ em cũng thích đọc sách ứng dụng, tức là “đọc đi đôi với làm”. Do đó, có thể tổ chức các hoạt động thể nghiệm hóa nội dung sách, khi được đóng vai, được tham gia các ngày hội sách và thí nghiệm khoa học sẽ khiến các em say mê sách hơn.

Xin cảm ơn bà!

Nguyệt Anh - Hồng Phúc

To Top