Tuyên Quang: Đầm ấm tết Đắp Nọi của dân tộc Tày

Tục ăn tết lại có ở nhiều nơi, với nhiều hình thức khác nhau, riêng với đồng bào dân tộc Tày ở Tuyên Quang có tết 'Đắp Nọi', tổ chức vào ngày 29 và 30 tháng Giêng hàng năm.

Tại Tuyên Quang, người Tày ở các huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa, Na Hang, Hàm Yên đều tổ chức ăn Tết Đắp Nọi. Theo tiếng Tày, Nùng "đắp" nghĩa là ngày cuối cùng của tháng, kết thúc tháng; "nọi" là ít, đối lập với nhiều. Tết Đắp Nọi có thể hiểu là cái tết nhỏ để kết thúc tháng Giêng. Phong tục ăn tết Đắp Nọi cũng không biết có từ bao giờ, chỉ biết theo quan niệm của người xưa “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên từ tết nguyên đán các chàng trai, cô gái dân tộc Tày bằng những câu hát Sli, hát Lượn đã theo chân bạn mình đi hết nhà nay đến nhà khác, vượt qua hết ngọn núi này đến con khe khác để được lượn, được hát cùng nhau. Do đó để nhắc nhở họ vui chơi nhưng không quên nhiệm vụ sản xuất nên các cụ ngày xưa đã tổ chức ăn tết Đắp Nọi để gia đình, họ hàng xum vầy bên nhau, kết thúc tháng “ăn chơi”, chuẩn bị bước vào mùa vụ mới.Ngày nay, kinh tế xã hội phát triển, đời sống của bà con được cải thiện. Tuy đã xuống đồng, khai xuân làm việc từ những mùng 4, mùng 5 tết nguyên đán, nhưng họ vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống là tổ chức tết Đắp Nọi vào ngày 30 tháng Giêng hàng năm.

Làm cỗ cúng tết Đắp Nọi

Cũng có giải thuyết về Tết đắp nọi vẫn được người già ở đây lưu truyền như sau, khi quân Mãn Thanh sang xâm lược nước ta, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã làm lễ đăng quang Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung và nhanh chóng khởi binh thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc dẹp giặc ngoại xâm Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân, cả đại quân đã tới vùng Tam Điệp, Ninh Bình hội quân và úy lạo cho quân sỹ ăn Tết trước. Ngày mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu, nghĩa quân Tây Sơn đã đánh tan tác 20 vạn quân Thanh, khiến quân xâm lược vào tháo chạy. Chiến thắng lẫy lừng đã được trăm họ nghênh đón, mọi con dân đều hoan hỷ. Trước hào khí thắng trận, vua Quang Trung cho quân sỹ ăn Tết Nguyên đán với nhân dân vào mùa xuân Kỷ Dậu.

Từ đó trở đi, khi giặc dã hoành hành, quấy phá vùng biên cương và các miền đất nước, quan quân lại lên đường đi đánh giặc, giữ yên bờ cõi thiêng liêng của đất nước vào cả những dịp lễ, Tết. Các chiến binh vội vàng từ giã bản làng quê hương lên đường xông ra trận mạc không kịp ăn Tết cùng gia đình. Sau chiến thắng trở về, bà con dòng tộc thân thích mừng vui đón họ và tổ chức ăn Tết lại cho các chiến binh vào ngày 29 hoặc 30 tháng Giêng âm lịch.

Câu chuyện vê nguồn gốc của tục ăn tết muộn của người Tày nơi đây có thể đúng có thể chưa đúng nhưng dù có thế nào những ngày Tết đắp nọ cũng là những ngày để sum họp, đoàn tụ gia đình. Đây cũng là dịp để anh em, hàng xóm láng giềng gặp gỡ, nhắc nhở nhau hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Bánh dày được làm để ăn Tết Đắp Nọi

Ngay từ ngày 29 tháng Giêng không khí tết Đắp Nọi đã rộn ràng trên khắp các thôn, bản nơi rẻo cao, người thì mang lá dong đã được chuẩn bị từ trước tết nguyên đán ra lau để gói bánh trưng, người thì ngâm gạo nếp, người thì vào rừng tìm lá ngải; có gia đình cả nhà đang hộ nhau đuổi bắt con gà trong vườn để hôm sau làm thịt trong mâm cỗ cúng tổ tiên...

Tết Đắp Nọi năm nào gia đình bà làm rất nhiều loại bánh, trong đó không thể thiếu món bánh dày. Chiếc bánh được làm ra từ những hạt gạo nếp thơm ngon. Lớp vỏ này được giã nhuyễn, mịn dẻo để có thể bao trọn lớp nhân bên trong, nhiều nơi làm bánh dày không có nhân. Nhân bánh (nhiều nơi không làm nhân) được lựa chọn từ những hạt vừng thơm bùi, hòa quyện với đường tạo nên vị ngọt đậm đà khó quên. Trải qua nhiều công đoạn, chiếc bánh dày sau khi hoàn thành khẳng định cho sự khéo léo từ đôi bàn tay của người phụ nữ Tày. Nếu ai đã từng được thưởng thức loại bánh này, sẽ cảm nhận được vị béo ngậy, thơm ngọt rất riêng biệt.

Những lễ vật sau khi chế biến được gia chủ dâng lên các vị tổ tiên, cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con cháu mạnh khỏe, may mắn.

Tết Đắp Nội cũng là dịp để nhắc nhở bà con cùng hăng say, phấn đấu lao động sản xuất, rút kinh nghiệm, bài học từ những mặt đạt, chưa đạt trong năm vừa qua để hoàn thiện bản thân mình hơn, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, tiến tới một xã hội văn minh hơn nhưng cũng không lãng quên những nét đẹp văn hóa của truyền thống dân tộc.

Lê Hoàn

To Top