Đào tạo nguồn nhân lực về phát triển công nghiệp văn hóa

Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Hà Nội cũng có các lớp đào tạo ở trong nước và quốc tế cũng như học kinh nghiệm, cơ chế chính sách từ các nước nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ sẽ tham gia phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, Hà Nội còn đào tạo trực tiếp, gián tiếp,… đào tạo mới, đào tạo lại cho đội ngũ tham gia phát triển công nghiệp văn hóa.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Bà Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VH&TT Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Phân công cơ quan tham mưu khi Luật thông qua

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bà Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VH&TT à Nội cho biết, ở thời điểm năm 2016 khi chúng ta thực hiện Đề án tổng kiểm kê bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, khi đó chưa có phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Hà Nội chưa có di sản văn hóa nào được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đến nay sau 8 năm, TP Hà Nội đã có 38 di sản được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, nhiều nhất toàn quốc. Đồng thời, khi đó có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, thì sau này đã có thêm 2 di sản nữa được ghi danh vào Di sản thế giới. Hơn nữa không chỉ được ghi danh độc lập của Hà Nội mà tham gia trong ghi danh của toàn quốc hoặc đa Quốc gia.

Bà Lan Anh cho biết thêm, chuẩn bị cho thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được xem xét, thông qua, TP đã có chỉ đạo tương đối rõ về việc cơ quan, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm tiếp tục tham mưu xây dựng, ban hành nghị định hay ban hành nghị quyết của HĐND TP hay các quyết định của UBND TP - với từng nhóm lĩnh vực cụ thể. Chắc chắn trong quá trình tham mưu sẽ có sự vào cuộc của các cơ quan lĩnh vực tư pháp để bảo đảm văn bản ban hành đúng quy định; có sự tham vấn của chuyên gia các ngành, các cấp để bảo đảm văn bản ban hành có ưu đãi, phù hợp thực tiễn và đúng nguyện vọng. HĐND TP Hà Nội, MTTQ TP Hà Nội với vai trò thẩm định hay phản biện chắc chắn sẽ triển khai xin ý kiến đóng góp của các bên và đăng tải công khai; đồng thời, cố gắng tiếp thu tối đa những ý kiến đề xuất của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, để làm sao những gì được ban hành ra sẽ phù hợp và khả thi nhất.

Hình ảnh du khách đến tham quan tour đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Khánh Huy.

Đào tạo đội ngũ tham gia phát triển công nghiệp văn hóa

Theo bà Phạm Thị Lan Anh, từ năm 2023 đến nay, TP Hà Nội đã chỉ đạo các cấp ngành cụ thể hóa Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn. Hà Nội cũng có các lớp đào tạo ở trong nước và quốc tế nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ sẽ tham gia phát triển công nghiệp văn hóa. TP Hà Nội đã cử các đoàn chuyên gia đi Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… học tập kinh nghiệm, cơ chế chính sách để có những tham mưu về phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, Hà Nội còn đào tạo trực tiếp, gián tiếp,… đào tạo mới, đào tạo lại cho đội ngũ tham gia phát triển công nghiệp văn hóa.

Đồng thời, có sự vào cuộc của các cơ sở đào tạo đại học trên địa bàn Thủ đô, đang thành lập các khoa đào tạo về công nghiệp văn hóa, sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hy vọng với những việc đó, sẽ không còn quan niệm “phần cứng” hay “phần mềm”, mà con người giỏi thì sẽ làm được nhiều việc.

Những năm gần đây chúng ta bắt đầu nói nhiều đến “sức mạnh mềm” của văn hóa, thực ra vẫn tập trung nhiều đến vấn đề con người. Do yêu cầu của việc xây dựng luật nên không thể nói chi tiết các vấn đề mà cần được giải quyết bằng các văn bản dưới luật. Song, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này không phải kế thừa Điều 11 của Luật Thủ đô năm 2012, mà toàn bộ vấn đề đưa ra trong Điều 21 của Luật Thủ đô (sửa đổi) là mới hoàn toàn, gồm cả “phần cứng” và “phần mềm”. Ngoài ra, có những ưu đãi được đề cập trong những luật khác, trong những điều về phát triển giáo dục, khoa học công nghệ...

Công Phương

To Top