Quen mà lạ ẩm thực các dân tộc thiểu số Việt Nam

Các dân tộc thiểu số sinh sống trên dọc dài đất nước Việt Nam có đời sống văn hóa phong phú, độc đáo. Cùng với đó, ẩm thực của các dân tộc cũng khá đa dạng. Từ những nguyên liệu quen thuộc của núi rừng, đồng ruộng, qua bàn tay chế biến của đồng bào các dân tộc đã trở thành những món ăn ngon và lạ mắt. Trong điều kiện đời sống vật chất của đồng bào ngày càng được nâng cao, ẩm thực truyền thống cũng vì thế mà được bà con quan tâm hơn, vừa lưu giữ được nét văn hóa truyền thống, vừa góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Ẩm thực của người Hà Nhì nơi ngã ba biên giới

Đến với xã biên giới Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên - nơi có mốc số 0 ba cạnh, phân định ranh giới ba nước Việt Nam-Lào-Trung Quốc, nơi “một tiếng gà gáy ba nước đều nghe thấy” vào những ngày Xuân, chúng tôi như lạc vào thế giới của màu sắc sặc sỡ trên váy, áo thổ cẩm của người phụ nữ Hà Nhì, được tiếp đón nồng hậu, được trải nghiệm tập quán sinh hoạt, văn hóa, được thưởng thức những món ăn độc đáo của người Hà Nhì mến khách nơi ngã ba biên giới.

Các cô gái Hà Nhì vui vẻ trong bữa cơm truyền thống của dân tộc. Ảnh: Thu Lành

Người Hà Nhì (còn có tên gọi khác như U Ní, Xá U Ní) là một trong 19 cộng đồng dân tộc của tỉnh Điện Biên. Tại xã Sín Thầu, cộng đồng dân tộc Hà Nhì chiếm đến 96%. Trước đây, Sín Thầu là vùng đất còn nhiều khó khăn, mãi đến năm 2012 mới có điện lưới quốc gia. Đến nay, cái đói, cái nghèo tại xã biên giới Sín Thầu đã bị đẩy lùi, diện mạo nông thôn đổi thay. Khi đời sống vật chất của đồng bào ngày càng được nâng cao, việc nấu các món ăn truyền thống cũng như sáng tạo ra các món ăn mới cũng được bà con quan tâm hơn.

Ông Pờ Dần Sinh, người có uy tín xã Sín Thầu cho biết: “ Người Hà Nhì vẫn giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống qua những phong tục, nếp sống đặc trưng, mang đậm bản sắc dân tộc. Món ăn ngày thường có nhiều điểm khác so với món ăn ngày lễ, Tết, từ cách chọn lựa thực phẩm đến cách chế biến, trình bày món ăn. Do sống tập trung ở vùng núi cao, nên người Hà Nhì thường chú trọng yếu tố “nóng” trong các món ăn bằng cách thêm vào các gia vị có tính cay như ớt, gừng trong quá trình chế biến”.

Món ăn ngày thường của người Hà Nhì thường gồm những món chính như cơm, rau, thịt, cá, măng. Trong số đó, một số món chế biến từ cá có thể khiến ai được ăn một lần cũng nhớ mãi. Có thể kể đến như món canh cá chua, dưa xào cá suối, cá suối nướng hay gỏi cá... Với món canh cá chua, bên cạnh nguyên liệu là cá thì không thể thiếu lá chua có gai. Đây chính là thứ lá làm nên vị khác lạ trong bát canh cá. Theo đó, cá được mổ moi, rửa sạch, cho vào nồi nấu chín kỹ, sau đó cho lá chua vào. Lúc gần bắc xuống thì cho gia vị nêm nếm vừa ăn. Khi chan canh cá vào cơm, người ăn sẽ cảm nhận được mùi thơm của lá chua, đặc biệt là vị chua ngọt của cá, của lá chua hòa quyện, rất dễ ăn.

