Đôi điều về quy hoạch vùng Đông Nam Bộ

Thông qua quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh khăng khít hơn; góp phần khắc phục được tình trạng quy hoạch phát triển cục bộ, cát cứ theo ngành, lĩnh vực hoặc địa phương

Trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch luôn được coi là công cụ định hình không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất để từ đó Nhà nước chủ động dẫn dắt sự phát triển, thúc đẩy đầu tư.

Chú trọng chủ động phối hợp

Xác định rõ vị trí, vai trò của quy hoạch và để khắc phục những tồn tại trong phát triển của vùng Đông Nam Bộ, ngay từ những ngày đầu tổ chức lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng để triển khai lập quy hoạch vùng.

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ được lập theo cách tiếp cận tổng hợp, có sự thay đổi rõ rệt về tư duy, nhận thức và hành động của các ngành, các địa phương theo hướng chú trọng chủ động phối hợp trong quá trình xây dựng quy hoạch và tăng cường liên kết phát triển trên cơ sở thực hiện thống nhất chu trình chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển; giúp "mở đường", tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương. Nội dung quy hoạch tập trung vào sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động phát triển, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

TP HCM là hạt nhân, cực tăng trưởng vùng Đông Nam BôẠ̉nh: Hoàng Triều

Tạo chuyển biến có tính đột phá

Trước hết là sự đột phá về tư duy phát triển. Theo đó, vùng Đông Nam Bộ phải trở thành vùng đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế; là trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; giữ vai trò quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng khác.

Thứ hai, đột phá về tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, bao gồm các liên kết đa chiều về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng văn hóa - xã hội, chuỗi liên kết kinh tế ngành, bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên... để bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng.

Thứ ba, đột phá về huy động nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Bao gồm, các tuyến cao tốc hướng tâm, khép kín Vành đai 3, Vành đai 4; đẩy nhanh triển khai các tuyến đường sắt quan trọng, nhất là đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối cảng biển quốc tế; có cơ chế đặc thù để xây dựng các tuyến đường sắt đô thị HCM. Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, gắn với hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải tạo thành cụm cảng trung chuyển quốc tế lớn có sức cạnh tranh cao trong khu vực châu Á. Đầu tư nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi lớn trong vùng nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước; tập trung đầu tư dự án chống ngập cho TP HCM. Phát triển hạ tầng số phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số…

Thứ tư, đột phá về tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, để phát triển vùng động lực phía Nam trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, phát triển các tuyến hành lang kinh tế để mở rộng không gian phát triển, tạo mối liên kết đồng bộ giữa các địa phương trong vùng.

Thứ năm, đột phá về cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trọng tâm là tạo đột phá trong phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hiện đại trở thành các động lực tăng trưởng mới; trung tâm tài chính quốc tế; dịch vụ logistics tại các cảng biển, cảng hàng không trung chuyển quốc tế. Tập trung ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo vào việc phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; hình thành các khu công nghệ cao, công viên phần mềm, xây dựng trung tâm dữ liệu lớn và trung tâm chuyển đổi số vùng.

Nguyễn Văn Quang (Viện Chiến lược Phát triển Bộ Kế hoạch - Đầu tư)

To Top