CẦN QUY ĐỊNH RÕ THÀNH PHẦN, TIÊU CHUẨN, CHẤT LƯỢNG THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG DUYỆT PHIM

Cho ý kiến tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đề nghị, cần quy định rõ thành phần, tiêu chuẩn, chất lượng thành viên Hội đồng duyệt phim.

Toàn cảnh Hội nghị tham vấn chuyên gia

NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT cho rằng, Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này cần sửa đổi, bổ sung những quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động điện ảnh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh một cách bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong và ngoài nước, góp phần xây dựng nền Công nghiệp văn hóa, phát triển nền điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, tiên tiến và hiện đại.

Về cơ chế duyệt phim, hiện nay nhiều ý kiến cho rằng cần xóa bỏ cơ chế duyệt phim (tiền kiểm) chuyển sang hậu kiểm (tức là cho trình chiếu mà không cần kiểm duyệt và cấp phép trước, nếu phim có vấn đề gì mới cấm chiếu và xử phạt). Theo NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT, vấn đề này cần phải hết sức thận trọng vì mỗi quốc gia với chế độ chính trị và điều kiện kinh tế xã hội cũng như dân trí khác nhau cần có cách giải quyết khác nhau. Ở Việt Nam đang trong quá trình đổi mới và hội nhập, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng cần cso bước đi, lộ trình phù hợp tránh hậu quả xấu, đôi khi trả giá quá đắt. NSND Vương Duy Biên phân tích:

Đối với phim ngắn, phim tài liệu, phiem truyền hình không chiếu rạp và không phát hành rộng rãi quốc tế thì có thể áp dụng hậu kiểm.

Đối với phim truyện điện ảnh, nó có phạm vi phổ biến rộng rãi, tác động rất nhanh và sức ảnh hưởng lớn đến hành vi, ứng xử, quan niệm đạo đức của xã hội và là một công cụ tuyên truyền tư tưởng mạnh mẽ. Nếu không có cơ quan Nhà nước thực hiện kiểm duyệt nội dung trước thì các nhà sản xuất có thể sẽ đưa các hình ảnh về chính trị, chủ quyền quốc gia, tình dục, khỏa thân, bạo lực vào phim gây ra những tác hại rất lớn tới đạo đức xã hội. Vì vậy, các tác phẩm phim truyện điện ảnh bắt buộc phải trải qua kiểm duyệt trước khi được cấp phép trình chiếu.

NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Theo NSND Vương Duy Biên, điện ảnh là ngành gây ảnh hưởng rất rộng và nhanh chóng, nên hầu như tất cả các nước trên thế giới đều áp dụng phương pháp “tiền kiểm” đối với phim truyện điện ảnh, bởi chỉ có phương pháp này là đảm bảo tốt việc ngăn chặn những bộ phim có nội dung xấu, độc hại trước khi chúng được công chiếu. Còn phương pháp “hậu kiểm” thì có nhược điểm rất lớn, đó là cơ quan kiểm duyệt sẽ không thể phát hiện ra vi phạm trước khi phim được trình chiếu. Mặt khác, đa số các nhà rạp là đơn vị kinh tế tư nhân không phải cơ quan nhà nước, không có bộ máy đủ mạnh và hiểu biết về tư tưởng chính trị như các đài truyền hình hay các cơ quan phổ biến phim của Nhà nước vì vậy họ khó phát hiện hoặc khi phát hiện ra vi phạm và cấm trình chiếu thì cũng không còn tác dụng.

Do việc kiểm duyệt và phân loại phim có tính chất phức tạp, đòi hỏi sự thống nhất áp dụng, trách nhiệm pháp lý và sự tuân thủ cao như vậy nên tại đa số các nước (như Trung Quốc , Singapore, Thái Lan, Úc, ...) việc kiểm duyệt phim được thực hiện theo hình thức tiền kiểm. Tại Anh từ năm 1985 đến năm 2018, Hội đồng phân loại phim cấm 39 bộ phim có những nội dung được xem là vi phạm pháp luật và đạo đức.

