TỌA ĐÀM 'GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030': Nhiều góp ý, đề xuất chất lượng

Phải có chiến lược bài bản, hành lang pháp lý minh bạch, triển khai đồng bộ, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và có sản phẩm văn hóa đặc trưng...

NSND NGUYỄN THỊ THANH THÚY, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao HCM:

Liên kết để cùng phát triển văn hóa

HĐND TP HCM từ 3 năm trước đã ban hành nghị quyết về việc tổ chức các lễ hội. Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi gần đây cũng đã có ý kiến chỉ đạo về việc thành phố mỗi tháng cần có một sự kiện lễ hội tiêu biểu. Có rất nhiều nhóm công việc, nhóm mục tiêu và TP HCM sẽ phải triển khai hiệu quả trong thời gian tới trên cơ sở đã tổ chức rất thành công Lễ hội Áo dài, Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò Dô, các liên hoan nghệ thuật quốc tế… lấy chất liệu từ bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa địa phương TP HCM.

Trong các phiên họp phát triển tổng thể TP HCM, lãnh đạo thành phố cũng xác định phải tìm kiếm các địa điểm để xây dựng các phức hợp phát triển văn hóa, giải trí. Theo đó, có 10 nhóm giải pháp được triển khai trong dự án "Phát triển công nghiệp văn hóa TP HCM" đó là: 1 - Mục tiêu về phát triển công nghiệp văn hóa, đóng góp tổng doanh thu 148.000 tỉ đồng đến năm 2032, cụ thể đạt 53.200 tỉ đồng vào năm 2025 và thêm khoảng 95.000 tỉ đồng đến năm 2030. 2 - TP HCM hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, triển khai công nhận nghệ thuật cải lương là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 3 - Các lễ hội cấp thành phố có doanh nghiệp đồng hành để cùng xây dựng chương trình theo hướng chặt chẽ và hiệu quả. Có cơ chế, chính sách để các hội đoàn cùng chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm. 4 - Luật hóa vai trò các hội, để phát huy hiệu quả và vai trò chính trị. Các hội có tiềm năng nhưng cũng có lực cản, cần có sự hỗ trợ cũng như giao nhiệm vụ từ nhà nước. 5 - Đẩy mạnh liên kết vùng, TP HCM giữ vai trò đầu tàu cho các tỉnh, thành khu vực phía Nam trong việc cùng phát triển văn hóa. 6 - TP HCM phải là lá cờ đầu về kinh tế số và xã hội số, kể cả công dân số. 7 - Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp văn hóa. 8 - Đầu tư phát triển nguồn nhân lực, dựa vào cơ chế để phối hợp các trường đào tạo của bộ, trung ương. 9 - Chính sách bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, các công trình kiến trúc, bộ mặt của đô thị. 10 - Thực hiện các quyền về sở hữu trí tuệ, bảo đảm hiệu lực trong việc thực hiện.

Ông LÊ MINH TUẤN, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch:

Chọn lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm

Chúng tôi nhận thấy nhận thức thế nào là công nghiệp văn hóa vẫn còn có nhiều cách hiểu khác nhau, cần truyền thông đến doanh nghiệp, cộng đồng để hiểu đúng, hiểu rõ hơn. Mỗi quốc gia có giá trị văn hóa riêng, Việt Nam là quốc gia giàu bản sắc, lực lượng sáng tạo dồi dào. Trong thời gian tới cần chọn lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm phát triển công nghiệp văn hóa.

Trong thời gian tới, hy vọng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại TP HCM sẽ có được không gian sáng tạo quy mô, phù hợp, tạo cảm hứng cho người làm sáng tạo, góp phần lớn cho sự phát triển công nghiệp văn hóa.

Ông CHU ANH HÙNG, Phó Giám đốc Nhà hát Lớn à Nội:

Phải chung tay hành động

Nhà hát Lớn Hà Nội trung bình một năm đón 20 đoàn nước ngoài sang biểu diễn. Gần đây, chúng tôi đã tổ chức 2 đêm nhạc BlackPink thành công với 30.000 người tham dự. Nếu chúng ta tổ chức chuyên nghiệp, hợp tác được với nhóm nhạc quốc tế nổi tiếng về Việt Nam biểu diễn, kích cầu du lịch của chúng ta sẽ tốt hơn.

