Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, mưa to, mưa đá kèm dông, lốc xoáy, sét và gió giật mạnh từ ngày 1/5 đến 8 giờ ngày 7/5 đã làm 6 người tử vong (Quảng Ninh 1, Yên Bái 1, Long An 1, Hà Tĩnh 3), 11 người bị thương (Lai Châu 1, Cao Bằng 1, Thái Nguyên 1, Hà Tĩnh 4, Quảng Trị 1, Trà Vinh 3) cùng nhiều thiệt hại khác tại các địa phương.

Mưa lớn gây sạt lở khiến 7 công nhân thương vong tại Hà Tĩnh. Trong ảnh: Lực lượng chức năng đưa nạn nhân đi cấp cứu. Ảnh: TTXVN phát

Chiều 6/5, mưa lớn trên địa bàn phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh à Tĩnh gây sạt lở, vùi lấp một lán trại của công nhân thi công móng cột đường dây điện 500KV, khiến 7 người thương vong (trong đó 3 công nhân tử vong và 4 công nhân bị thương).

Trên địa bàn các xã Nậm Xe, Sin Suối Hồ, Bản Lang của huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Châu, ngày 6/5 đã xảy ra mưa đá, dông lốc làm 1 người dân bị thương nặng; 78 ngôi nhà, gần 10 ha sắn, 3 ha dong riềng bị thiệt hại, gãy 3 cột điện tại xã Sin Suối Hồ… Tổng thiệt hại ước tính gần 300 triệu đồng. Mưa dông cũng khiến 7 nhà dân ở xã Nậm Xe bị thiệt hại; xã Bản Lang có 12 nhà dân tốc mái cùng nhiều diện tích cây cối, hoa màu bị thiệt hại.

Tại tỉnh Lào Cai, mưa đá và dông lốc diện rộng từ đêm 5/5 đến sáng 6/5 đã khiến 166 nhà bị tốc mái, hư hỏng hoặc sụp đổ hoàn toàn, chủ yếu tại các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai; 18,5 ha lúa bị ngập nước, ngô và cây ăn quả bị gãy đổ, rau màu bị vùi lấp hoàn toàn tại các huyện Bảo Thắng, Bát Xát và thành phố Lào Cai; 6 cột điện 0,4KV tại thành phố Lào Cai và huyện Bát Xát bị gãy đổ; đường dây điện 35KV, 220V thuộc nhiều tuyến đường tại huyện Bát Xát, thành phố Lào Cai bị cây đổ gây đứt và chùng dây.

Dông lốc kèm mưa đá xảy ra vào đêm mùng 4, rạng sáng 5/5 tại tỉnh Cao Bằng đã làm 1 người bị thương và gần 600 ngôi nhà bị hư hại. Các huyện chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dông lốc gồm Quảng Hòa, Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Trùng Khánh, Hòa An (riêng huyện Quảng Hòa có tới 480 nhà bị hỏng). Ngoài ra còn có 2 trường học, 3 nhà văn hóa và nhiều công trình chuồng trại bị tốc mái, 50ha cây trồng bị gãy đổ, đường giao thông bị ách tắc do cây to bị đổ.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, mưa dông kéo dài trên diện rộng kèm theo lốc xoáy và gió giật mạnh trên địa bàn từ ngày 2 - 4/5 đã khiến 1 người bị thương, 7 nhà tại thành phố Đông Hà bị tốc mái, hư hỏng, nhiều biển quảng cáo, cây xanh bị gãy đổ, gần 400 ha lúa bị đổ ngã.

Tại các xã Yên Thắng, Yên Hòa, huyện Tương Dương, tỉnh Tuyên Quang đã xảy ra dông lốc và mưa đá. Trận mưa đá kéo dài hơn 30 phút với sự xuất hiện những viên đá có độ lớn như quả trứng gà vào ngày 1/5 đã làm 200 ngôi nhà của người dân tại 7 bản trên địa bàn huyện Tương Dương bị hỏng ngói, thủng mái tôn, một số cây cối và nhiều diện tích hoa màu, cây trồng của người dân bị gãy đổ. Từ 1-3/5, thiên tai diễn ra tại tỉnh Tuyên Quang đã gây thiệt hại khoảng gần 13 tỷ đồng.

Đối với tỉnh Yên Bái, tính đến 17 giờ ngày 1/5, mưa và dông lốc đã làm 1 người chết, 245 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng nhiều nhà cửa, gần 80ha lúa bị thiệt hại, ảnh hưởng; khoảng 40ha ngô, sắn, hơn 15ha cây rừng bị gẫy đổ, hư hỏng; 50 con dê bị chết, 3 lồng cá bị thiệt hại. Dông lốc cũng làm va đập gây vỡ và hư hỏng 2 thuyền máy và 6 thuyền nan con tại xã Vân Hội, huyện Trấn Yên. Ước thiệt hại do mưa lốc gây ra là khoảng 2 tỷ đồng.

Ngay khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã đến thăm hỏi, động viên những gia đình có người bị thương vong, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng hỗ trợ người dân bị thiệt hại di chuyển tài sản đến nơi an toàn, ổn định cuộc sống theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Để chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp. Các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa dông, mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1/4/2024 và Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 8/4/2024 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lớn, dông lốc, mưa đá giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, đồng thời tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Thắng Trung (TTXVN)

To Top