Khó hiểu giới trẻ Trung Quốc đua nhau đóng giả tội phạm bị bắt để chụp ảnh

Một bộ phim tài liệu ăn khách đã biến đồn cảnh sát ở Trung Quốc trở thành địa điểm nổi tiếng, thu hút giới trẻ đến chụp hình với các tư thế bị bắt.

Kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động vừa qua, người qua đường ở trung tâm thành phố Trường Sa tại tỉnh Hồ Nam (miền trung Quốc) đã chứng kiến cảnh tượng bất thường: Hàng trăm người xếp hàng bên ngoài đồn cảnh sát phố Pha Tử, háo hức chờ "bị bắt".

Nhóm bạn trẻ chụp ảnh với tư thế ôm đầu trước đồn cảnh sát Pha Tử ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Baidu)

Đồn cảnh sát này không thực hiện vụ bắt giữ hàng loạt, mà nơi đây đã trở thành nạn nhân mới nhất của văn hóa “chụp hình check-in” của giới trẻ Trung Quốc - khi mà các địa điểm bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội và sau đó thu hút đông đảo người đến chụp ảnh.

Trong suốt kỳ nghỉ năm ngày, dòng người xếp hàng bên ngoài đồn cảnh sát phố Pha Tử từ sáng đến tận 11 giờ đêm, thay phiên nhau quỳ xuống đất trước cửa chính và diễn các tư thế đầu hàng, cúi đầu, chắp tay sau lưng.

Việc "bị bắt" hàng loạt tạo ra hiệu ứng cầu tuyết, khi dòng người xếp hàng dài trở thành tâm điểm trên các phương tiện truyền thông và ngày càng thu hút thêm nhiều người đến "check-in".

Người dùng mạng xã hội Trung Quốc bông đùa rằng đồn cảnh sát phố Pha Tử làm việc "hiệu quả nhất thế giới" vì họ đã thực hiện quá nhiều "vụ bắt giữ".

Hiệu ứng từ sự việc khiến chính quyền địa phương cũng không thể ngồi yên, họ kêu công chúng cư xử trật tự khi đến thăm đồn cảnh sát và không gây gián đoạn công việc của lực lượng chức năng.

Giới trẻ Trung Quốc chụp ảnh với tư thế ôm đầu trước cổng chính của đồn cảnh sát Pha Tử. (Ảnh: Sixthtone)

Đồn cảnh sát Pha Tử nổi tiếng nhờ thành công của bộ phim tài liệu Trung Quốc "Những người bảo vệ Giải Phóng Tây", theo chân các sĩ quan của đồn cảnh sát này tuần tra khu thương mại Giải Phóng Tây ở trung tâm thành phố Trường Sa.

Bộ phim đã trở thành "cơn sốt" đình đám ở Trung Quốc nhờ phong cách khác thường. Không giống như hầu hết các phim tài liệu về cảnh sát Trung Quốc, thường có tông màu nghiêm túc và kịch tính, "Những người bảo vệ Giải Phóng Tây" mang đến một bức tranh chân thực về cuộc sống thường ngày của các sĩ quan và những vụ án kỳ lạ mà họ thường phải giải quyết.

Từ cô gái tuổi teen say rượu tuyên bố táo bạo "Tôi là ông chủ của Trường Sa!" khi các sĩ quan cảnh báo cô, đến ông già gọi cảnh sát vì bạn gái cũ 70 tuổi của ông ta đòi 100 nhân dân tệ (350.000 đồng) "phí chia tay"...

Điều này đã giúp bộ phim trở thành bộ phim tài liệu được xem nhiều nhất trong lịch sử của Bilibili (một trong những nền tảng phim trực tuyến lớn nhất Trung Quốc), với hơn 1 tỷ lượt xem. Bên cạnh đó, mỗi phần trong số 4 phần của bộ phim đều đạt điểm trên 8/10 trên trang web đánh giá Trung Quốc Douban.

Những người hâm mộ bộ phim tài liệu này được cho là đã đổ về Đồn cảnh sát phố Pozi kể từ khi mùa đầu tiên được phát hành vào năm 2019.

Khi lượng du khách tăng vọt vào năm 2021, chính quyền tỉnh Hồ Nam đã xuất bản một hướng dẫn dành cho người hâm mộ hướng dẫn cách chụp hình trước đồn cảnh sát một cách văn minh.

Tháng 1 năm nay, các quan chức cảnh sát cấp cao ở thành phố Trường Sa cũng thông qua đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, nhắc nhở công chúng cư xử trật tự tại đồn cảnh sát và không làm phiền các sĩ quan khi đang làm nhiệm vụ.

Chính quyền địa phương đã phải kêu gọi du khách chụp hình văn minh. (Ảnh: Baidu)

Đồn cảnh sát phố Pha tử càng nổi tiếng hơn trong kỳ nghỉ Quốc tế Lao động tuần trước, với một dòng chủ đề liên quan thu hút hơn 4 triệu lượt xem trên nền tảng mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc - Weibo.

Cư dân mạng chủ yếu tỏ ra ngạc nhiên và thích thú với trào lưu này, mặc dù có những ý kiến chỉ trích “tư thế đầu thú” của một số người là không phù hợp.

“Tôi hưởng ứng các xu hướng đang nổi trên Internet, nhưng tôi không thích ý tưởng ngưỡng mộ và bắt chước tội phạm như vậy”, một người có ảnh hưởng với hơn 440.000 người theo dõi trên Weibo viết.

Chính quyền địa phương dường như cũng không hài lòng với những tư thế chụp hình này. Mặc dù chưa có báo cáo nào về việc du khách làm gián đoạn công việc của cảnh sát Pha Tử, nhưng các sĩ quan đã lắp đặt một loa phóng thanh bên ngoài đồn, lặp đi lặp lại cùng một thông báo: "Xin hãy lịch sự! Không được chụp ảnh ngồi xổm hoặc ôm đầu. Cảm ơn sự hợp tác của quý vị".

Đồn cảnh sát phố Pha Tử chỉ là ví dụ mới nhất về văn hóa "chụp hình check-in" biến một địa điểm tưởng như hàng ngày thành điểm nóng lan truyền trên mạng xã hội ở Trung Quốc - một xu hướng thường xuyên gây ra tranh luận do những tác động mà các xu hướng như vậy thường gây ra cho cư dân địa phương.

Tháng trước, các dụng cụ tại một khu tập thể dục ngoài trời ở thành phố Thành Đô (tây nam Trung Quốc), bỗng thu hút đám đông lớn đến chụp hình "check-in", sau khi chúng xuất hiện trong video của một bản nhạc hip-hop nổi tiếng.

Điều này đã châm ngòi cho sự tức giận của người dân địa phương sống gần đó, những người phàn nàn rằng khu dân cư của họ đột nhiên biến thành "Disneyland".

Hoa Vũ (Nguồn: Sixthtone)

To Top