Bài 2: Xây nhà văn hóa thôn bản: Đảng viên đi trước, dân cất bước theo sau

Cả hệ thống chính trị Điện Biên đã vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà văn hóa ở các thôn bản, góp phần xây dựng nếp sống mới cho Nhân dân.

Khi nắng chiều đã dịu, khu vực nhà văn hóa bản Ten B, xã Thanh Xương, ành phố Điện Biên Phủ lại rộn lên tiếng trẻ thơ nô đùa, tiếng hò reo của người lớn chơi cầu lông, bóng chuyền hơi.

Kể từ năm 2017, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, sạch sẽ, trở thành điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa của các hộ dân trong bản. Đây được xem là một trong những ví dụ tiêu biểu của mô hình nhà văn hóa kiểu mới trên địa bàn nơi cực Tây Tổ quốc.

Cùng góp của, góp công

Bà Ngô Thị Ngân, Bí thư chi bộ bản Ten B, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên kể rằng mình luôn trăn trở bởi bản cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ không xa, điện đường trường trạm có đủ nhưng lại thiếu nhà văn hóa khiến sinh hoạt cộng đồng gặp nhiều khó khăn, trẻ em không có chỗ vui chơi.

Nhận nhiệm vụ từ năm, bà Ngân đã đề xuất với chi bộ và chính quyền các cấp việc xây dựng nhà văn hóa bản.

Bà Ngô Thị Ngân, Bí thư chi bộ bản Ten B, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên kể về quá trình vận động xây nhà văn hóa. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Lãnh đạo địa phương đề đạt nguyện vọng lên các cấp và được cấp phép sử dụng một phần đất 5% (quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích) của xã để xây nhà văn hóa.

Đất thì đã có nhưng kinh phí xây dựng thì vẫn là “hòn đá tảng” chắn đường người dân bản Ten B. Ngân sách 250 triệu đồng chỉ đủ để xây dựng một ngôi nhà sàn, còn các công trình phụ trợ khác dự kiến hết 300 triệu đồng.

Vậy là chi bộ bản Ten B đề ra chủ trương xã hội hóa, xác định Đảng viên phải là đối tượng tiên phong tham gia đóng góp để nhà văn hóa thành hình.

Chi bộ quyết định mỗi Đảng viên đóng góp 200.000 đồng, mỗi hộ dân trong bản góp 100.000 đồng để xây dựng công trình.

Nhờ nỗ lực của Nhân dân và chính quyền mà Bản Ten B nay đã có nhà văn hóa khang trang làm nơi sinh hoạt cộng đồng, trẻ em có chỗ vui chơi. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

“Chủ trương thì thống nhất như vậy, nhưng việc vận động bà con góp tiền là rất khó khăn. Một phần vì đời sống người dân chưa cao, chủ yếu phụ thuộc vào trồng lúa, chăn nuôi. Phần khác, vì người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của nhà văn hóa nên họ từ chối tham gia đóng góp,” bà Ngân kể.

Có người thắc mắc điều này với Bí thư chi bộ, bà Ngân ôn tồn làm phép tính: “Ví dụ, nhà tôi có 5 Đảng viên, đóng góp 1 triệu đồng, cả hộ gia đình nhà bạn có 8 người chỉ đóng có 100.000 đồng, mà nhà văn hóa sau này là nơi vui chơi, hội họp chung của cả bản, vậy bạn thấy có nên đóng góp không?”

Nhờ sự vận động nhẹ nhàng như vậy mà chi bộ bản Ten B đã thuyết phục được mọi người góp công, góp của xây dựng nhà văn hóa.

Chính quyền địa phương lên phương án thiết kế nhà văn hóa theo hình dáng một ngôi nhà sàn phù hợp với phong tục tập quán người dân trong bản: Vừa kiên cố, khang trang, vừa giữ nét đặc trưng văn hóa dân tộc. Người dân cũng đóng góp ngày công, san gạt mặt bằng, vận chuyển vật liệu… trong quá trình xây dựng.

Mỗi buổi chiều, người dân bản Ten B tụ tập chơi thể thao tại sân nhà văn hóa. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tháng 5/2017, “mái nhà chung” của người dân trong bản thành hình. Các năm sau đó, nhờ công tác xã hội hóa mà công trình dần hoàn thiện bổ sung các hạng mục khác như tường bao, cây xanh, đường nối từ đường chính của bản vào đến sân nhà văn hóa, các thiết bị loa đài, bàn ghế…

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, bà Ngân bày tỏ niềm vui khi người dân có chỗ thư giãn sau giờ làm việc, trẻ em có nơi vui chơi, đội văn nghệ của bản cũng được tạo điều kiện tập luyện thường xuyên hơn.

“Bản Ten B là nơi tập trung sinh sống của cộng đồng Kinh, Thái, Tày, Lào. Từ khi có nhà văn hóa, công tác đại đoàn kết cũng được tăng cường. Có công việc gì mọi người cũng sẵn sàng chung tay cùng thảo luận, tìm hướng giải quyết. Đời sống tinh thần ngày càng được nâng lên,” bà Ngân nói.

Chị Lò Thị Binh (sinh năm 1973), thành viên đội văn nghệ của bản phấn khởi cho hay các chị thường tập luyện dân ca, dân vũ đều đặn vào khoảng 8 giờ tối.

Hiện nay bản Ten B có một số hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch. Do đó, đội văn nghệ của bản cũng thường xuyên được mời biểu diễn phục vụ du khách.

