Xây dựng, phát triển văn hóa hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ

Ngày 9-6-2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (gọi tắt là Nghị quyết 33) với mục tiêu đề ra là xây dựng nền văn hóa và con người phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Qua 10 năm, tỉnh Tiền Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 33 và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện đời sống kinh tế - xã hội và khơi dậy các giá trị nhân văn trong cộng đồng.KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Triển khai thực hiện Nghị quyết 33, tỉnh đã chỉ đạo triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam nói chung và ền Giang nói riêng phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tiết mục biểu diễn tại Chương trình “Dạ khúc tri âm” do Trung tâm Văn hóa tỉnh Tiền Giang tổ chức. Ảnh: THU HOÀI

Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện hoàn thành 5 mục tiêu, 6 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp đề ra trong Nghị quyết 33, góp phần hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Tiền Giang, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, quảng bá văn hóa trên địa bàn tỉnh, tăng cường đưa văn hóa về cơ sở và địa bàn đặc biệt khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn.

Nhiều giá trị văn hóa, đạo đức tinh thần yêu nước, yêu quê hương, tự lực, tự cường, lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, lao động cần cù, sáng tạo của người Tiền Giang tiếp tục được khơi dậy và phát huy…

Phát biểu kết luận, chỉ đạo tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang mở rộng tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức vào ngày 4-5-2024, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: “Phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển con người toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học là nhiệm vụ của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.

Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam để văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi”; phải gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước, thực hiện nghiêm đạo đức công vụ, ứng xử văn hóa nơi công sở, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của địa phương và cơ sở”.

Các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên, liên tục, gắn với các ngày lễ, tết, các sự kiện chính trị của đất nước, của địa phương, hướng đến giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao trong mỗi chương trình biểu diễn, mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã tổ chức 1.000 cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ; trên 600 buổi biểu diễn các loại hình văn hóa - văn nghệ, 1.500 buổi sinh hoạt câu lạc bộ sở thích, thu hút hàng ngàn lượt diễn viên không chuyên tham gia biểu diễn, sinh hoạt, phục vụ hàng vạn lượt công chúng, tạo được hiệu quả xã hội tích cực. Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được duy trì cả nghệ thuật truyền thống và hiện đại; văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi, thu hút nhiều giới công chúng tham gia, xuất hiện nhiều nhân tố mới từ phong trào.

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 150 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử; 170 đội văn nghệ quần chúng; 8 đơn vị nghệ thuật hoạt động theo phương thức xã hội hóa; 12 Đội tuyên truyền lưu động. Các câu lạc bộ, đội tuyên truyền lưu động thường xuyên tổ chức sinh hoạt, biểu diễn phục vụ có hiệu quả nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân…

Phong trào văn nghệ quần chúng, thông qua các hoạt động hội thi, hội diễn, liên hoan, hoạt động các câu lạc bộ, các nhóm nhạc thường xuyên được quan tâm đẩy mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được tăng cường, các thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư xây dựng, củng cố ngày càng hoàn thiện gắn với xây dựng nông thôn mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vui chơi, giải trí, học tập cộng đồng.

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng Quảng trường Hùng Vương, là không gian sinh hoạt cộng đồng với quy mô lớn; xây dựng Nhà thiếu nhi tỉnh và nhiều công trình văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân. Các địa phương đã xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp 109 Trung tâm Văn hóa - Thể thao, nhà văn hóa cấp xã; 294 nhà văn hóa ấp (liên ấp) đạt chuẩn theo quy định…

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực. Nhiều giá trị thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy hiệu quả, trở thành những chuẩn mực về lối sống, nếp sống, quan hệ văn hóa cộng đồng.

Các phong tục tập quán lạc hậu từng bước được xóa bỏ, thực hiện lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh. Việc xây dựng gia đình, ấp, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa, hương ước ở cộng đồng dân cư có tác động tích cực đến đời sống văn hóa ở cơ sở, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa, các lễ hội truyền thống được chú trọng. Tỉnh hiện có 187 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 22 di tích cấp quốc gia (có 2 di tích quốc gia đặc biệt), 165 di tích cấp tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh đón 3.966.536 lượt khách tham quan.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được tỉnh quan tâm, qua đó, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

ĐỂ VĂN HÓA "SOI ĐƯỜNG CHO QUỐC DÂN ĐI"

Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, Tiền Giang tiếp tục đề ra và đẩy mạnh thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết 33 nhằm khơi dậy những giá trị văn hóa, sức mạnh tinh thần con người Tiền Giang, tạo nguồn lực nội sinh, động lực đột phá để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từng bước hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa con người Tiền Giang để phát triển bền vững về nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh, có trách nhiệm với xã hội, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phát huy truyền thống tốt đẹp ông bà gương mẫu, con cháu thảo hiền; tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động để văn hóa thật sự trở thành nhân tố thúc đẩy con người hoàn thiện hơn về chân - thiện - mỹ. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Theo đó, tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong việc quán triệt và tích cực thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 33 và Đề án của Chính phủ về xây dựng, phát triển văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, gắn với thực hiện với các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị về văn hóa và đẩy mạnh các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975 - 30-4-2025).

Qua đó, tạo điều kiện cho hoạt động văn hóa - nghệ thuật phát huy hết tiềm năng, lợi thế, tạo ra những tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật phục vụ công chúng, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh.

Chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa thật sự có năng lực, đủ tầm; xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa nhất là ở cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Quan tâm đầu tư lĩnh vực văn hóa tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế; xây dựng các đề án, chương trình nhằm khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân tại địa phương; từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, nhất là ở cơ sở. Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước; ưu tiên bảo tồn văn hóa truyền thống và phát huy giá trị bản sắc văn hóa địa phương, dân tộc.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển văn hóa, con người; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch 208 ngày 3-8-2017 của UBND tỉnh về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” theo Quyết định 1755 ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ.

HỮU NGHỊ

To Top