Giáo dục tinh thần yêu nước qua các hiện vật lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ

Dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, trong số đó chiến dịch Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' là mốc son chói lọi trong lịch sử giữ nước. Mặc dù đã lùi xa 70 năm nhưng những hiện vật, hình ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên, nhắc nhở Nhân dân cả nước nói chung và Lạng Sơn nói riêng bài học về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Du khách tham quan hiện vật "chiếc xe thồ" được trưng bày trong triển lãm chuyên đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại” tại Bảo tàng tỉnh

Những ngày tháng 5/2024, trong không khí cả nước hướng về lễ kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ, em Hoàng Phương Thảo, học sinh lớp 8A2, Trường THCS Tam Thanh, thành phố ạng Sơn đã đến Bảo tàng tỉnh tham quan triển lãm chuyên đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại”. Tại đây, được trực tiếp xem, tìm hiểu thông tin qua rất nhiều hiện vật, tài liệu, hình ảnh liên quan tới chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử và cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) giúp em mở mang thêm nhiều điều.

Em Thảo chia sẻ: Em đã được học về chiến dịch Điện Biên Phủ qua các tiết học lịch sử, tuy nhiên khi đến thăm triển lãm, em được tận mắt xem, tìm hiểu nhiều hiện vật, tài liệu hình ảnh giúp em hiểu sâu sắc hơn. Em đặc biệt ấn tượng với hiện vật “chiếc xe thồ” và thực sự cảm phục tinh thần yêu nước, ý chí của ông cha ta thời kỳ đó. Em thấy triển lãm rất ý nghĩa đối với học sinh như em.

Không riêng em Thảo, hầu hết người dân, du khách trong và ngoài tỉnh đều tỏ ra hào hứng và bày tỏ sự tự hào, biết ơn đối với thế hệ cha anh đi trước khi tham quan triển lãm tại bảo tàng tỉnh. Gần 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật về chiến dịch Điện Biên Phủ và thời kỳ kháng chiến chống Pháp tại Bảo tàng tỉnh đã tái hiện truyền thống quyết chiến, quyết thắng của quân dân ta như: Sách “Thi đua ái quốc” do Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương xuất bản lần đầu tiên ngày 23/9/1948; sổ ghi kế hoạch tác chiến của Tiểu đoàn Bông Lau (đơn vị tác chiến trên mặt trận đường 4) năm 1950; tài liệu địch vận 1954; mũ nan của ông Đinh Viết Dĩ, Bản Ranh, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc đan và đưa cho anh em du kích dùng trong chiến đấu bảo vệ khu du kích Ba Sơn; Bộ đồ rèn (cưa, búa) của ông Vi Kiến Xương và Tô Vương Nguyên ở Bản Ranh, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc dùng để sửa chữa vũ khí cho bộ đội và Hồng quân Quốc, năm 1947 - 1950; nhật ký của bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; sách, báo viết về chiến dịch Điện Biên Phủ…

Được biết, từ ngày 26/4 đến nay, gian trưng bày triển lãm chuyên đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại” đã tiếp đón hơn 2.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh tới tham quan.

Ngoài các hiện vật trên được trưng bày tại gian triển lãm, hiện nay, các bảo tàng, nhà trưng bày, khu lưu niệm trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ hơn 500 ảnh, tư liệu, hiện vật lịch sử - cách mạng gắn liền với thời kỳ kháng chiến chống Pháp nói chung và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng.

Cán bộ, đoàn viên thanh niên các cơ quan, đơn vị tham quan các hình ảnh về khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ tại triển lãm chuyên đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại” tại Bảo tàng tỉnh

Để phát huy giá trị những tư liệu lịch sử quý giá này, thời gian qua ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực như: đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan và đưa vào bảo quản, trưng bày trong các bảo tàng, nhà trưng bày trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, sử dụng hiện vật phục vụ các cuộc trưng bày chuyên đề tại bảo tàng và triển lãm lưu động tại các huyện, thành phố. Đồng thời, các bảo tàng, nhà trưng bày tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử tại các địa điểm này

Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Những năm qua, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan đến các sự kiện lịch sử nói chung, chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và đưa vào bảo quản, trưng bày trong các bảo tàng, nhà trưng bày, khu lưu niệm trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, chúng tôi cũng sử dụng hiện vật phục vụ các cuộc trưng bày chuyên đề tại bảo tàng và triển lãm lưu động tại các huyện, thành phố. Chúng tôi mong muốn thông qua những hiện vật, tư liệu này sẽ bồi đắp thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và đạo lý "uống nước nhớ nguồn" trong mỗi người dân Lạng Sơn.

Song song với đó, bảo tàng đã số hóa tư liệu hình ảnh đưa lên trang tin điện tử hàng trăm hiện vật, trong đó có các hiện vật thời kỳ này tại mục “Thư viện hiện vật – hiện vật lịch sử – cách mạng”. Hằng năm, các cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị đã phối hợp với các bảo tàng, nhà trưng bày tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử về chiến dịch Điện Biên Phủ tại các địa điểm này.

Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, vào dịp kỷ niệm chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ, các bảo tàng, nhà trưng bày đã tổ chức các hoạt động bổ ích và ý nghĩa như: tổ chức triển lãm, trưng bày lưu động tại các huyện, thành phố, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử. Được biết trong tháng 4 và tháng 5 hằng năm, các địa điểm này đều thu hút trung bình từ 500 đến 1.000 lượt du khách đến tham quan.

Những hình ảnh, hiện vật về chiến dịch Điện Biên Phủ được lưu giữ, trưng bày không chỉ góp phần “soi sáng” lịch sử, mà còn thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ, quân và dân Lạng Sơn đối với các thế hệ cha anh đi trước. Thông qua việc tìm hiểu các hiện vật này góp phần giáo dục sâu sắc tinh thần yêu nước cho Nhân dân, đồng thời, giúp mỗi người dân nâng cao nhận thức về lịch sử dân tộc, từ đó thêm tự hào về truyền thống, ra sức xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Hiện nay, các bảo tàng, nhà trưng bày, khu lưu niệm trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ hơn 500 ảnh, tư liệu, hiện vật lịch sử - cách mạng gắn liền với thời kỳ kháng chiến chống Pháp nói chung và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng.

HOÀNG HIẾU - TUYẾT MAI

To Top