Chúng ta cần sớm có giải pháp cụ thể và đồng bộ thiết thực giúp nền công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển tốt hơn.

KTS NGUYỄN TRƯỜNG LƯU, Chủ tịch Liên hiệp Các hội VH-NT TP HCM:

Phải có chiến lược phát triển cụ thể

Có nhiều điều cần phải suy nghĩ về công nghiệp văn hóa, quản lý thế nào, nhà nước đầu tư ra sao? Chúng ta có nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết truyện hay, nhưng vì sao không dịch được sang các ngôn ngữ khác? Nhóm BlackPink nổi tiếng với doanh thu rất cao, để có được BlackPink bây giờ thì chính phủ của họ phải đầu tư từ 20 năm trước. Ngay từ bây giờ chúng ta phải có chiến lược phát triển cụ thể, khả thi.

Tiến sĩ MAI MỸ DUYÊN:

Sớm hình thành đội ngũ quản lý trẻ và năng động

Những quốc gia châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc đã phát triển công nghiệp văn hóa hàng chục năm, Việt Nam hiện mới phát triển. Do vậy, cần phải có cơ chế chính sách thích hợp, cơ chế đặc thù của công nghiệp văn hóa, khuyến khích đầu tư, bảo hộ đầu tư. Phải có đội ngũ quản lý, sáng tạo trẻ và năng động, tiếp cận kiến thức mới để phát triển công nghiệp văn hóa.

NSND MỸ UYÊN, Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM:

Mong được hỗ trợ về công nghệ số

Sân khấu nhỏ TP HCM dù được khán giả hâm mộ, song rất khó khăn về cơ sở vật chất. Hiện nay việc quảng bá sân khấu theo xu hướng công nghệ số cũng không dễ dàng. Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo để nâng cao chất lượng hoạt động của sân khấu để phục vụ tốt cho khán giả.

NSND TUYẾT MAI:

Phải truyền thông thống nhất và toàn diện

Lắng nghe các ý kiến tại tọa đàm, tôi rất tâm đắc đặc biệt về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các cơ sở văn hóa tư nhân. Chúng tôi là những người sáng tạo giá trị văn hóa, tự thân vận động mọi việc nhưng vẫn bị mạo danh, nên rất cần sự hỗ trợ từ nhà nước. Cần có Hội đồng Quốc gia tuyển chọn câu chuyện văn hóa, riêng biệt và mang đặc trưng Việt Nam. Khi có rồi, tập trung phát triển phần mềm, kiến trúc, quảng cáo… hướng tới truyền thông toàn cầu (thống nhất và toàn diện) về văn hóa Việt Nam.

Ông ĐINH BÁ THÀNH, Chủ tịch HĐQT DatViet VAC Group Holdings:

Phải bảo vệ, yêu thương văn hóa Việt

Muốn phát triển công nghiệp văn hóa thì phải bảo vệ, yêu thương văn hóa Việt Nam. Cần tạo nội dung đủ sức cạnh tranh và có tính định hướng cho các bạn trẻ. Văn hóa tạo ra sản phẩm chứ không phải đi sao chép, sản phẩm phải đủ lớn, có tính bền vững, có tính phù hợp với những gì đang xảy ra và chưa xảy ra. Phải có được yếu tố kinh tế số hiện hữu trong công nghiệp văn hóa của chúng ta, thì khi đó sức ảnh hưởng của chúng ta mới đủ lớn.

Đạo diễn KIKI TRẦN, Công ty Xin Chào:

Cần có nhiều câu chuyện văn hóa để kể

Từ 5 năm nay, Xin Chào phát triển đội ngũ mạnh mẽ, từ giám đốc sáng tạo, đạo diễn hình ảnh, biên tập, quay phim… Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn, Xin Chào còn mong được đưa giới nghệ sĩ Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn. Ở chiều ngược lại, để đón đầu làn sóng văn hóa quốc tế, chúng ta cần phải bảo đảm cơ sở vật chất, phải có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp từ khâu tổ chức đến truyền thông. Nhất là cần có các câu chuyện văn hóa để kể với mọi người, bạn bè.

Minh Khuê - Đào Tùng ghi

To Top