“Nhờ Đảng và chính quyền địa phương quan tâm xây dựng nhà văn hóa mà mọi người có không gian chung rất đẹp, từ đó cũng tăng tình đoàn kết. Đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động vừa góp phần nâng cao thể chất cho bà con, hướng trẻ em, thanh niên đến những trò chơi lành mạnh, vừa tham gia gìn giữ văn hóa truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân,” chị Binh nói.

Bí thư chi bộ xung phong hiến đất xây nhà văn hóa

Ở bản Phăng 1, xã Mường Phăng, 78 hộ dân dễ dàng đồng thuận việc góp tiền, góp ngày công và sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để xây nhà văn hóa. Song, bản Phăng 1 lại không có quỹ đất cho công trình này.

Gia đình Bí thư chi bộ hiến đất, bà con góp của góp công để Nhà văn hóa bản Phăng 1 hình thành. (Ảnh: Bí thư Lò Văn Diện cung cấp)

Kế hoạch tưởng chừng lâm vào “thế bí” thì Bí thư chi bộ Lò Văn Diện xung phong hiến 800 mét đất của gia đình để xây nhà văn hóa.

Trò chuyện với chúng tôi bên bức tường ngăn Nhà văn hóa bản Phăng 1 và khu vườn của gia đình, anh Diện xởi lởi: “Mình là Đảng viên, lại là Bí thư chi bộ thì phải đưa ra sáng kiến vì công việc chung của bản.”

Gia đình ông Diện có mảnh đất rộng 5.000m2 ngay trung tâm của bản, người dân tiện đi lại, chính vì vậy, anh đã thuyết phục bố mình là ông Lò Văn Lả hiến tặng 800m2 cho bản để xây nhà văn hóa.

“Ban đầu ông cũng không nghe đâu, nhưng sau có ý kiến của các cơ quan đoàn thể và cũng nhận thức được lợi ích chung nên ông đồng ý hiến đất,” ông Diện nói.

Trưởng bản Lường Văn Đại cho hay người dân rất phấn khởi khi có nhà văn hóa. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Theo Trưởng bản Lường Văn Đại, số tiền ngân sách 200 triệu đồng chỉ đủ để xây nhà văn hóa rộng hơn 100m2, còn các công trình phụ trợ thì được xã hội hóa.

“Người dân trong bản rất phấn khởi, khi vận động đóng góp nhà nào cũng ủng hộ ngay. Có nhà văn hóa, các hoạt động hội họp, sinh hoạt văn hóa của người dân được thuận lợi rất nhiều,” ông Đại chia sẻ.

Chỉ đáng tiếc là nguồn kinh phí xã hội hóa xây được sân chơi và một nửa tường bao thì hết, hiện tại người dân đang dựng rào tạm ở đoạn bị hụt. Trưởng bản Lường Văn Đại đang kiến nghị địa phương và vận động xã hội hóa để có thể hoàn thiện nốt công trình tường bao, xây lại khu công trình phụ và đầu tư một góc đọc sách cho trẻ em trong bản.

Theo ông Hoàng Trung Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường Phăng, từ chủ trương của Đảng bộ thành phố, xã Mường Phăng thống nhất sử dụng nguồn kinh phí từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để đầu tư, xây dựng nhà văn hóa.

Ông Thành cũng cho hay những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng triển khai ở Điện Biên đã làm thay đổi nhận thức của người dân về công tác quản lý bảo vệ rừng. Nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được sử dụng để bảo vệ rừng, trồng rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, các công trình phúc lợi cho địa phương và chi trả trực tiếp cho các hộ dân.

Ông Hoàng Trung Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường Phăng trả lời phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

“Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng chia về từng hộ dân chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, nhưng nếu tích lũy lại để xây dựng, vận hành nhà văn hóa, làm nơi sinh hoạt cộng đồng sẽ góp phần nâng cao các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Người dân tại Mường Phăng đã nhất trí với cách làm này,” ông Thành cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Chì, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên đã tăng cường lồng ghép nguồn vốn và tích cực huy động các nguồn lực trong xã hội nhằm đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là ở cơ sở.

Tới đây, địa phương sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; xây dựng quy định về chế độ bồi dưỡng, chế độ khen thưởng cho nghệ nhân; tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng tại cơ sở.

“Một nhiệm vụ khác là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí của thiết chế văn hóa, thể thao trong phát triển văn hóa và phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Chúng tôi sẽ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại cơ sở; xây dựng, phát huy và nhân rộng các mô hình tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu,” ông Chì cho biết.

Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên. (Ảnh: Dienbientv.vn)

Như vậy, có thể nói, cả hệ thống chính trị Điện Biên đã vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà văn hóa ở các thôn bản, góp phần xây dựng nếp sống mới cho Nhân dân.

Trong điều kiện xuất phát điểm thấp, đối diện với nhiều khó khăn, thách thức song Nhân dân các thôn bản Điện Biên đã đoàn kết, góp sức, góp công triển khai xây dựng nhà văn hóa. Nhờ đó, những “ngôi nhà chung” của bà con liên tiếp mọc lên.

Đây không chỉ là nơi hội họp, sinh hoạt đoàn thể… mà còn vun đắp cho các phong trào văn hóa của đồng bào dân tộc, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và xây dựng những nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư./.

(Vietnam+)

To Top