Người Hà Nhì còn có món cá chua độc đáo. Cá sau khi đã làm sạch được ướp với muối, hạt mắc khén để khoảng 5 đến 10 phút, sau đó cho vào trong ống nứa đã được làm sạch. Mặt miệng ống nứa để một lớp cơm tẻ rồi dùng lá cây bịt miệng ống thật kỹ. Để khoảng 4-5 ngày thấy dậy mùi là cá đã ngấu chua. Lúc này, cá sẽ được lấy ra để chế biến nấu thành các món ăn. Đặc biệt, món cá chua xào mỡ là món ăn được nhiều người Hà Nhì ưa thích. Khi làm món này thì gia vị thích hợp nhất để có thể tạo nên hương vị riêng của món ăn, ngoài muối, mì chính, nhất thiết phải có gừng...

Đặc sản của người Khmer

Xuôi về phương Nam, đến với những vùng có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, du khách phương xa chắc chắn sẽ bị hấp dẫn bởi những món ăn đặc trưng của đồng bào Khmer. Những món ăn như bánh gừng, bánh ống, bánh nùm bon, bánh cóng... không chỉ có màu sắc đẹp mà còn rất ngon. Các loại bánh và nhiều món ăn truyền thống của người Khmer đều được làm từ những nguyên vật liệu dễ tìm như gạo nếp, đậu, thịt, dừa... Quan trọng nhất là “nghệ thuật” chế biến của người Khmer vừa đẹp mắt, vừa hợp với khẩu vị của nhiều người..

Nghệ nhân người Khmer Chau Men Sa Rây, cho biết: “ Trong những món bánh truyền thống của người Khmer, bánh gừng là loại bánh thường được làm vào dịp lễ, Tết cổ truyền của đồng bào như: Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta, đám hỏi, đám cưới... Bánh gừng được làm để thờ cúng tổ tiên, với ý nghĩa tưởng nhớ ông bà tổ tiên đã làm ra hạt lúa cho con cháu ngày nay”.

Bánh gừng được trang trí thành hình cây thông trong lễ hội của người Khmer. Ảnh: Xuân Thọ

Nguyên liệu để làm bánh gừng từ trứng gà, bột nếp và đường. Theo đó, người Khmer sẽ đánh cho trứng gà bông lên rồi trộn chung với bột nếp thành hỗn hợp bột dẻo. Sau đó, bột sẽ được nặn thành hình củ gừng và đem chiên trong chảo dầu nóng. Bánh gừng sau khi chiên vàng sẽ được nhúng vào bát nước đường trắng đã được thắng thành chất dẻo, tạo lớp áo mỏng ngoài vỏ bánh, rồi đem phơi nắng bánh để chiếc bánh không bị cong queo.

Để dâng bánh lên ông bà tổ tiên hay trang trí trong các lễ hội quan trọng của người Chăm, người ta ghim những chiếc bánh gừng vào các que tre, cắm quanh những chiếc trụ tròn bằng gỗ hay đất sét, tạo ra hình dáng đẹp mắt. Vào những dịp lễ, tết của người Khmer, được thưởng thức bánh gừng, độ giòn tan của bánh kết hợp với vị béo của trứng, vị ngọt của đường sẽ mang đến cho du khách cảm giác ngon lành, thú vị.

Bên cạnh đó, món bánh cóng (hay bánh rây), cũng là một trong những món ăn độc đáo của dân tộc Khmer. Bánh được làm từ bột gạo nếp xay nhuyễn trộn với nước lá dứa, đường thốt nốt và nước cốt dừa. Để làm bánh, người Khmer cho bột gạo vào trong khuôn bánh hình trụ, ở giữa là que tre, một đầu được gắn miếng thiếc hình tròn làm đáy. Sau đó, ống bánh được đặt thẳng đứng trong nồi, hấp cách thủy khoảng 2 phút.

Khi bánh chín, kéo chiếc que tre và đưa nhẹ bánh lên sẽ được bánh có hình ống, màu xanh nhạt, thơm vị lá dứa. Để bánh ống hấp dẫn hơn, người ta rắc thêm chút dừa nạo sợi và vừng hay lạc rang giã nhỏ bên ngoài. Bánh thường được ăn lúc còn nóng để cảm nhận hết vị ngọt mát và béo ngậy của dừa, của vừng hòa quyện trong hương lá dứa thơm thơm.

Thanh Thuận

To Top