NSND Vương Duy Biên cho biết thêm, ở Việt Nam hiện nay đang được thực hiện theo hình thức “tiền kiểm” trung bình mỗi năm, Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện kiểm duyệt gần 300 phim nhập khẩu (cấm phổ biến gần 30 phim), gần 40 phim do Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, NSND Vương Duy Biên đề nghị, thành phần, tiêu chuẩn, chất lượng của thành viên Hội đồng duyệt phim cần được quy định rõ. Trong đó, cần có đại diện của cơ quan sản xuất phim hoặc các nhà làm phim tư nhân; đồng thời quyền lợi, trách nhiệm của Hội đồng cũng cần được nâng lên tương xứng.

Về phân cấp thẩm quyền duyệt phim, hiện nay dự thảo Luật Điện ảnh đang phân cấp thẩm quyền ở Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và địa phương (UBND cấp tỉnh). NSND Vương Duy Biên cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình đổi mới và hội nhập, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng có phạm vi phổ biến rộng, tác động rất nhanh và là một công cụ tuyên truyền mạnh mẽ. Trong khi, điều kiện phòng chiếu duyệt phim truyện điện ảnh chiếu rạp và trình độ chuyên môn, chính trị đội ngũ cán bộ ở mỗi địa phương khác nhau, vừa thiếu, vừa yếu, nhiều địa phương không đủ điều kiện để thực hiện, dẫn tới tình trạng thành phố/tỉnh ngày cấp phép, tỉnh kia từ chối; nguy hại hơn nữa có thể cho ra rạp những bộ phim chất lượng thấp, và kéo theo niềm tin về điện ảnh Việt Nam sẽ giảm sút, khó thực hiện mục tiêu chung là phát triển nền điện ảnh dân tộc, xây dựng nền Công nghiệp Văn hóa Việt Nam. Do vậy, NSND Vương Duy Biên kiến nghị, chỉ nên phân cấp cho địa phương duyệt đối với phim tài liệu, phim truyền hình và các loại phim không chiếu rạp, không phát hành rộng rãi quốc tế. Còn đối với phim truyện điện ảnh, phim hoạt hình và các phim chiếu rạp, phát hành quốc tế cần giao cho một cơ quan chuyên trách trực thuộc Chính phủ, cơ quan này sẽ thực hiện việc kiểm duyệt và phân loại các bộ phim để đảm bảo tính thống nhất trong nội dung kiểm duyệt và trình chiếu trong và ngoài nước.

Về khai thác, phát huy giá trị phim do Nhà nước đặt hàng. NSND Vương Duy Miên cho rằng, cần có quy định rõ để đảm bảo thống nhất trong quản lý, đảm bảo việc giữ gìn các bộ phim đạt chất lượng cao nhất và khi khai thác nguồn lợi của nhà nước phải được tái đầu tư cho điện ảnh thông qua thuế hoặc Quỹ phát triển điện ảnh (khi được thành lập).

Về vấn đề lưu trữ, bảo quản phim kỹ thuật số lâu dài. Hiện nay, Luật Điện ảnh chưa quy định việc lưu trữ đối với phim định dạng kỹ thuật số, trong đó có cần mở mã khóa khi lưu trữ không hay chuyển định dạng nào để có thể kiểm tra, theo dõi, sử dụng khi cần...? NSND Vương Duy Miên cho biết, ở các nước tiên tiến trên thế giới, ngay từ khi xu thế kỹ thuật số định hình cho ngành điện ảnh, người ta đã sớm có ý thức về trang bị các hệ thống lưu trữ đối với phim định dạng kỹ thuật số lâu dài. Vì vậy, kiến nghị Luật Điện ảnh cần có quy định lưu trữ phim lâu dài như là di sản văn hóa của quốc gia, trong đó cần có cơ quan có hệ thống thiết bị hiện đại, an toàn, đảm bảo chất lượng phim sau hàng chục, thậm chí hàng trăm năm./.

Lê Anh - Lê Na

To Top