Môi trường số đặt ra nhiều thách thức trong việc bảo vệ quyền tác giả

Môi trường số đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan. Trong đó có sản phẩm của ngành công nghiệp điện ảnh.

Quang cảnh hội thảo.

Ngày 22/11, trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23, tại thành phố Đà Lạt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh”.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt thông tin, việc bảo hộ bản quyền đã và đang từng bước khẳng định vị thế và vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại các quốc gia.

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp điện ảnh trong giai đoạn từ năm 2018-2022 đã có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ, giá trị sản xuất bình quân tăng hơn 8%/năm, giá trị gia tăng đóng góp vào nền kinh tế bình quân tăng gần 8%/năm.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì hội thảo.

“Với sự phát triển không ngừng của khoa học-công nghệ, kỹ thuật số, đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, tạo ra môi trường lưu giữ, cùng các phương thức phân phối, hình thức khai thác, sử dụng mới đối với các loại hình được bảo hộ nói chung và sản phẩm ngành công nghiệp điện ảnh. Môi trường số đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt thông tin.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, đạo diễn, nhà sản xuất phim, luật sư đã thảo luận làm rõ những nội dung về quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh, công tác thực thi bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh.

Đại biểu trình bày ý kiến tham luận tại hội thảo.

Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho rằng, hội thảo là chương trình quan trọng để các đại biểu cùng thảo luận những vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp để giải quyết việc bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh nước nhà.

Gửi thông điệp đến hội thảo, bà Sylvie Forbin, Phó Tổng Giám đốc lĩnh vực bản quyền và sáng tạo, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Thụy Sĩ cho biết, giống như các lĩnh vực sáng tạo khác, ngành công nghiệp điện ảnh phải đối mặt với nhiều thách thức. Nó đã trải qua những thay đổi to lớn và nhanh chóng trong những năm gần đây. Phim có thể được xem ở hầu hết mọi nơi, trên nhiều thiết bị và vào bất kỳ thời điểm nào. Phim có thể tiếp cận trực tiếp bởi khán giả thông qua điện thoại thông minh và đã trở thành một trong những phương tiện truyền thông hàng đầu để tiêu dùng dịch vụ phim giải trí.

Các đại biểu nghe ý kiến phát biểu của bà Sylvie Forbin qua màn hình.

Theo bà Sylvie Forbin, để ngành điện ảnh trở thành ngành công nghiệp thực sự, việc có khung pháp lý thuận lợi là điều tối quan trọng. Để làm được điều đó, cần xác định chuỗi giá trị và quyền giữa tất cả các bên liên quan quá trình sản xuất phim.

Phó Cục trưởng Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh cho rằng, cùng những khía cạnh tích cực, internet cũng có những tác động tiêu cực đến việc bảo hộ quyền tác giả. Môi trường internet cũng tạo điều kiện cho các hành vi xâm phạm quyền tác giả được thực hiện dễ dàng, với mức độ thiệt hại rất cao và đặt ra rất nhiều thách thức đối với việc bảo hộ quyền tác giả, trong đó có nhiều thách thức về mặt pháp lý.

Đại biểu trình bày ý kiến tham luận tại hội thảo.

Tại hội thảo, nhiều giải pháp về bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh đã được đưa ra, như tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả nói chung và quyền tác giả tác phẩm điện ảnh; các chủ sở hữu quyền tác giả nâng cao ý thức bảo vệ quyền và chủ động yêu cầu xử lý khi có hành vi xâm phạm quyền của mình; tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về quyền tác giả; xây dựng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và thực thi quyền tác giả…

Đồng thời, cần sự vào cuộc, triển khai đồng bộ, khoa học của các cơ quan chức năng, phối hợp kết nối với các cơ quan, tổ chức quốc tế liên quan; trong đó, vai trò nòng cốt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bên cạnh đó, không thể thiếu vai trò của tổ chức xã hội-nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bản quyền và điện ảnh.

To Top